12/03/2018

Định hướng công tác đào tạo lý luận phê bình kiến trúc tại các trường Đại học

Đào tạo kiến trúc đang trải qua giai đoạn khó khăn trong một thị trường chuyên nghiệp giàu tính cạnh tranh. Không chỉ ở Việt Nam, đào tạo và hành nghề kiến trúc ở các nước cũng đang phải giải quyết những vấn đề chung có tính đặc thù trong bối cảnh phát triển hội nhập đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ hiện nay. Đào tạo kiến trúc ở Việt Nam cần phải đổi mới toàn diện, từ định hướng mục tiêu, cho đến nội dung, phương pháp và cả cách thức quản lý theo hướng hội nhập khu vực và quốc tế. Đổi mới đào tạo cần một cách tiếp cận tổng hợp từ nền tảng lý luận kiến trúc, dựa trên các chiến lược định hướng phát triển giàu tính khoa học, gắn lý thuyết với thực tiễn từ chương trình, nội dung đến phương pháp giảng dạy.

svasvas

  1. Đổi mới phương thức đào tạo từ nền tảng lý luận kiến trúc

Công việc của một Kiến trúc sư (KTS) là thiết kế công trình, nhưng không hẳn tất cả các KIếN TRÚCS đều thiết kế, KIếN TRÚCS có thể đảm nhận nhiều vai trò khác nhau trong hoạt động nghề nghiệp như tham gia giám sát và quản lý thiết kế, thi công, công tác nghiên cứu, lý luận phê bình kiến trúc. Hiện nay trong các trường đào tạo Kiến trúcchưa có sự phân chia chuyên môn hóa sâu mà mới chỉ tập trung giảng dạy cho sinh viên những lý thuyết, kiến thức và kỹ năng riêng biệt cần thiết cho hoạt động hành nghề tư vấn thiết kế. Bởi vậy, khả năng phân tích, nghiên cứu tổng hợp, lý luận phê bình của sinh viên còn nhiều hạn chế, điều đó đã ảnh hưởng rất nhiều trong việc phát triển tư duy sáng tạo của sinh viên. Lý luận phê bình và sáng tác luôn tương hỗ và thúc đẩy nhau, thiếu lý luận thì công tác thiết kế không có căn cứ để sáng tạo.

Đổi mới đào tạo theo hệ thống tín chỉ như các trường đại học (ĐH) hiện nay đang thực hiện nhấn mạnh chủ thể “lấy sinh viên làm trung tâm” với mục tiêu cải thiện cơ hội học tập của mỗi cá nhân, nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng mô hình này khá phức tạp, đòi hỏi các điều kiện nhất định. Nhà trường và giảng viên (GV) cần hỗ trợ và thúc đẩy sự đam mê trong học tập, tạo ra “cộng đồng học tập, đối thoại, nghiên cứu và thực hành”, giúp sinh viên phát triển các kỹ năng:

– Khả năng tự nhận thức, nghiên cứu độc lập; Kỹ năng tìm kiếm và xử lý thông tin.

– Thúc đẩy và tạo sự cảm hứng sáng tạo cho sinh viên; Phát triển tư duy phản biện.

– Xây dựng sự tự tin, tác phong và đạo đức nghề nghiệp.

– Thay đổi cách nhận thức và tiếp thu kiến thức.

– Phát triển các mối quan hệ, tương tác trong học tập.

– Quan tâm các vấn đề xã hội và môi trường.

  1. Tăng cường tư duy sáng tạo và kỹ năng phản biện

Sáng tạo là một cấu trúc phức tạp và nó được biểu hiện phổ biến nhất thông qua trí thông minh và năng khiếu về ngôn ngữ, âm nhạc, toán học, không gian, giao tiếp, và cả khả năng suy nghĩ độc lập của một người. Torrance (1962) định nghĩa sự sáng tạo như là một quy trình bắt đầu từ việc hình thành các ý tưởng, giả thuyết; Thử nghiệm các giả thuyết; Và kết thúc bằng việc đưa ra kết luận. Để thúc đẩy sự sáng tạo cho sinh viên, đào tạo Kiến trúckhông đơn giản là việc chuyển giao kiến thức mang tính hình thức, GV không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà cần tập trung vào cách thức mà sinh viên tạo ra ý tưởng, theo những nguyên tắc:

– Học tập dựa trên vấn đề – lựa chọn chủ đề phù hợp phát triển tư duy sáng tạo.

