20/07/2017

Doanh nghiệp xây dựng là trung tâm đổi mới, sáng tạo

 Chiều 18/7, tại Viện Khoa học Công nghệ Xây dựng – Bộ Xây dựng (IBST) đã diễn ra Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chiến lược khoa học công nghệ ngành Xây dựng, chương trình phối hợp hoạt động giữa Bộ Xây dựng và Bộ Khoa học và Công nghệ. Hội nghị có sự tham gia điều hành, chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh cùng lãnh đạo các Cục, Vụ, Viện nghiên cứu, Trường đại học của hai Bộ.


Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ chiến lược khoa học công nghệ ngành Xây dựng.

Phát triển khoa học là động lực tự thân

Với quan điểm phát triển khoa học công nghệ là động lực tự thân, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò cũng như sự phối hợp của lãnh đạo, cán bộ các Cục, Vụ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sát cánh cùng ngành Xây dựng trong thời gian qua nhằm thực hiện tốt mục tiêu phát triển khoa học công nghệ của cả nước nói chung và ngành Xây dựng nói riêng.

Qua việc kiểm điểm, đánh giá tình hình thực hiện thỏa thuận phát triển nhiệm vụ khoa học công nghệ giữa hai ngành, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà kỳ vọng Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tiếp tục chỉ đạo các cộng sự luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời cho ngành Xây dựng bằng các việc làm được lượng hóa, cụ thể hơn, vốn đầu tư gia tăng cùng với tốc độ tăng trưởng, đổi mới của khoa học công nghệ hiện đại.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao vai trò cũng như sự phối hợp của lãnh đạo, cán bộ thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ luôn sát cánh, hỗ trợ kịp thời cho ngành Xây dựng.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự bắt nhịp kịp thời về thể chế của Bộ Xây dựng. Sau khi Bộ Khoa học và Công nghệ có chiến lược khoa học công nghệ tổng thể thì ngành Xây dựng cũng có chiến lược khoa học công nghệ của ngành, làm rõ đặc thù, tập trung vào các chương trình trọng điểm, đồng thời ban hành quyết định phê duyệt nâng cao năng suất, chất lượng của ngành Xây dựng.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, ngành Xây dựng cần nỗ lực phấn đấu, đặt ra mục đích tiến tới là việc tạo ra những sản phẩm mang tính quốc gia, quốc tế, cần đặt doanh nghiệp là trung tâm của đổi mới, sáng tạo.


Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đánh giá cao sự bắt nhịp kịp thời về thể chế của Bộ Xây dựng, tiếp tục nỗ lực để tạo ra những sản phẩm mang tính quốc gia, quốc tế.

Trong thời gian tới, giữa hai Bộ cần thực hiện tốt hơn nữa 8 nội dung cụ thể liên quan đến các lĩnh vực: (1) Hệ thống định mức, đơn giá và Hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn. Đây là 2 hệ thống vô cùng quan trọng, mang tính cốt lõi không chỉ đối với ngành Xây dựng mà cả nền kinh tế, đã được đưa vào nội dung triển khai Nghị quyết Trung ương IV, khóa XII, có ảnh hưởng quyết định rất lớn đến hiệu quả đầu tư của từng dự án đầu tư xây dựng, hạn chế thất thoát, tham nhũng trong hoạt động đầu tư xây dựng; (2) Vật liệu xây dựng (VLXD) mới và vật liệu thay thế. Ngành Xây dựng có rất nhiều các sản phẩm VLXD mới, được đổi mới và thay thế thường xuyên nhưng duy nhất có một sản phẩm không chịu đổi mới, thay thế là sản phẩm gạch xây. Nếu như không chịu thay đổi thì không thể đáp ứng được yêu cầu đổi mới về kết cấu, chất lượng công trình. Cần phải tiếp tục nghiên cứu để tạo ra các sản phẩm thay thế trong đó có gạch xây không nung. Nếu chỉ chỉ sử dụng gạch nung từ đất thì mỗi năm cần sử dụng 1.200ha đất nông nghiệp khai thác ở độ sâu 1,5m cộng với hàng chục triệu tấn than để đốt gạch, chất khí thải trong quá trình đốt gạch; (3) Xử lý nước thải, rác thải trong phát triển đô thị, khu công nghiệp, là những vấn đề đang gây bức xúc trong dư luận; (4) Công khai, minh bạch quy hoạch đô thị cả nước trên cổng thông tin điện tử, được kỳ vọng là một cuộc cách mạng, góp phần hạn chế đầu cơ đất đai, lợi ích nhóm.

IBST đang đi đúng hướng

Trước đó, hai Bộ trưởng cùng đoàn công tác đã có buổi thị sát cơ sở vật chất, trang thiết bị và các sản phẩm cụ thể của IBST. Qua đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Chu Ngọc Anh đã tận mắt thấy, một số sản phẩm khoa học công nghệ tiêu biểu, mang tính đặc thù của ngành Xây dựng, có hàm lượng chất xám cao, đã và đang đi vào thực tiễn phát triển ngành Xây dựng, có lẽ đã ẩn chứa trong từng sản phẩm xây dựng, mặc dù chưa gọi thành tên nhưng đã bắt đầu bắt nhịp được với nhu cầu phát triển công nghệ xây dựng trong nước và thế giới.


Hai Bộ trưởng cùng lãnh đạo các Cục, Vụ tham quan cơ sở vật chất, trang thiết bị, sản phẩm xây dựng của IBST.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho rằng, IBST có dự án đầu tư, đầu tư khả thi và có thị trường đi kèm thì sẽ có các dự án công nghệ kèm theo. Cách đi như vậy sẽ rất tốt.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng ghi nhận nhiều bước tiến của ngành Xây dựng, từng bước đi lên làm chủ công nghệ. Trước đây có nhiều sản phẩm phục vụ cho ngành Xây dựng, VLXD là hàng ngoại nhập. Tuy nhiên, thời gian gần đây, nhiều sản phẩm trong nước, nhất là về VLXD đã có thể cạnh tranh với sản phẩm ngoại nhập, thậm chí xuất khẩu ra nước ngoài. Điều đó cho thấy ngành Xây dựng đã bắt nhịp kịp thời về công nghệ xây dựng trên thế giới. Nếu như trước đây có những sản phẩm ngoại nhập về vật liêu xây dựng từ Ý, Tây Ban Nha… thì nay, các sản phẩm này đã có thể sản xuất được ở trong nước, có chất lượng cạnh tranh với các sản phẩm ngoại nhập từ các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng đánh giá cao những sản phẩm đặc biệt phục vụ bảo vệ biển, đảo, biên giới (cột mốc) của ngành Xây dựng. Các sản phẩm này vừa mang ý nghĩa kinh tế và ý nghĩa chính trị cao.

Đến nay, sau 4 năm thực hiện, các nhiệm vụ khoa học công nghệ của ngành Xây dựng đã bám sát các nhiệm vụ chủ yếu đề ra và bước đầu giải quyết được một số nhiệm vụ phát triển ngành Xây dựng theo chiều sâu và một số vấn đề thực tiễn đòi hỏi. Kỳ vọng với sự phối hợp và sát cánh của Bộ Khoa học và Công nghệ, ngành Xây dựng tiếp tục tạo ra những sản phẩm mang tính quốc gia, quốc tế, bắt nhịp với tốc độ phát triển khoa học công nghệ của ngành Xây dựng toàn cầu luôn đổi mới, sáng tạo.

Thanh Nga/BXD