02/08/2022

Đoàn công tác của Tạp chí Kiến trúc Việt Nam có chuyến thăm quan thực tế tại Trung tâm Tinh hoa Làng nghề Việt

(KTVN) – Thực hiện kế hoạch nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ năm 2022, mới đây, Đoàn công tác Tạp chí Kiến trúc Việt Nam do Tổng biên tập Phạm Thị Thanh Huyền làm trưởng đoàn đã có chuyến công tác tại Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt (xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, Hà Nội). Tham gia đoàn công tác còn có các Kiến trúc sư, các phóng viên, cộng tác viên của Tạp chí.

Tại buổi thăm quan thực tế, đoàn có cơ hội tiếp xúc với bà Hà Thị Vinh – Giám đốc Công ty TNHH Gốm sứ Quang Vinh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam. Bà là con cháu đời thứ 15 thuộc dòng họ làm nghề gốm lâu nhất ở Bát Tràng. Bằng tâm huyết ấp ủ bấy lâu, bà đã quyết định xây dựng “Trung tâm Tinh hoa làng nghề Việt” trên chính mảnh đất của gia đình, để tôn vinh tổ nghiệp quê hương và bảo tồn, giữ gìn những giá trị tinh hoa văn hóa của làng nghề làm gốm. Công trình có tổng vốn đầu tư lên đến 150 tỷ đồng và thời gian xây dựng lên đến gần 3 năm.

Trung tâm có diện tích khoảng 3.700 m2, với tầm nhìn ra dòng kênh Bắc Hưng Hải ở thôn 5, xã Bát Tràng, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Nơi này nằm khá gần làng gốm Bát Tráng, cách trung tâm thủ đô khoảng 20km.

Lấy cảm hứng từ hình ảnh những khối bàn xoay “vuốt gốm” giao thoa với nhau, nhào nặn nên tác phẩm với những mặt cong đa diện, chuyển động mềm mại và tự do. Ở một góc khác lại thấy hình ảnh Lò bầu cổ của người Bát Tràng xưa. Nhìn từ bên kia sông, những nét ngang trượt theo mặt cong như sự tiếp nối dòng chảy sông Hồng – từ ngàn năm nay đã ôm trọn làng gốm.

“Gốm Xoay” lưu giữ những giá trị truyền thống và phát triển gốm trong thời kỳ mới, tôn vinh sáng tạo, tài hoa của những nghệ nhân.

Đoàn đã tới thăm cơ sở sản xuất gốm tại Trung tâm – Đây là nơi ra đời các tác phẩm tâm đắc của các nghệ nhân làng gốm Bát Tràng.

Đoàn đã được chiêm ngưỡng các tác phẩm gốm nghệ thuật gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của làng gốm Bát Tràng. Trung tâm trưng bày đầy đủ các dòng men từ cổ đại đến hiện đại, cảm nhận sự thay đổi về màu sắc, hình dáng cũng như các họa tiết trang trí… . Từ đó, để cảm nhận bức tranh tổng quan về lịch sử hình thành và phát triển của làng nghề Bát Tràng.

PV