26/11/2018

Có nên đầu tư khu nghỉ dưỡng ven Hà Nội?

Dù có tiềm năng lớn, nhưng việc đầu tư các khu nghỉ dưỡng ven Hà Nội hiện vẫn manh mún, chưa có bản sắc, nên chưa có sức hấp dẫn với du khách.

images2261693_06_ltiy

 

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, với thời gian di chuyển khoảng 90 phút cả đi lẫn về, mỗi năm người dân trung lưu Hà Nội có nhu cầu đi nghỉ cuối tuần khoảng 20 – 30 lần/năm. Chỉ tính riêng việc phục vụ dân số hiện tại của Hà Nội, bất động sản nghỉ dưỡng ven đô đã cần tới 50.000 phòng nghỉ tối thiểu/năm.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra quan điểm, hiện số lượng những khu du lịch nghỉ dưỡng được đầu tư bài bản ở vùng ven Hà Nội và các tỉnh lân cận như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Hoà Bình, Ninh Bình rất khiêm tốn, có thể kể đến một số dự án đã đi vào hoạt động như khu du lịch Flamingo Đại Lải, Melia Ba Vì, Mai Châu Ecolodge, Serena Resort Kim Bôi và Emeralda Ninh Bình…vẫn còn khá ít.

Ông Nguyễn Thành Trung – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Archi phân tích: Với nhóm khách nội thành có khoảng 4,5 triệu người có nhu cầu đi nghỉ dưỡng ven đô, trung bình đi nghỉ dưỡng 5 – 6 lần/năm, vậy thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ngoại ô đã có nguồn khách lên tới 25 – 30 triệu lượt khách/năm.

Trong khi đó, các vùng xung quanh Hà Nội, kể từ Hòa Bình đến Mai Châu, có chưa đầy 1.600 phòng resort, đáp ứng cho mấy chục triệu lượt khách. Điều này khiến hầu hết khách phải đi lại trong ngày. “Với lượng cung này, tôi tin rằng với khả năng xây dựng cực lực thì trong 10 năm tới cũng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu”, ông Trung nhận định.

Ngoài lợi thế về nguồn cung, ông Trung còn chỉ ra ưu thế của bất động sản nghỉ dưỡng ven đô là chi phí thấp. “Đơn cử một resort có 3 phòng ngủ, cộng các chi phí sinh hoạt, nếu chia ra thì chỉ hết 1 triệu đồng/người/ngày. Mức này nhiều người chi trả được. Và nó sẽ tác động ngược lại thị trường theo hướng khiến số đối tượng đi nhiều hơn, số lần đi cũng tăng thêm”, ông Trung dẫn chứng.

Tuy nhiên, điều hạn chế của du lịch nghỉ dưỡng ven đô hiện nay là việc phát triển còn nhỏ lẻ, chưa có bản sắc riêng. Ông Lương Ngọc Khánh – Tổng giám đốc Công ty quản lý khách sạn H&K Hospitality phân tích: “Hiện nay, các bạn đến khách sạn, resort, hầu như giống nhau, không có nét độc đáo, riêng biệt. Nó không có điểm nhấn văn hóa ở đấy. Các khách du lịch thích khám phá văn hóa của địa phương đấy hầu như các khu của mình ko đáp ứng đc nhu cầu đấy”, ông Khánh phân tích”.

Ngoài ra ông Khánh cũng cho rằng, nhu cầu đi du lịch hiện nay vào cuối tuần có thể rất đông, nhưng những ngày thường thì vắng. Công suất sử dụng phòng các khu ngoại ô rất thấp, rất vắng. Dấu hỏi cho nhà đầu tư là làm cách nào để thu hút được khách tới.

Chia sẻ về việc làm thế nào để phát triển du lịch ven đô, ông Amonrn Harnkham – Giám đốc khu vực Trường quản lý khách sạn và du lịch quốc tế Thái Lan lấy dẫn chứng: Tại vùng Chiềng Mai của Thái Lan, các nhà đầu tư phát triển bất động sản du lịch không chỉ giới hạn ở nghỉ dưỡng tại spa, resort mà còn xây dựng các hoạt động kích thích du lịch như xây vườn sinh thái du lịch mạo hiểm, trải nghiệm đi rừng chiêm ngưỡng vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên….

“Chúng tôi đặt rõ mục tiêu là làm gì để sản phẩm du lịch hấp dẫn khách du lịch, từ đó vạch ra các sản phẩm du lịch cụ thể để khách du lịch muốn đến những lần tiếp theo. Chính vì thế mà ở Thái Lan phát triển du lịch theo chủ đề như thể thao, nghỉ dưỡng…dưới sự hướng dẫn của các Bộ để xây dựng chiến lược phát triển du lịch và quảng bá tới các địa phương”, ông Amonrn Harnkham cho biết.

Huy Nam/VnMedia