13/07/2017

Đề cao khả năng xử lý thực tiễn trong ngành Xây dựng

 Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề cao và khuyến khích cán bộ chủ động báo cáo và đề xuất phương án xử lý thực tiễn phát sinh nhằm thực hiện đúng mục tiêu phát triển đề ra trong năm 2017.

Chiều 12/7, Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Xây dựng. Tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đề cao và khuyến khích cán bộ chủ động báo cáo và đề xuất phương án xử lý thực tiễn phát sinh.


Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Xây dựng được tổ chức chiều 12/7.

Tạo sự chuyển biến tích cực hơn

6 tháng đầu năm 2017, ngành Xây dựng đã đảm bảo được hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cơ bản đáp ứng được yêu cầu phát sinh từ thực tiễn mà công tác quản lý nhà nước phải tháo gỡ, cơ bản hoàn thành các nhiệm vụ mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là kết quả nỗ lực của toàn thể cán bộ công chức, các đơn vị trong ngành Xây dựng dưới sự chỉ đạo sát sao cũng như phối hợp hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng các Bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị Trung ương và địa phương.

Về một số hạn chế, yếu kém được chỉ ra tại Hội nghị, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, xuất phát chủ yếu từ các nguyên nhân chủ quan, thuộc về tinh thần trách nhiệm, nỗ lực của mỗi cán bộ công chức cũng như sự chỉ đạo, điều hành cụ thể của từng lãnh đạo ngành Xây dựng và quá trình thực hiện của mỗi đơn vị. Trong đó, một nguyên nhân quan trọng là do cán bộ chưa kịp thời bám sát thực tiễn và đề xuất giải quyết các vấn đề bất cập từ thực tiễn. Chưa có nhiều cán bộ trong ngành chủ động báo cáo tình hình thực tiễn và đề xuất giải pháp xử lý vướng mắc để Bộ trưởng hay Thủ tướng Chính phủ giải quyết.

Qua đó, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao khả năng xử lý thực tiễn của cán bộ công chức và yêu cầu cán bộ công chức phải bám sát thực tiễn, nắm được thực tiễn để đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý các vướng mắc trong thực tiễn phát sinh. Thực hiện tốt được vấn đề này sẽ tạo được sự chuyển biến tích cực hơn trong 6 tháng cuối năm.


Bộ trưởng Phạm Hồng Hà đánh giá cao khả năng xử lý thực tiễn và yêu cầu cán bộ công chức phải bám sát thực tiễn để đề xuất kịp thời các giải pháp xử lý các vướng mắc phát sinh.

Đảm bảo yêu cầu tăng trưởng

Nhằm đảm bảo việc thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp bảo đảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế năm 2017 là 6,7%, của ngành Xây dựng là 10,8%, ngành Xây dựng cần tập trung toàn lực cho việc thực hiện kế hoạch của Bộ Xây dựng trong đó thực hiện: Tháo gỡ khó khăn trong thực hiện thủ tục hành chính, trong đầu tư xây dựng; Thúc đẩy thu hút nguồn vốn đầu tư đưa vào thực hiện để tạo công ăn việc làm, tạo ra giá trị gia tăng mới…

Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, toàn bộ các dự án bất động sản (BĐS) đã lập có tổng mức đầu tư khoảng 3 triệu tỷ đồng nếu được rà soát, phân loại để tháo gỡ khó khăn kịp thời, đưa các dự án vào thực hiện, sẽ góp phần rất lớn vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Các cơ quan trực thuộc Bộ Xây dựng, đặc biệt là Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS phải phối hợp với các địa phương rà soát, xử lý vấn đề này.

Việc bình ổn giá các loại VLXD chủ yếu như xi măng, cát… cũng góp phần thúc đẩy và đảm bảo yêu cầu tăng trưởng của ngành Xây dựng. Cát xây dựng đang trở thành vấn đề nóng đến mức một số tỉnh đề nghị Bộ Xây dựng báo cáo với Thủ tướng Chính phủ cho phép tính toán lại các dự toán đã duyệt do giá cát tăng.

Thể hiện trách nhiệm cao nhất

Trong năm 2017, Bộ Xây dựng sẽ phải cơ bản hoàn thành xong các nội dung của 02 dự án Luật Quản lý phát triển đô thị và Luật Kiến trúc đã được Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2018.


Toàn cảnh Hội nghị đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ kế hoạch 6 tháng cuối năm 2017 của ngành Xây dựng.

Trong tháng 7/2017, Vụ Pháp chế phải báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng về toàn bộ những nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung các Luật, Nghị định, Thông tư mà Bộ Xây dựng được Chính phủ giao nhiệm vụ tham mưu hay ban hành, mang tính cầu thị, thể hiện trách nhiệm cao nhất của ngành Xây dựng đối với sự phát triển chung của xã hội.

Hai đề án về quy chuẩn, tiêu chuẩn và định mức, đơn giá xây dựng là những đề án rất quan trọng, được đưa vào Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII, tiến độ vẫn chưa đảm bảo, cần phải hoàn thiện sớm để đáp ứng yêu cầu hoàn thiện cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, sự phát triển rất mạnh và nhanh của các cuộc cách mạng về khoa học kỹ thuật công nghệ, yêu cầu hội nhập quốc tế và thực tiễn đa dạng hóa nguồn vốn trong đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, ngành Xây dựng cũng cần phải giải quyết những vấn đề liên quan đến lý luận và thực tiễn phát triển đô thị, tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch và phát triển đô thị, triển khai hướng dẫn Nghị định 42/2017/NĐ-CP ban hành ngày 5/4/2017 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2015/NĐ-CP ban hành ngày 18/6/2015 về quản lý dự án đầu tư xây dựng, với những điểm đổi mới, đột phá theo hướng phân cấp, phân công, ủy quyền cho địa phương và các Bộ, ngành rất lớn trong quản lý, đầu tư, nhưng cũng đặt ra vấn đề tăng cường công tác quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng.

Nằm trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, minh bạch thông tin, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Xây dựng thực hiện xây dựng Đề án hình thành Cổng thông tin quốc gia về quy hoạch đô thị, được kỳ vọng là bước đột phá lớn trong minh bạch thông tin quy hoạch đô thị, là một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu hình thức đầu cơ về đất đai tại các địa phương. Đề án được giao cho Trung tâm Thông tin Bộ Xây dựng thực hiện, báo cáo Bộ trưởng Bộ Xây dựng trong tháng 8/2017.

Với những đánh giá và chỉ đạo sát sao của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà và lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Xây dựng, kỳ vọng trong 6 tháng cuối năm 2017, toàn ngành Xây dựng quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra, góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của cả nước cũng như các mục tiêu phát triển bền vững trong dài hạn của ngành Xây dựng.

Thanh Nga/BXD