– Gắn kiến thức lý thuyết vào thực tế – giải quyết các vấn đề và thách thức đặt ra.

– Đề cao tính sáng tạo – xem xét tư duy trái chiều, các quan điểm khác nhau.

– Khái quát hóa – bằng việc mô phỏng, mô hình hóa và thực hành ngoài hiện trường.

– Thảo luận theo nhóm – câu hỏi mở đa chiều và thảo luận về các ý tưởng của sinh viên.

– Đánh giá, phản hồi – thông tin ngắn gọn, tập trung vào các vấn đề trọng tâm.

Khi chuyển đổi từ niên chế sang tín chỉ thời lượng các học phần lý thuyết bị rút ngắn thời gian trong khi khối lượng kiến thức và thông tin lại quá nhiều. Kết quả là sinh viên chỉ cố gắng ghi nhớ các sự kiện, định nghĩa, cách phân loại mà không có sự hiểu biết thực sự về đối tượng và chủ đề. Trong quá trình giảng dạy các học phần lý thuyết, ngoài việc cung cấp các tri thức mới, GV đóng vai trò trung gian, khuyến khích việc học tập của sinh viên giúp họ tiếp cận và hiểu sâu vấn đề:

– Hiểu bản chất của đối tượng

– Các bài học kinh nghiệm,

– Phát triển kỹ năng để tìm kiếm và xử lý thông tin, nghiên cứu

– Kết nối các kiến thức lý thuyết với nghề nghiệp và các vấn đề thực tiễn.

Kết thúc môn học, GV cần thiết yêu cầu sinh viên làm một bài test / khảo sát để đánh giá tính hiệu quả của môn học. Các phản hồi này sẽ giúp GV và sinh viên đánh giá chất lượng giảng dậy, góp ý để hoàn thiện nội dung giảng dậy, giúp sinh viên hệ thống lại kiến thức. Sinh viên ngoài việc tiếp thu kiến thức, cần tập trung vào bản chất của hoạt động học tập để phát triển sâu rộng kiến thức, chuẩn bị kỹ năng phản biện, có cái nhìn và lý luận đa chiều, suy nghĩ độc lập, sự quan tâm tích cực với xã hội và thời cuộc.

  1. Phương pháp học từ vấn đề và học từ dự án phát triển kỹ năng nghiên cứu

– Học từ vấn đề (PBL)

Xuất hiện lần đầu tiên trong chương trình học y khoa tại ĐH McMaster ở Hamilton, Ontario, Canada vào cuối năm 1960 bởi Howard Barrows, và đã phát triển hiệu quả ở nhiều ngành học khác trong đó có kiến trúc, PBL là một phương pháp sư phạm lấy sinh viên làm trung tâm trong đó sinh viên tự tìm hiểu nhiều mặt của một chủ đề thực tế trong bối cảnh các vấn đề phức tạp (không nên nhầm lẫn với học từ dự án). Mục tiêu của PBL là để giúp học sinh phát triển kiến thức một cách linh hoạt, cũng như kỹ năng giải quyết vấn đề hiệu quả, kỹ năng tự nghiên cứu, kỹ năng hợp tác hiệu quả và động lực trong việc giải quyết vấn đề. SINH VIÊN xác định những gì họ đã biết, những gì họ cần biết, và làm thế nào và ở đâu để truy cập thông tin mới mà có thể dẫn đến giải quyết vấn đề. Vai trò của người hướng dẫn là tạo điều kiện học tập, cung cấp giáo trình thích hợp, hỗ trợ và mô hình hóa quá trình và giám sát việc học tập. Các giảng viên phải xây dựng được sự tự tin của học sinh và khuyến khích họ mạnh dạn đưa ra các câu hỏi, trong quá trình truyền đạt kiến thức.

