13/04/2018

Đất nền tỉnh lẻ: Cảnh báo tình trạng sốt ảo

Đất nền tỉnh lẻ: Cảnh báo tình trạng sốt ảo

Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2018, thị trường bất động sản ghi nhận sự tăng giá chóng mặt của phân khúc đất nền các huyện, tỉnh ven Hà Nội như Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, Hải Dương, Hải Phòng… Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rất có thể đây là hiện tượng sốt ảo nhà đầu tư cần hết sức thận trọng.

Đất nền các tỉnh phía Bắc bắt đầu được quan tâm từ cuối năm 2016, tuy nhiên phải đến những tháng đầu năm 2018 thị trường mới thực sự phát triển mạnh mẽ. Trao đổi với chúng tôi, nhân viên một sàn giao dịch BĐS cho hay, nhiều tỉnh phía Bắc như Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Phòng, Bắc Ninh, Hải Dương, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc… giá đã có sự điều chỉnh mạnh so với các năm trước đây.

Theo khảo sát, giá đất tại một số tỉnh thành còn khá rẻ. Đất nền Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) rơi vào khoảng 10-15 triệu đồng/m2, đất nền gần khu vực Phố Nối (Hưng Yên) đang nằm khoảng 13-16 triệu đồng/m2. Tại Hải Dương nhiều nền đất cũng chỉ ở mức trên 10 triệu đồng/m2. Đi xa hơn một chút về phía Quảng Ninh do có tiềm năng du lịch đất nền tại Hạ Long đã tăng cao lên 20-30 triệu đồng/m2 khu vùng ven trung tâm.

Mặc dù là những thị trường mới và giá còn còn ở mức thấp, tuy nhiên thông tin đất nền tỉnh lẻ nóng sốt, cháy hàng liên tục xuất hiện thời gian gần đây. Cụ thể, tại dự án TMS Phúc Yên (Vĩnh Phúc) được chủ đầu tư Tập đoàn TMS và sàn môi giới cho biết là đang làm “dậy sóng” thị trường đất nền khi chỉ sau 3 giờ giới thiệu, đã có tới hàng trăm khách hàng đặt chỗ thành công.

Hay ngay tại TMS Grand City Phúc Yên là Khu đô thị Nam Đầm Vạc, nằm trong du lịch và vui chơi giải trí Đầm Vạc do Công ty cổ phần Xây dựng và Phát triển hạ tầng Tây Hồ làm chủ đầu tư. Dự án này một thời cũng được quảng cáo rầm rộ, nóng nhất Vĩnh Yên, nhưng hiện đang trong bất động.

Hay tại Thanh Hóa thị trường cũng đang được đánh lên với hàng loạt thông tin khan hiếm đất nền. Tại các thị trường Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên cũng vốn là những thị trường chưa phát triển cũng liên tục xuất hiện những điểm nóng sốt cục bộ khiến nhiều nhà đầu tư đổ dồn về mua.

Giải thích nguyên nhân đất nền các tỉnh lẻ lại trở thành điểm nóng đầu năm 2018, bà Nguyễn Hoài An – Giám đốc nghiên cứu CBRE Việt Nam cho biết khi giá đất ở Hà Nội bị đẩy lên mức khá cao, tạo ra xu hướng dịch chuyển sang các tỉnh thành lân cận của các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Tại đây, doanh nghiệp sẽ dễ phát triển dự án hơn vì nguồn vốn đầu tư không quá lớn, khách hàng và các nhà đầu tư cũng dễ tiếp cận sản phẩm hơn vì giá bán chưa quá cao. Do đó, Bà An đánh giá năm 2018 có thể các thị trường đất nền tỉnh lẻ sẽ sôi động hơn.

Tuy nhiên, theo bà An không phải thị trường nào cũng “nóng” mà sẽ có sự chọn lọc. Những địa phương nào có công nghiệp phát triển mạnh và hạ tầng xã hội tốt thì đất nền càng có thanh khoản tốt.Bởi nhu cầu nhà ở cho các chuyên gia nước ngoài và hàng chục nghìn công nhân tại cao khu công nghiệp tăng cao sẽ là lực đẩy tăng giá cho bất động sản.

Trả lơi việc có tình trạng một số dự án được cho là sốt nóng ông Nguyễn Văn Đính – Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cho biết hiện nay chưa có tình trạng sốt nóng tại các dự án đất nền tỉnh lẻ bởi thị trường không có sự khan hiếm quỹ đất còn nhiều. “Cho nên tôi khẳng định, tình trạng sốt đất chỉ diễn ra cục bộ ở nơi đâu đó, do một số nhóm đầu cư nào đó tạo ra. Và những cái này cần có sự phát hiện của những người tham gia thị trường và có sự cảnh báo”, ông Đính nhấn mạnh.

Cùng quan điểm với ông Đính, các chuyên gia cũng cho rằng nói thị trường đất nền thời gian qua phát triển khá soi động là đúng, nhưng chưa xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hoặc sốt nóng. Sở dĩ vậy bởi địa bàn trong tỉnh sẽ là một thị trường nhỏ, tỷ lệ di dân cơ học của tỉnh chưa thể so sánh với Hà Nội hoặc các thành phố lớn khác. Minh chứng rõ ràng nhất, đó là nhiều khu đô thị được hình thành từ những giai đoạn đầu, tại các vị trí đắc địa của thành phố đến nay (sau 4 – 5 năm) lượng nhà bỏ trống vẫn khá cao.

Vì vậy các chuyên gia cũng đưa ra lời khuyên, khi tham gia mua một sản phẩm nào đó, nhà đầu tư cần phải quan sát tiếp để xem chủ đầu tư có làm đúng như những gì họ cam kết hay không. Chú ý tính pháp lý của dự án, xem dự án đã được phê duyệt 1/500 và chủ dự án đã có sổ, đã đóng tiền sử dụng đất chưa. Thứ hai là cam kết của chủ đầu tư về hạ tầng. Thứ ba, kiểm tra chủ đầu tư có là nhà đầu tư uy tín trên thị trường không, và quan trọng nhất người mua cần phải tự mình kiểm chứng thông tin, không quá tin lời “cò” để tránh rủi ro.

 

Nam Anh/Infonet