14/08/2018

Di sản đô thị “đứt gãy”, bất ổn và phát triển

(Tạp chí KTVN) – Di sản đô thị luôn được xem là vốn “trân quý”, góp phần tạo dựng bản sắc riêng của đô thị nhưng lại luôn là đối tượng yếu thế dễ bị tác động và biến đổi mạnh mẽ trong  quá trình phát triển đô thị. Các đô thị mới thường dễ có xu hướng phủ định và thay thế  các giá trị xưa cũ để nhường chỗ cho các công trình kiến trúc đương đại. Do vậy, các di sản đô thị đang đứng trước nhiều thách thức, tác động tiêu cực của hai xu hướng cơ bản là biến mất và biến dạng. Điều này không chỉ mang đến thiếu ổn định trong đời sống văn hóa mà còn tạo ra sự phát triển thiếu bền vững  bởi sự  ”đứt gãy” di sản trong lịch sử phát triển đô thị.

Quần thể công trình nhà ở kết hợp dịch vụ theo phong cách kiến trúc bản địa  được bảo tồn trong đô thị  hiện đại tại   khu vực Clack Quay (Singapore)

Quần thể công trình nhà ở kết hợp dịch vụ theo phong cách kiến trúc bản địa được bảo tồn trong đô thị hiện đại tại khu vực Clack Quay (Singapore)

DI SẢN ĐÔ THỊ, THÀNH TỐ YẾU THẾ TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ
Trong thời gian gần đây, tại các đô thị lớn trên khắp cả nước liên tục nổi lên các cuộc tranh luận về bảo tồn di sản đô thị, về sự biến dạng, mất đi, xâm hại các di tích, không gian văn hoá. Điều này đang cho thấy một thực tế đáng buồn là các di sản đô thị luôn là nhóm yếu thế, dễ bị tổn hại trong quá trình phát triển đô thị. Không chỉ riêng tại Việt Nam, mà cả với các quốc gia láng giềng trong khu vực, với các đô thị đang trong quá trình mở rộng và phát triển, việc chuyển đổi, hiện đại hóa các không gian đô thị là một thực tiễn tất yếu.

Khi bàn về hiện trạng này, Giáo sư Arnold Koerte, môn Kiến trúc và Di sản Văn hóa của Đại học Darmstard (Đức), nhận xét: “Chỉ cần nhìn vào những thành phố lớn của Đông Nam Á như Singapore, Jakarta, Bangkok, Kuala Lumpur và Manila, chúng ta sẽ thấy rõ cái gọi là “phát triển đô thị” đã phá hủy sự đồng hành của quá khứ với hiện tại như thế nào thông qua các bằng chứng về việc di sản đô thị bị mai một và hủy hoại”. Tuy nhiên, hiện trạng cũng cho thấy trong quá trình chuyển đổi đô thị, các di sản đô thị đang phải đứng trước nhiều thách thức tác động tiêu cực bao gồm xu hướng biến mất của các di sản đô thị và xu hướng biến dạng của di sản đô thị.
Trước hết là sự biến mất của các di sản đô thị, đặc biệt là các di sản đô thị chưa được xếp hạng. Do thực tế tồn tại trong công tác quản lý di sản tại các đô thị, nhiều chuyên gia và cơ quan quản lý, chính quyền đô thị mới chỉ hiểu và khu biệt hoá nhận thức, nhìn nhận di sản với góc độ của di tích đơn lẻ, hay đơn thuần là phần vỏ vật chất cũ bên ngoài của công trình, điều này ắt dẫn đến những ứng xử tương thích với di sản kiểu phiến diện, mùa vụ với di sản đô thị. Trong khi di sản đô thị cần được nhận diện là toàn bộ không gian, các vật thể kiến trúc và giá trị văn hóa phi vật thể. Bên cạnh đó, trước các nhu cầu về diện tích kinh doanh, nhà ở trong bối cảnh đất vàng đô thị, các di sản đô thị chưa được xếp hạng thường có vị trí đắc địa trong trung tâm đô thị lại dễ dàng bị phá bỏ để thay thế cho các công trình nhà ở, công trình dân dụng mới.
Tiêu biểu nhất trong trường hợp này chính là công trình Dinh Thượng Thư 160 năm tuổi hiện là trụ sở của Sở Thông tin Truyền thông (59-61 Lý Tự Trọng) được dự kiến bị đập bỏ để thực hiện dự án nâng cấp trụ sở HĐND-UBND TPHCM gây tranh cãi thời gian qua, hay như trường hợp các khu chung cư cũ như Kim Liên, Trung Tự, Giảng Võ, Thành Công và các công trình rạp hát, rạp chiếu phim xây dựng thời kỳ sau 1975 tại Hà Nội bị đập bỏ – xây mới không thương tiếc. Điều này về tổng thể sẽ làm đứt gẫy quá trình phát triển tiếp nối của đô thị, tiềm ẩn các ảnh hưởng tiêu cực đặc biệt là vấn đề mất bản sắc – mất tính văn hóa, khiến đô thị trở nên lạc lõng bởi không còn sợi dây liên kết với quá khứ phát triển của mình.

