18/09/2019

Đánh giá kỹ thực trạng những công trình không phép, sai phép tồn tại kéo dài

Ngày 18-9, tiếp tục chương trình phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Báo cáo trước UBTVQH, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành luật. Theo Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Luật Xây dựng năm 2014 có 186 điều, kết quả triển khai thi hành Luật đã có những đóng góp rất quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của đất nước. Tuy vậy, Luật mới thực hiện được hơn 4 năm nên lần này Chính phủ chỉ trình sửa một số vấn đề về đổi mới, cải thiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật khi một số luật khác liên quan đã và đang được sửa đổi.

Theo đó, thời gian cấp giấy phép xây dựng còn dài; các quy định liên quan đến quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng, đánh giá an toàn công trình,… cũng chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra; còn thiếu một số quy định điều chỉnh đối với dự án đầu tư xây dựng khu đô thị (dự án có những đặc điểm riêng, khác với dự án xây dựng công trình thông thường như: quy mô, diện tích chiếm đất lớn, sử dụng nhiều nguồn vốn khác nhau, thời gian thực hiện dự án thường kéo dài, có nhiều chủ thể tham gia, dự án vừa xây dựng vừa kinh doanh, khai thác…)…

“Lần này sửa để giải quyết bất cập trên và nếu sửa được sẽ tạo chuyển biến rất lớn trong thực tiễn”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: TTXVN

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà báo cáo trước UBTVQH. Ảnh: TTXVN

Đại diện cơ quan thẩm tra dự án luật, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng cơ bản tán thành với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; nhấn mạnh, Luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp, liên quan đến rất nhiều văn bản pháp luật của nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có một số văn bản đang được xây dựng mới và tiếp tục được hoàn thiện. Hơn nữa, Luật Xây dựng có hiệu lực từ đầu năm 2015, một số văn bản hướng dẫn thực hiện Luật mới được ban hành, chưa có nhiều thời gian để đánh giá, tổng kết đầy đủ, toàn diện. Vì vậy, trước mắt chỉ nên sửa đổi, bổ sung những nội dung Luật thực sự cấp bách, cần thiết, đã được tổng kết, đánh giá và có sự đồng thuận cao.

Thảo luận tại phiên họp, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đề nghị sửa đổi toàn diện Luật Xây dựng để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc hiện nay như ý kiến kiến nghị của một số bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Tổng Thư ký Quốc hội bày tỏ băn khoăn, liệu rằng sau khi luật này ban hành có khắc phục được một số tồn tại hiện nay như: Chấm dứt được tình trạng sai phạm trong các công trình xây dựng, tình trạng cơi nới các nhà chung cư, các nhà siêu mỏng xuất hiện ngày càng nhiều…hay không. Đồng thời, liệu Luật sửa đổi lần này có đề cập đến vấn đề nhà thông minh, thành phố thông minh, đô thị thông minh hay không, trong khi xu hướng phát triển ngày nay đang hướng đến những nội dung này.

Toàn cảnh phiên họp chiều 18-9. Ảnh: Quốc hội.

Toàn cảnh phiên họp chiều 18-9. Ảnh: Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy cho rằng, khi đặt ra vấn đề sửa đổi thì phải đặt câu hỏi Luật hiện hành đang vướng về nội dung nào? Trong khi đối với Luật này, chúng ta đang không vướng về vấn đề kỹ thuật mà là vướng về vấn đề thực tiễn thực hiện quản lý xây dựng. Từ việc nhìn nhận đúng vấn đề vướng mắc, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị Cơ quan soạn thảo có thể đưa ra các nội dung sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi khi Luật có hiệu lực.

Việc sửa đổi cần tập trung vào một số điểm then chốt và cần có tổng kết đánh giá nhằm tạo ra những cú hích quan trọng, cần thiết cho trật tự xây dựng, chất lượng xây dựng gắn liền với Luật Kiến trúc; đồng thời có những công trình mang bản sắc Việt Nam, gắn với văn hóa ở từng địa phương, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga thì cho rằng, để xác định được nội dung cần sửa đổi, bổ sung thì quan trọng nhất là Báo cáo tổng kết việc thi hành Luật Xây dựng, từ đó đánh giá đúng thực trạng để sửa Luật. “Tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua ở mức độ như thế nào, công trình xây dựng không phép, sai phép thời gian qua ra sao? Cần đánh giá kỹ thực trạng những công trình không phép, sai phép tồn tại kéo dài, đồng thời đánh giá rõ trách nhiệm chủ thể, trong đó có chính quyền địa phương khi thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga nói.

Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì quan tâm đến chất lượng các công trình. Theo Chủ nhiệm Lê Thị Nga, thực tiễn là, những công trình có đầu tư công, công trình của Nhà nước thì làm rất lâu nhưng xuống cấp thì rất nhanh. “Đề nghị đánh giá xem có lỗi gì ở luật này dẫn đến các công trình xây dựng xuống cấp rất nhanh, nhất là những công trình đầu tư công; quy trình của hoạt động xây dựng như thế nào mà dẫn đến có thực trạng “rút ruột công trình”. Cần làm rõ và đánh giá về toàn bộ quy trình này, để nếu đã sửa thì sửa một lần và phải sửa thật tốt để sau này luật này có thể tồn tại được khoảng 10 năm”, Chủ nhiệm Lê Thị Nga đề xuất.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải nhấn mạnh, cử tri rất kỳ vọng và quan tâm đến dự án Luật này, đặc biệt là vấn đề cấp phép xây dựng và quản lý trật tự xây dựng. “Tất cả các điều khoản trong luật từ quy trình, việc lập, thẩm định, xin giấy phép trong luật này có đảm bảo việc giảm các thủ tục hành chính, ngắn gọn, tiết kiệm, chống lãng phí hay không”, Trưởng ban Dân nguyện băn khoăn.

Dẫn thông tin báo chí nêu “làm doanh nghiệp mới biết thời gian làm thủ tục là vô tận”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho rằng, tất cả chi phí phát sinh do thời gian làm thủ tục đều “đổ” lên người dân. Một doanh nghiệp nói là công trình đầu tư xây dựng nhà 200 tỷ đồng, lãi suất vay 1,5% thì mỗi ngày trung bình phải trả 100 triệu đồng lãi suất ngân hàng. Mỗi ngày chờ đợi thêm để cấp phép thủ tục sẽ gánh thêm giá thành của nhà sau đó bán, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải dẫn chứng; đề nghị ban soạn thảo rà soát kỹ các điều khoản trong dự án Luật này để bảo đảm rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính nhưng vẫn bảo đảm trật tự đô thị và các quy định khác.

Nhắc đến những lo lắng của cử tri về những công trình xây dựng xen kẽ trong khu dân cư, Trưởng Ban Dân nguyện nêu băn khoăn điều này có ảnh hưởng hoặc có nguy cơ tiềm ẩn tới đời sống, sức khỏe của người dân hay không? “Không phải chỉ có những công trình như Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông mà còn nhiều công trình khác (như sang chiết ga hay nhà máy hóa chất, chăn nuôi xả thải…) xen kẽ trong các khu dân cư. Tuy vậy, dự thảo luật chưa có điều gì quy định rõ về vấn đề cấm xây dựng những công trình, dự án sản xuất, kinh doanh mà ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng trong khu dân cư; đề nghị phải có điều khoản cấm đối với những công trình này, thực hiện nghiêm Nghị định 130 của Thủ tướng Chính phủ trong việc di dời các công trình này ra khỏi khu đô thị và khu dân cư.

Kết luận nội dung làm việc, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật, đề nghị Chính phủ cân nhắc và đưa ra quyết định xem sửa đổi bổ sung một số điều hay sửa đổi toàn bộ dự án luật. Đồng thời, Chính phủ cần rà soát lại các nội dung sửa đổi để bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo trong hệ thống pháp luật. Sau phiên họp, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp thu nghiêm túc các ý kiến thảo luận, hoàn chỉnh hồ sơ theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Cơ quan thẩm tra tiến hành thẩm tra chính thức để trình dự án Luật ra Quốc hội cho ý kiến lần đầu vào Kỳ họp thứ 8 tới đây.

Phương Hằng/Quân đội Nhân dân online