– Học từ dự án

Phương pháp giảng dạy này được sử dụng rộng rãi trong đào tạo kiến trúc, kinh tế, y học, nơi phương pháp nghiên cứu điển hình (case-study) hỗ trợ hiệu quả trong giảng dạy/học tập. Học từ dự án là một phương pháp giảng dạy, cung cấp cho sinh viên nhiệm vụ phức tạp dựa trên những vấn đề thực tiễn, hoặc các vấn đề liên quan đến phương pháp phân tích nghiên cứu, kỹ năng điều tra, lựa chọn và cách ra quyết định. Loại hình học này là tập trung vào tìm hiểu các khái niệm và nguyên tắc, phương pháp nghiên cứu, không giới hạn vào một khung cố dịnh mà đi sâu vào bất cứ điều gì là thích hợp để nghiên cứu. Sinh viên sẽ có cơ hội phát triển các kỹ năng nghiên cứu có giá trị trong quá trình thiết kế, cách giải quyết vấn đề và ra quyết định. Học từ dự án, thúc đẩy và thực hành những thói quen học tập mới, nhấn mạnh các kỹ năng tư duy sáng tạo của sinh viên thông qua thực tế rằng có rất nhiều cách để giải quyết một vấn đề.

Các cuộc thi kiến trúcdành cho sinh viên, các đồ án/workshop được nghiên cứu làm việc theo nhóm nghiên cứu các vấn đề thực tiễn trong những năm gần đây. được sinh viên hưởng ứng tham gia, có tính chất đặc thù giống như phương pháp học từ chủ đề và học từ dự án đã đem lại những điều mới mẻ và hiệu quả trong đào tạo kiến trúc.

Giảng dạy và thực hành tại xưởng thúc đẩy sáng tạo và kỹ năng phản biện 

– Xưởng học đồ án

Sinh viên Kiến trúcluôn đặt ra câu hỏi về phương pháp tư duy và những gì cần thiết để trở thành kiến trúc, GV cần phải giải thích cho sinh viên hiểu rằng, thực hành kiến trúclà quá trình tự đặt ra cho mình câu hỏi và GV chỉ hướng dẫn thúc đẩy để sinh viên tự tìm đáp án và giải pháp, việc này sẽ lặp đi lặp lại nhiều lần. Cái gốc của kiến trúcnằm trong trải nghiệm của chính chúng ta đó là căn phòng, ngôi nhà, ngôi làng, thị trấn, cảnh quan, một cách vô thức từ rất sớm, được so sánh với những điều mới mẻ khác trải nghiệm sau này. Theo kiến trúc Zumthor (2006) sự hiểu biết của chúng ta về kiến trúcbắt nguồn trong thời thơ ấu; Chúng nằm trong bản thể của chúng ta, sinh viên phải học để làm việc một cách chuyên nghiệp với trải nghiệm kiến trúccủa họ.

Xưởng học đồ án là môi trường tốt nhất khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp, hỗ trợ thúc đẩy sự sáng tạo trong sinh viên. Xưởng là trung tâm trong hệ thống đào tạo cho ngành thiết kế theo định hướng studio/môn học/đồ án, tinh thần của xưởng là việc tạo ra một không gian “đóng-mở” linh hoạt để sinh viên và GV cộng tác. Nếu GV không bị gò bó theo khuôn mẫu của nhà trường thì họ có thể sử dụng linh hoạt nhiều chiến lược và phương pháp giảng dạy khác nhau. Trong số các chiến lược tiên tiến được nhiều trường áp dụng là Học từ vấn đề hoặc Học từ dự án, cùng với các hoạt động khác để phát triển kỹ năng tư duy phản biện và khả năng sáng tạo của sinh viên. Một số trường kiến trúctrên thế giới đã sử dụng tổng hợp của 2 chiến lược trên (STP) đã thực hiện nhiều dự án nghiên cứu, các ấn phẩm đặc biệt, tạo ra các diễn đàn và hội thảo rất hiệu quả, hai trong số đó là:

1/ Đại học Cardiff – Trung tâm Giáo dục Môi trường xây dựng (CEBE)

2/ Dự án Xưởng giảng dạy (STP) – một sự hợp tác giữa các trường Đại học New South Wales, Đại học Queensland, Đại học RMIT và Đại học Tasmania, dưới sự giám sát của Hội đồng học tập và giảng dạy Australia.