Tiếp đến là sự biến dạng của di sản đô thị. Trong quá trình phát triển đô thị, do các hạn chế về nhận thức trong quản lý và ứng xử với di sản, các di sản đô thị đặc biệt là di sản chưa được xếp hạng, di sản phi vật thể bị công tác cải tạo làm méo mó biến dạng. Điều này có thể nhận thấy qua trường hợp cải tạo lát đá vỉa hè khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm gây tranh cãi khi cho rằng đã thay đổi giá trị cảnh quan hay như trường hợp cải tạo Cung Văn hóa Thiếu nhi Hà Nội – một công trình gắn với tuổi thơ nhiều thế hệ trước đây bị cải tạo với mặt tiền được sơn phết hoàn thiện mới. Hay như trường hợp cải tạo phố cổ Tạ Hiện dù có mang lại sự sầm uất của một con phố phát triển các dịch vụ vui chơi buổi tối nhưng cũng không ít chuyên gia cho rằng cách cải tạo một phần như vậy đã làm biến đổi không chỉ công trình kiến trúc theo hướng rập khuôn mà còn là phá vỡ các giá trị cảnh quan không gian vốn tĩnh lặng và trầm ấm từ bao đời nay. Chính sự chung chung, mập mờ đã điển hình hoá các giá trị của di sản làm chúng trở nên giống nhau, khô cứng. Điều này góp phần làm xơ cứng sự hiểu biết, nhận thức về di sản, cản trở sự phát huy các giá trị và là một trong những nguyên nhân dẫn đến những ứng xử chưa phù hợp với di sản như chúng ta đã thấy.

Dù kết cục như thế nào thì hầu hết các di sản đô thị trong cả 02 trường hợp trên đều sẽ bị tổn thương cả về vật chất và tinh thần. Vẫn biết rằng nhu cầu đổi mới đô thị, để nâng cao chất lượng sống cho người dân, để đô thị văn minh và hiện đại là cần thiết. Nhưng nếu cứ áp dụng những giải pháp duy ý chí thiếu thận trọng như một số trường hợp vừa qua thì chắc chắn sẽ còn rất nhiều các di sản đô thị hoặc bị biến dạng, hoặc bị mất mát vĩnh viễn.

Công trình Cung thiếu nhi Hà Nội trước và trong quá trình cải tạo  gây nhiều dư luận quan ngại về việc quản lý và bảo tồn di sản đô thị

Công trình Cung thiếu nhi Hà Nội trước và trong quá trình cải tạo
gây nhiều dư luận quan ngại về việc quản lý và bảo tồn di sản đô thị

BẢO TỒN PHÁT TRIỂN DI SẢN ĐÔ THỊ TRONG TIẾN TRÌNH PHÁT TRIỂN
Theo các chuyên gia, khái niệm Di sản đô thị (DSĐT) – “Urban Heritage” lần đầu tiên được đề cập bởi KTS người Ý Gustato Giovannoni (1930s) cho thấy sự chuyển hướng chú ý từ công trình kiến trúc lịch sử có giá trị riêng biệt sang xem xét nó trong mối quan hệ với khung cảnh, các cấu trúc và không gian cấu thành của đô thị. Lý thuyết này đã khiến cho công tác bảo tồn di sản xem xét đến các yếu tố bối cảnh không chỉ bảo tồn công trình mà còn quan tâm đến không gian “sống” của đô thị (Không gian cảnh quan, cấu trúc đô thị, không gian văn hóa – kinh tế – xã hội) nhằm mục đích tránh kết quả bảo tồn trở thành “bảo tàng hóa”. Khái niệm DSĐT trong nhiều trường hợp được thay thế để nói đến di sản kiến trúc đô thị (DSKTĐT). Trong một số trường hợp, DSKTĐT có thể là một khái niệm hẹp hơn và rõ ràng không vượt quá phổ rộng ý nghĩa của DSĐT.

