25/04/2016

Đến năm 2020: 80% số xã của Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới

Sáng 21/4, dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Ban Chấp hành Đảng bộ Thành phố khóa XVI đã nghe, cho ý kiến vào dự thảo Chương trình 02 về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 – 2020”.

 Báo cáo về dự thảo Chương trình, đồng chí Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cho biết, Thành phố hiện còn 17 huyện, 1 thị xã và 6 quận còn sản xuất nông nghiệp, với 386 xã. Tổng diện tích đất sản xuất nông, lâm nghiệp trên 188 nghìn ha, dân số khu vực nông thôn trên 3,7 triệu người, chiếm trên 50% dân số Thành phố. Trong giai đoạn 2011 – 2015, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp đạt bình quân 2,4%/năm, tăng 0,65% so với mục tiêu Chương trình đề ra (1,75%); giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế năm 2015 đạt 223 triệu đồng/ha, tăng 44,6 triệu đồng/ha so với năm 2011 và tăng 2 triệu đồng/ha so với mục tiêu Chương trình đề ra.

Đến hết năm 2015 đã hoàn thành công tác dồn diền đổi thửa trên địa bàn Thành phố với tổng diện tích là 76.891 ha. Sau hình thành dồn điền đổi thửa đã hình thành nhiều vùng sản xuất rau an toàn, hoa, cây ăn quả, lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi gia cầm, thịt bò, bò sữa, thủy hải sản tập trung quy mô lớn; đã có một số vùng, khu trang trại trồng trọt, chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho năng suất, chất lượng, giá trị thu nhập cao trên 1 ha canh tác.

Về xây dựng nông thôn mới, đến hết năm 2015, toàn Thành phố có 386 xã (do 15 xã của huyện Từ Liêm đã chuyển thành phường năm 2014), trong đó, có 201/386 xã (chiếm 52,07%) đạt chuẩn nông thôn mới, vượt 12,07% so với kế hoạch đề ra. 185 xã còn lại, có 102 xã đạt từ 15 – 18 tiêu chí, 83 xã đạt từ 10 – 14 tiêu chí. Huyện Đan Phượng đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới năm 2015; đến nay, 3 huyện: Thanh Trì, Đông Anh, Hoài Đức đang trình Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.

Tổng nguồn vốn đã huy động đầu tư cho khu vực nông thôn giai đoạn 2011 – 2015 là 63.553 tỷ đồng, trong đó, nguồn ngân sách nhà nước đầu tư là 52.661 tỷ đồng, nguồn vốn huy động ngoài ngân sách nhà nước là gần 11.000 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 14 triệu đồng/người/năm (năm 2011) lên 33 triệu đồng/người/năm (năm 2015), vượt 8 triệu đồng so với mục tiêu. Tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn giảm từ 11,25% (năm 2011) xuống còn dưới 1,5% (năm 2015); tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 55%.

Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp Hà Nội chủ yếu vẫn là quy mô nhỏ, phạm vi hộ gia đình. Mức độ ứng dụng công nghệ cao còn thấp nên năng suất, chất lượng sản phẩm còn hạn chế; việc hợp tác liên kết trong sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm còn yếu; lực lượng lao động nông nghiệp trình độ còn thấp và ngày càng bị già hóa. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo ở một số huyện chưa quyết liệt, thiếu sáng tạo và thiếu nguồn lực đầu tư nên kết quả chưa cao, chưa đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Việc thu hút nguồn lực xã hội cho quá trình xây dựng nông thôn mới chưa được nhiều… Bên cạnh đó, đời sống nhân dân ở một số vùng thuần nông, xa trung tâm, nhất là các xã vùng dân tộc miền núi còn khó khăn. Môi trường các làng nghề bị ô nhiễm nặng chưa được khắc phục…

Kế thừa những kết quả của giai đoạn 2011-2015, dự thảo Chương trình số 02 của Thành ủy khóa XVI đề ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm, phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân 3,5 – 4%/năm trở lên; giá trị sản xuất nông nghiệp thực tế đạt 250 triệu đồng/ha trở lên, chú trọng phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao; phấn đấu đưa tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25 lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp Thành phố.

Phấn đấu đến năm 2020, Thành phố có 80% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 15 huyện, thị xã trở lên đạt nông thôn mới. Thu nhập của nông dân khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1,5%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70 – 75%, phấn đấu tỷ lệ lao động có việc làm sau học nghề đạt từ 80% trở lên; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 85% trở lên.