Giảng dạy và thực hành hiệu quả của Xưởng phụ thuộc vào nhiều yếu tố và tiêu chuẩn

  • Các dự án, và đội ngũ GV chất lượng
  • Cộng đồng xưởng tích cực, có sự tương tác và hợp tác hiệu quả giữa các sinh viên
  • Sự tham gia và tuân thủ cam kết của sinh viên
  • Quy mô xương và các nhóm hợp lý
  • Kết nối với doanh nghiệp và các ngành nghề thiết kế khác

Tranh luận và phản biện

Tranh luận và phản biện đặc biệt quan trọng trong đối với đào tạo kiến trúc, GV đóng vai trò truyền dạy ý tưởng và kiến thức cho sinh viên chủ yếu thông qua các câu hỏi mở, các giả định, hướng dẫn các tài liệu thích hợp, thảo luận để lựa chọn các giải pháp giải quyết vấn đề, đem lại cho sinh viên các lợi ích cho sinh viên như sau:

– Phát triển năng lực phản biện

– Biết tôn trọng quan điểm và ý kiến khác nhau

– Sinh viên tham gia xây dựng kiến thức

– Phát triển các kỹ năng mềm và kỹ năng thuyết trình

– Thúc đẩy sinh viên tích cực trong học tập cũng như các hoạt động khác

Tranh biện là một thành phần của nền dân chủ, vì nó phát triển con người bằng cách bồi dưỡng khả năng trao đổi quan điểm, tăng khả năng cho và nhận kiến thức giữa sinh viên, mở mang kiến thức và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau (Dillon, 1994). Điểm quan trọng cốt lõi của thảo luận và tranh biện là hoạt động tự do, không gò bó, nó là chất xúc tác với mục đích tăng vốn hiểu biết và các kỹ năng cần thiết cho sinh viên.

Tranh luận & phản biện là một quá trình cơ bản cần thiết trong đào tạo kiến trúc, nhưng không dễ dàng, và nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và kinh nghiệm của người thầy có thể có tác dụng ngược cho cả GV và sinh viên. Đòi hỏi GV phải yêu nghề, có kính nghiệp, không ngừng trau dồi kiến thức của bản thân và khả năng chuyên môn sư phạm, đổi mới phương pháp dạy học.

 

  1. Lời kết

Lý luận phê bình kiến trúclà một bộ phận cấu thành quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục kiến trúcvà là hành trang cơ bản cho các kiến trúc hành nghề. Nâng cao khả năng nghiên cứu/phân tích và lý luận/phê bình kiến trúccần bắt đầu từ ngay trong nhà trường, không chỉ bằng việc bổ sung một môn học nào đó, mà cần đổi mới đào tạo theo hướng tiếp cận tổng hợp từ nền tảng lý luận kiến trúc, dựa trên các định hướng phát triển giàu tính khoa học, gắn lý thuyết với thực tiễn.

Mặc dù sẽ gặp những khó khăn và thách thức, tuy vậy các trường không thể từ bỏ nhiệm vụ đào tạo của mình trong bối cảnh mới, cần đề cao tính cá nhân, phát huy sự sáng tạo của sinh viên, tạo lập cơ sở và động lực để sinh viên có thể tiếp tục học và phát triển các kỹ năng sau khi tốt nghiệp ra trường.

PGS.TS.KTS. Nguyễn Vũ Phương

Tài liệu tham khảo:                                                                      

  1. Đào tạo kiến trúc – đổi mới & hội nhập, Kỷ yếu hội thảo, ĐH Kiến trúcHN
  2. Đào tạo kiến trúc và các ngành thiết kế, xây dựng trong xu hướng toàn cầu hóa, Kỷ yếu hội thảo, ĐH Kiến trúcTPHCM.
  3. Đổi mới đào tạo đồ án kiến trúc, Kỷ yếu hội thảo , ĐH Xây dựng
  4. Proceedings of an International Seminar in Kuwait; Architectural criticism and Journalism: Global perspectives.
  5. Symposium on New Directions in Architectural Education – GREHA
  6. Akhtar Chauhan, Humanise Architectural Education for the 21st Century
  7. Wolfgang F.E Preiser; Architecture beyond Criticism; Routledge