Bên cạnh những đóng góp tích cực, quá trình toàn cầu hóa mạnh mẽ cũng tác động làm mai một tính văn hóa bản sắc đô thị, tạo nên các “Đô thị toàn cầu” giống hệt nhau, mà biểu hiện rõ nét nhất chính là các DSĐT (được xếp hạng và chưa được xếp hạng bị biến dạng hoặc phá bỏ “không thương tiếc để xây dựng các công trình cao ốc mới. Đô thị cần được xem xét và quản lý như một cơ thể sống. Với đô thị, DSĐT là một thành tố rất lớn góp phần tạo nên sự kế thừa và phát triển tiếp nối bền vững, cũng như tạo dựng các giá trị bản sắc, tính nhận diện thậm chí là thương hiệu cho một đô thị. Bên cạnh các DSĐT (di sản vật thể – phi vật thể) đã được xếp hạng, rất nhiều các giá trị lịch sử của đô thị dù chưa được xếp hạng nhưng lại là những dấu vết quan trọng đánh dấu tiến trình phát triển của đô thị, không thể bị chối bỏ dẫn đến mai một hay biến dạng. Ngày nay, ngày càng có nhiều những thành phố trên thế giới phát triển hết mình nhưng vẫn luôn đau đáu tìm kiếm, gìn giữ và trân trọng từng hạt ngọc dù nhỏ nhoi về DSĐT. Bên cạnh những khu vực, công trình hiện đại còn có những DSĐT cổ, cũ, có những DSĐT gắn với cuộc sống thường ngày đô thị qua các thời kỳ. Dù có ít giá trị nhưng chính nó làm càng dày hơn, đặc chắc hơn vốn văn hoá, lịch sử – bản sắc đô thị của đô thị đó.

Khái niệm bảo tồn và phát huy các giá trị DSKTĐT thể hiện xu hướng không chỉ quan tâm đến một công trình hay một nhóm công trình riêng lẻ (yếu tố vật thể kiến trúc) mà luôn cố gắng bảo tồn cả yếu tố gắn kết như khung cảnh kiến trúc, môi trường đô thị – yếu tố hỗ trợ, bảo tồn và tôn vinh giá trị toàn vẹn của di sản. Từ đó di sản không chỉ tồn tại mà còn “sống” được trong bối cảnh đô thị hiện đại, góp phần xây dựng một đô thị có bản sắc, giàu văn hoá, hấp dẫn, phát triển.

Theo giáo sư Trần Lâm Biền, sẽ thật sai lầm khi cho rằng xoá bỏ kiến trúc cũ, thay cũ bằng mới, tưởng rằng làm cho di tích khang trang hơn nhưng thực ra là phá hoại. Chỉ riêng việc xây dựng to lớn hơn trên không gian cũ, là đã đoạn tuyệt với quá khứ, quay lưng với văn hoá truyền thống. Nếu muốn, hãy xây một công trình mới, ở vị trí mới.

Bài học kinh nghiệm về bảo tồn DSĐT tại Singapore cho thấy, bảo tồn DSĐT trong quá trình hiện đại hóa và phát triển đô thị sẽ mang lại những lợi ích tích cực cũng như sự phát triển bền vững cho đô thị. Do hạn chế về đất đai xây dựng nên trong các giai đoạn 1980 – 1990, khu phố Tàu Singapore trước đây gồm nhiều khu cổ như Keong Saik đã bị phá để xây trung tâm thương mại và chung cư bình dân. Sau này, chính quyền Singapore đã thừa nhận một sai lầm không cứu vãn nổi. Trong vài năm trở lại đây, Chính phủ Singapore bắt đầu cho bảo tồn rất kỹ các khu phố cổ, tìm cách tôn vinh các công trình kiến trúc xưa. Những ngôi nhà cổ, ngoài giá trị kiến trúc, còn có giá trị tinh thần, lưu giữ những nét văn hóa xưa. Nhà ở đường Keong Saik dù không được xếp hạng nhưng được hướng dẫn bảo tồn và quản lý cải tạo xây dựng theo kiểu nhà – quán, vừa để ở vừa để buôn bán, xây dựng cách đây cả 50 – 70 năm bằng gạch với cửa sổ và cửa ra vào bằng gỗ, phục vụ tốt nhu cầu ở và phát triển kinh doanh thương mại cho người dân, được người dân hưởng ứng nhiệt liệt. Chính phủ cũng thành lập cơ quan quản lý di sản và tái thiết đô thị (URA) và thông qua Quy hoạch chung bảo tồn di sản đô thị lần đầu năm 1987. Bên cạnh các quy định, hướng dẫn việc quản lý công trình và quy chế quản lý về công trình, các nội dung quy định cũng chú trọng đến việc hạn chế chuyển đổi các không gian công cộng, công trình cộng đồng đi kèm để lưu giữ các giá trị kiến trúc cảnh quan di sản như các khu công viên, công trình tôn giáo tín ngưỡng, thúc đẩy quá trình người dân tự bảo tồn các DSĐT chưa được xếp hạng như nhà ở hay công trình tôn giáo, kết hợp với mục đích kinh doanh và du lịch. Đến Singapore ngày nay, dễ dàng bắt gặp những công trình và quần thể các nhóm công trình DSĐT nằm ngay bên cạnh các công trình tòa nhà trọc trời xây mới không chỉ ở riêng khu vực Chinatown mà còn là cả các khu vực Tiểu Ấn – Arab – Malay, tạo nên một đô thị hiện đại nhưng bản sắc, thống nhất về cấu trúc nhưng đa dạng về văn hóa.

