Đau đầu dự án bất động - Tạp chí Kiến trúc Việt Nam
09/01/2015

Đau đầu dự án bất động

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Xây dựng, hiện cả nước có 4.015 dự án phát triển đô thị, nhà ở đã được quy hoạch và cấp phép đầu tư với tổng mức đầu tư ước tính 4.486.674 tỷ đồng và tổng diện tích đất theo quy hoạch 102.228ha. Nhưng kết quả rà soát cho thấy có 81% (3.258 dự án) đang tiếp tục triển khai với tổng diện tích đất khoảng 81.565ha và tổng diện tích đất xây dựng nhà ở khoảng 29.545 ha. Như vậy có khoảng 1.000 dự án đang “bất động”.

 

Sống dở, chết dở

Cuối tháng 1-2010 Công ty TNHH Tài Nguyên đưa 100 căn hộ đầu tiên thuộc dự án Kenton Residences (đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) ra thị trường với giá bán lên đến hơn 40 triệu đồng/m2. Sau sự kiện mở bán chủ đầu tư cho biết đã có 64 khách hàng giao dịch thành công.

Tuy nhiên, sau đó giá BĐS liên tục rớt, chủ đầu tư đưa ra nhiều chính sách bán hàng nhưng vẫn không thể cứu vãn. Dự án được xây dựng trên khuôn viên 9,1ha, gồm 1.640 căn hộ, sau nhiều năm ngừng thi công nay là những khối bê tông xám xịt. Khu nhà mẫu, hồ nước, công viên được đầu tư hàng chục tỷ đồng đón khách rơi vào cảnh hoang tàn đổ nát. Công trình chỉ có một vài bảo vệ thuê trông coi.

Ông Vũ Anh Tâm, Tổng giám đốc Công ty TNHH Tài Nguyên, cho biết dự án vẫn bế tắc đầu ra, muốn xây tiếp không có tiền, bán không ai mua, hàng ngàn tỷ đồng vẫn ngày đêm dãi nắng dầm mưa.

batdong

Gần 1.000 căn hộ dự án Kenton đang “án binh bất động” từ nhiều năm nay.

Hàng loạt siêu dự án BĐS được đầu tư hàng trăm triệu USD đang trở thành những dự án bất động, khối tài sản khổng lồ đang bị lãng phí, chủ đầu tư phải trả lãi hàng ngày. Cao ốc Saigon One Tower tại góc đường Hàm Nghi-Tôn Đức Thắng đang trong giai đoạn hoàn thiện nhưng “nằm yên” từ nhiều năm nay. Saigon One Tower được xây dựng trên diện tích 6.672m2, tổng vốn đầu tư 256 triệu USD, khởi công từ năm 2009 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên, đến thời điểm này, sau 5 năm, tòa nhà hiện đang bất động.

Richland Emerald Tower được xây dựng tại số 116-117-118 Bãi Sậy (quận 6). Trên diện tích hơn 3.000m2, gồm một tòa nhà cao 28 tầng với 2 tầng hầm và 1 tầng kỹ thuật. Khởi công từ tháng 3-2008, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010, đến nay dự án chỉ hoàn thiện phần thô đến tầng 28. Ngoài ra hàng loạt dự án cao ốc đang trong giai đoạn hoàn thiện hoặc xây dựng dở dang rồi bất động chưa biết khi nào hoàn thiện.

Có thể kể đến Petrolandmark (quận 2) đã hoàn thành hơn 80% khối lượng công việc nhưng không triển khai gì thêm hơn 2 năm qua, trong khi phần lớn khách hàng đã đóng 90% giá trị căn hộ. Dự án Thảo Loan Plaza (Bình Chánh) sau khi xây dựng phần thô cũng án binh từ nhiều năm nay mặc dù có vị trí khá đẹp, hạ tầng kết nối tốt…

Lối ra nào?

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, cho biết không ít dự án “chết” muốn “chôn” cũng không xong. Bởi có những dự án triển khai trong lúc lãi suất vay lên đến hơn 20%/năm, 4 năm qua không bán được coi như mất trắng. Việc cầu cứu cư dân đóng thêm tiền đẩy nhanh tiến độ dự án là giải pháp duy nhất để cứu dự án nhưng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Đoàn Chí Thanh, Tổng giám đốc Công ty Địa ốc Hoàng Anh Sài Gòn, cho rằng không phải dự án nào cũng “cứu” được bằng cách này. Dự án muốn “cứu được” phải bán trên 70% tổng số căn hộ, còn nếu chỉ bán được 40-50% người dân có đổ tiền vào cũng không ăn thua. Tiếp đến phải nắm được toàn cảnh tài chính của chủ dự án đó: còn bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, xây xong đến đâu, phần việc còn lại… để xem khi người mua đóng thêm tiền có khả thi hay không. Khi thấy khả thi rồi thì phải thành lập một ban quản lý mới (đại diện chủ đầu tư, khách hàng, chuyên gia tư vấn về pháp lý và xây dựng) nhằm giảm bớt quyền của chủ đầu tư…

Thời gian qua khi dự án rơi vào bế tắc, chủ đầu tư-khách hàng lập một tài khoản chung với sự giám sát của bên thứ ba để dòng tiền của khách hàng sử dụng đúng mục đích sẽ giải ngân cho dự án. Tuy nhiên khi đã mất niềm tin giải pháp này cũng không mấy khả quan, như dự án chung cư Đại Thành (Tân Phú) số khách hàng đóng tiền thực tế so với đồng ý chiếm tỷ lệ quá ít.

Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS gắn với thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đã phát huy hiệu quả tích cực. Đặc biệt, gói hỗ trợ tín dụng 30.000 tỷ đồng đã được xã hội và đông đảo người dân đánh giá cao.

Nhờ đó, sau một thời gian đóng băng, thị trường đã bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc từ nửa cuối năm 2013 và 8 tháng năm 2014 tiếp tục đà phục hồi tích cực. Nhiều dự án giai đoạn 2011-2013 giá đã giảm sâu (trên 30%) trong 9 tháng qua giá đã ổn định và không giảm tiếp.

 

Theo Sài Gòn ĐTTC