Để đạt được các mục tiêu, yêu cầu nói trên, dự thảo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, trong đó, về phát triển nông nghiệp tập trung theo hướng phát triển hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Phấn đấu đến năm 2020 có 112 vùng sản xuất trồng trọt chuyên canh lúa chất lượng cao, rau an toàn, hoa, cây cảnh, cây ăn quả đặc sản, tập trung với tổng diện tích 41.000 ha; mở rộng và nâng cao năng suất, số lượng đàn gia súc gia cầm chăn nuôi ở 76 xã chăn nuôi lợn, bò sữa, bò thịt, gia cầm trọng điểm; 3.360 trại chăn nuôi hộ gia đình quy mô lớn xa khu dân cư…

Về xây dựng nông thôn mới, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng nông thôn mới; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở trong sạch, vững mạnh; rà soát, bổ sung quy hoạch, đề án xây dựng xã nông thôn mới; tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới; tập trung huy động các nguồn lực của Nhà nước và xã hội đầu tư thực hiện chương trình giai đoạn 2016 – 2020.

Về nguồn lực, tổng nguồn vốn dự kiến cho khu vực nông thôn giai đoạn 2016-2020 là 72.092 tỷ đồng, trong đó, có 31.680 tỷ đồng (vốn ngân sách 19.008 tỷ đồng, vốn ngoài ngân sách là 12.672 tỷ đồng) đầu tư cho Chương trình phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân. Dư nợ tín dụng đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn bình quân hàng năm từ 75.000 – 80.000 tỷ đồng.

Để tập trung nâng cao đời sống nông dân thì tập trung hỗ trợ, hướng dẫn nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới, liên kết đầu tư, mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập; mở rộng sản xuất các khu, cụm, điểm công nghiệp, làng nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển hệ thống dịch vụ nông thôn; thực hiện đầy đủ các chính sách về an sinh xã hội đối với các gia đình chính sách, các hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn; nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân…

Góp ý cho dự thảo Chương trình 02, các đại biểu cho rằng phần đánh giá kết quả trong giai đoạn 2011-2015 cần khái quát hơn; chỉ rõ hơn cơ chế khuyến khích nông dân đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cũng như liên kết với các doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất, sức cạnh tranh của sản phẩm cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; tiếp tục quy hoạch xây dựng các khu sơ chế, chế xuất sản phẩm nông nghiệp, đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn… Về nguồn lực đầu tư, theo Bí thư Huyện ủy Ba Vì Hà Xuân Hưng, đối với các huyện, việc cân đối ngân sách rất khó khăn, nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chủ yếu từ đấu giá đất, song hiện nay quy trình đấu giá mất rất nhiều thời gian, chính vì thế, Thành phố cần nghiên cứu tăng cường phân cấp cho huyện trong công tác xác định địa điểm quy hoạch, chỉ giới đường đỏ, xác định giá khởi điểm, tăng diện tích huyện được tổ chức đấu giá (trên 5 nghìn m2) để tạo chủ động cho cơ sở. Cùng với đó là tăng tỷ lệ điều tiết cho các huyện khó khăn về thu ngân sách. Bí thư Huyện ủy Ba Vì cho biết, giai đoạn 2011-2015, huyện nhận được hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ từ 10 quận nội thành để xây dựng 41 nhà văn hóa, đây thực sự là nguồn lực cần thiết và được nhân dân đón nhận, đánh giá cao. Chính vì thế, trong giai đoạn tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc các quận nội thành hỗ trợ huyện ngoại thành trong đầu tư xây dựng hạ tầng.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, tiếp nối những kết quả trong thực hiện Chương trình 02 của Thành ủy khóa XV, trong giai đoạn này, Thành ủy đặt ra yêu cầu, chỉ tiêu cao hơn so với tiêu chuẩn của Trung ương, như: 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 49 triệu đồng… Càng những xã về sau việc thực hiện xây dựng nông thôn mới lại khó khăn hơn, đòi hỏi nguồn lực nhiều hơn nên yêu cầu phải có sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Đặc biệt, trong Chương trình lần này, Thành ủy yêu cầu các Quận ủy có trách nhiệm hỗ trợ kinh phí cho các huyện thực hiện xây dựng nông thôn mới.
Theo hanoi.gov.vn