Với riêng công tác quản lý, cần tái định vị giá trị di sản trong tiến trình phát triển của đô thị và cuộc sống đương đại trong đó thay đổi các nhận thức để phát huy, để thăng hoa, chí ít là đi vào cuộc sống, đóng góp cho phát triển đô thị với tư cách là một nguồn lực cho sự phát triển, tạo lập sự cân bằng giữa phát triển và bảo tồn, giữa bản sắc và hiện đại – tiện ích. Xây dựng các cơ chế quản lý mềm dẻo đối với di sản đô thị để không chỉ là các công trình khô cứng mà đáp ứng được nhu cầu sử dụng đương đại, mang lại lợi ích trực tiếp cho cộng đồng dân cư đô thị bản địa, hạn chế sự mai một và biến dạng của các DSĐT.

Về công tác quy hoạch, trong giai đoạn chờ soạn thảo quy chế quản lý thì đồ án quy hoạch đô thị có thể là công cụ bảo vệ di sản. Kinh nghiệm từ đô thị Lyon (CH Pháp), việc điều chỉnh quy hoạch đô thị cấp địa phương, nội dung nhà ở cho phép định nghĩa lại khái niệm di sản và đưa vào đồ án quy hoạch. Có 04 định hướng lớn: (i) Đảm bảo chất lượng đô thị vì chất lượng sống của người dân và nhằm tăng sức hấp dẫn của địa bàn, (ii) Tìm ra thế cân bằng giữa bảo tồn các công trình đặc trưng của thành phố và sự phát triển hài hòa, (iiì) Khuyến khích mối liên hệ giữa di sản và sáng tạo kiến trúc, (iv) Nhấn mạnh vào yếu tố chất lượng di sản và cảnh quan của thành phố và khu phố khi lập dự án.
Cách tiếp cận này đòi hỏi phải có một quá trình phân tích đô thị, khu vực công trình xây dựng và cảnh quan của đô thị, đối chiếu về cảnh quan cũng như giá trị di sản. Qua đó di sản và cảnh quan được phân loại theo thứ tự ưu tiên (từ 1 đến 3 sao) và sau cùng, xác định mức độ bảo tồn đối với công trình đó. Kết quả phân tích sẽ được đưa vào đồ án, sau đó đối chiếu với đồ án chuyên ngành để cùng suy nghĩ về dự án tổng thể trên địa bàn.

Ngoài ra, khi soạn thảo quy chế quản lý trong đồ án quy hoạch đô thị địa phương, các công cụ đặc biệt về bảo tồn di sản và cảnh quan đô thị cũng cần được xây dựng. Quy hoạch đô thị địa phương ở Cộng đồng đô thị Lyon có 4 công cụ: Khu vực đánh dấu P: Di sản; Khu PIP – Phạm vi có giá trị di sản, đây là định hướng quy hoạch; Khu vực các dự án có tích hợp mảng di sản; Công trình xây dựng cần bảo vệ: bắt buộc phải có giấy phép nếu muốn tháo dỡ công trình.

