08/06/2016

Đến năm 2025, các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa

Sau gần 7 năm thực hiện Định hướng Thoát nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2009, hệ thống thoát nước tại các đô thị đã đạt được những hiệu quả nhất định. Tại các đô thị, hệ thống cấp thoát nước được chuyển dần đầu tư mới, các hệ thống cũ thì cải tạo, hoàn thiện để nâng cao năng lực và hiệu quả thoát nước, thu gom và xử lý nước thải cho các đô thị.


Trận mưa lớn gây ngập lụt nghiêm trọng tại Hà Nội ngày 25/5 vưa qua. Ảnh internet

Trước sự phát triển nhanh của các đô thị, nhiều mục tiêu cơ bản của Định hướng không còn phù hợp. Nhất là trong điều kiện hiện nay có nhiều thay đổi, diễn biến bất thường của thời tiết về BĐKH. Tình trạng ngập úng đô thị, ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm môi trường diễn ra ngày càng gia tăng.

PGS.TS. Nguyễn Hồng Tiến, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, Bộ Xây dựng cho biết: Định hướng năm 2009 chưa thực sự tính hết những vấn đề về biến đổi khí hậu với tốc độ đô thị hóa nhanh như trong thời gian qua. Việc điều chỉnh lại một số chỉ tiêu nêu trong Định hướng năm 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế theo các giai đoạn phát triển kinh tế – xã hội, có tính đến việc ứng phó với BĐKH theo các kịch bản cập nhật đã được phê duyệt và các giải pháp chính để thực hiện các đề xuất điều chỉnh đó. Hy vọng cùng với các văn bản quy phạm đã được ban hành, điều chỉnh Định hướng thoát nước đô thị và khu công nghiệp sẽ đi vào cuộc sống, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống thoát nước, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.

Mục tiêu tổng quát điều chỉnh định hướng là nhằm từng bước hoàn thiện cơ chế chính sách, phát triển hệ thống thoát nước ổn định và đồng bộ, tăng tỉ lệ đấu nối nước thải từ hộ gia đình và hệ thống thoát nước được vận hành, duy tu bảo dưỡng thường xuyên và theo định kỳ. Điều chỉnh định hướng đưa ra mục tiêu đến năm 2020 mở rộng phạm vi phục vụ của hệ thống thoát nước đô thị đạt trung bình trên 70% diện tích bao phủ dịch vụ và 80% vào năm 2025. Trong đó 100% nước thải bệnh viện và nước thải các khu công nghiệp được xử lý đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả vào hệ thống thoát nước đô thị hoặc xả ra môi trường.

Đối với thoát nước mưa và chống ngập úng đô thị, đạt trung bình trên 70% phù hợp với cao độ nền và thoát nước mặt. Các tuyến đường chính trong đô thị, các tuyến đường nằm trong các khu đô thị, khu dân cư đều có hệ thống thoát nước mưa

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải ban hành và tổ chức thực hiện Quy định quản lý thoát nước địa phương và giá dịch vụ thoát nước. Đối với các đô thị loại II trở lên, giảm 50% tình trạng ngập úng trong mùa mưa.


TP HCM đã phê duyệt dự án 10.000 tỷ xây cống ngăn triều chống ngập. Ảnh internet

Đến năm 2025 thì 100% các đô thị không còn tình trạng ngập úng thường xuyên trong mùa mưa. Tầm nhìn đến 2050, hệ thống thoát nước của các đô thị được xây dựng đồng bộ và hoàn thiện. Xóa bỏ tình trạng ngập úng tại các đô thị và toàn bộ nước thải được xử lý phải bảo đảm quy chuẩn kỹ thuật trước khi xả ra nguồn tiếp nhận.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến chia sẻ thêm: Điều chỉnh Định hướng có nhiều điểm mới quan trọng, như phát triển thoát nước bền vững theo lưu vực sông và liên kết vùng, kết hợp giữa giải pháp xử lý nước thải tập trung và phi tập trung, khuyến khích tái sử dụng nước mưa phục vụ các mục đích khác nhau, sử dụng hiệu quả các ao, hồ điều hòa nước mưa góp phần giảm ngập úng, thích ứng với biến đổi khí hậu và phục vụ các hoạt động của đô thị, áp dụng công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường và trách nhiệm trả tiền dịch vụ thoát nước theo quy định của địa phương.

Để đạt được mục tiêu định hướng mới, Bộ Xây dựng đã có những hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm từ các nước phát triển. Gần đây nhất là Chương trình hợp tác Quản lý nước thải giữa Chính phủ CHLB Đức và Chính phủ Việt Nam. Chương trình này nhằm tăng cường năng lực cho các cấp từ Trung ương đến các địa phương của Việt Nam trong lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải. Tổ chức GIZ- CHLB Đức là đơn vị trực tiếp tham gia hỗ trợ trong việc cải thiện khung pháp lý, tăng cường năng lực và quản lý tri thức để phát triển bền vững lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải của Việt Nam.

TS. Tim MC Grath, Trưởng nhóm Cố vấn chính sách Chương trình quản lý nước thải GIZ chia sẻ: Chúng tôi rất vui mừng tiếp tục hợp tác và hỗ trợ Bộ Xây dựng cùng các tỉnh, địa phương thực hiện điều chỉnh Định hướng này. Không chỉ từ những bài học kinh nghiệm của GIZ và 13 tỉnh tham gia chương trình của GIZ mà chúng tôi còn đưa ra một quy trình thực tế đế xây dựng khung pháp lý địa phương, đồng thời có những khuyến nghị rõ ràng đối với Bộ Xây dựng.

Một trong số những hoạt động hỗ trợ trong năm nay là chúng tôi hỗ trợ Cục Hạ tầng Kỹ thuật xây dựng Chương trình Đầu tư cho lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải và chuẩn bị danh mục các dự án ưu tiên.

Hiện nay Chương trình đang được thực hiện ở giai đoạn 4 và hợp tác chặt chẽ với các đối tác, hỗ trợ sự phát triển bền vững của lĩnh vực thoát nước và xử lý nước thải, mang lại lợi ích cho người dân.

Tính đến tháng 1/2016, cả nước có 787 đô thị. Trong đô thị từ loại 1 đến loại 4 có 159/787 đô thị, chiếm 20,2%. Tỷ lệ đô thị hóa đạt 35,7%.

Hiện nay cả nước có trên 35 nhà máy xử lý nước tập trung đang hoạt động, tổng công suất gần 900.000m3/ngđ).

Các KCN cũng đã được đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải riêng biệt, từng bước hoàn thiện nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Theo số liệu báo cáo trong số 214 KCN đang hoạt động, có 166 KCN đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, chiếm 78% và 24 KCN đang xây dựng, chiếm 12%.

Nguyễn Nam/Báo Xây dựng