Hiện nay tại một số đô thị lớn (như Hà Nội, TPHCM…), quy hoạch khu vực trung tâm cũng đã cơ bản xác định các công trình có giá trị di sản, với phạm vi khu phố cổ, khu phố cũ, các không gian di sản, các công trình điểm nhấn… Đồng thời, bản đồ quy hoạch đô thị cho phép xác định các công trình kiến trúc đang được bảo tồn và đã bị phá huỷ trên địa bàn thành phố: Màu đỏ: công trình thuộc loại phá bỏ, màu kaki: công trình di sản cần được bảo tồn (trường hợp các biệt thự). Để đảm bảo cung cấp cái nhìn toàn diện, bản đồ này phải biểu thị các thông tin sau: (i) Công trình được bảo tồn theo luật Di sản; (ii) Các ngôi biệt thự – nhà cũ , cổ cần kiểm kê và xếp loại trong đó phân biệt các biệt thự được xây dựng trước và sau 1975; (iii) Công trình công cộng, cơ sở sản xuất đề xuất bảo tồn; (iv) Di sản cây xanh. Đối với các công trình DSĐT không thuộc diện bảo tồn theo luật Di sản và theo quy chế quản lý, nhưng có nguy cơ bị tháo dỡ, thì trong quy hoạch, cần quy định chiều cao của công trình xây mới trên khu đất biệt thự bị tháo dỡ bằng với chiều cao của các công trình di sản hiện có. Do đó, cần tích hợp yếu tố di sản vào quy hoạch đô thị.

Về xây dựng quy chế quản lý, điều kiện tiên quyết là cần xác định mục đích mà quy chế hướng đến. Ở giai đoạn này, cần xác định những yếu tố tổng quát về 5 mục tiêu sau: Nhận thức di sản là tài sản chung để chia sẻ và là chứng nhân lịch sử của thành phố; Khẳng định giá trị di sản trong mọi hình thức biểu hiện của nó và ở mọi cấp độ; Bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản; Đảm bảo sự hài hoà giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị; Xây dựng quy chế có sự đồng thuận, dễ hiểu đối với tất cả mọi chủ thể để bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị di sản.

Cần nhận thức rõ rằng mục đích của quy chế không phải là đảm bảo lợi ích kinh tế cho người dân. Quy chế là văn bản mang tính pháp quy. Do đó, cần hướng đến lợi ích chung, chứ không nhằm bảo vệ lợi ích tư. Chủ sở hữu có toàn quyền sử dụng tài sản của mình, nhưng di sản, chính bản thân nó lại mang những giá trị chung của xã hội, và do đó chủ sở hữu phải chấp nhận một số ràng buộc. Chính vì thế, cần phải triển khai nhiều hành động nâng cao trách nhiệm của chủ sở hữu (thông tin, vận động).

Vê cơ chế triển khai thực hiện chính sách về di sản: Tài trợ mạnh mẽ cho hoạt động trùng tu, cải tạo; Hỗ trợ cho hoạt động của tổ chức xã hội dân sự (Ví dụ: Hoạt động tuyên truyền bảo vệ di sản); Chính sách phát triển du lịch gắn với di sản đô thị; Dự án phát triển đô thị.

Cũng cần hiểu rõ rằng, việc trùng tu di sản đòi hỏi phải có đầu tư tài chính, nhưng không nhất thiết thu hồi đủ vốn đầu tư. Việc trùng tu di sản sẽ mang lại lợi ích lớn về văn hoá và thông qua hoạt động du lịch, do đó, di sản sẽ mang lại lợi ích kinh tế. Trong bối cảnh đầu cơ mạnh mẽ về đất đai ở các đô thị, nên có một dự án toàn diện giải quyết các vấn đề kỹ thuật và văn hoá trong quản lý và bảo tồn, trùng tu, phát huy giá trị di sản đô thị.

KẾT LUẬN
Vẫn biết nhu cầu phát triển đô thị là tất yếu, đặc biệt với các đô thị mới trong quá trình phát triển. Một đô thị có được coi là phát triển được không, nếu đô thị ấy không giữ được những kết cấu văn hóa – lịch sử và bản sắc riêng? Câu trả lời luôn chắc chắn là không. Phát triển bền vững không chỉ là những công trình mang tính thương mại hay tiện nghi, mà phải là sự phát triển đồng bộ, tích hợp nhiều lĩnh vực cùng tạo nên các vùng đô thị đó. Khi di sản đô thị bị đứt đoạn thì sẽ là lúc đô thị bị mất tính bền vững. Việc nhận thức về bảo tồn di sản văn hóa rất quan trọng, bởi chỉ qua con đường đó, di sản mới được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác./.

THS.KTS ĐỖ HÀ THANH   | PHÓ GIÁM ĐỐC BAN QUẢN LÝ DỰ ÁN QUẬN BA ĐÌNH – HÀ NỘI