29/07/2020

Chuyên gia tiết lộ nguyên nhân giá bất động sản leo thang, nhưng không thể tăng mãi được

Thực tế, một bất động sản không thể tăng giá mãi được, mà đến một ngưỡng nào đó sẽ đứng lại khi mức giá tiệm cận với nhu cầu.

Hiện nay nhiều người có tâm lý lo ngại, nếu BĐS cứ đà tăng giá thì chuyện gì sẽ xảy ra. Đến khi nào thì giá BĐS mới dừng lại, không tăng. Chuyện BĐS tăng giá theo giá trị và theo thị trường là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo những người trong cuộc điều khó hiểu là mức giá cứ tăng lên mà không có điểm dừng thì thị trường sẽ như thế nào?.

Thực tế thì, BĐS không thể tăng giá mãi được. Và khi thị trường rơi vào trạng thái trầm lắng thì càng thấy rõ câu chuyện này. Ở tất cả các phân khúc khi mức giá đã đạt đến ngưỡng nào đó mà thị trường chấp nhận thì việc tiếp tục tăng giá là rất khó.

Ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng, việc tăng giá BĐS theo thị trường, theo các thông tin về hạ tầng, giao thông, quy hoạch… là điều dễ thấy ở thị trường BĐS các đô thị lớn và lân cận đô thị. Tuy nhiên, không có chuyện giá BĐS tăng mãi được.

Ông Hoàng phân tích, ở các tỉnh lân cận Tp.HCM đã có những cơn sốt về giá suốt những năm về trước khi có những thông tin về hạ tầng, quy hoạch, cầu – sân bay…mặt bằng giá tại các khu vực này đã tăng lên khá nhiều so với thời điểm trước đó.

Có hay không việc NĐT vào thị trường rồi đẩy giá lên cao, ông Hoàng cho rằng, thực tế, chuyện đua nhau vào thị trường theo thông tin, hay lao vào đầu tư rồi đẩy giá lên cao là có. Tuy nhiên, nếu cứ liên tục đẩy giá thì người mua sau không nhìn thấy lợi nhuận họ sẽ không mua vào. Và đến một lúc nào đó, nếu giá cao quá chắc chắn thị trường khu đó sẽ dừng lại, không thể nào tăng mãi được.

“Nếu một thị trường mà dòng tiền chỉ luân chuyển trong túi NĐT, giá bị đẩy lên cao liên tục thì người mua thực sẽ chịu thiệt. Kẻ bán phải có người mua, nếu giá cao quá người ta sẽ không mua. Vì thế, đến một lúc nào đó, giá phải dừng lại”, ông Hoàng khẳng định.

Cùng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, giá BĐS tăng ăn theo vị trí, hạ tầng, giá trị của BĐS đó nhưng không thể nào cứ tăng mãi được, mà đến một giới hạn nào đó sẽ chậm lại khi tiệm cận với nhu cầu thực của người tiêu dùng.

Theo ông Phúc, giá cả BĐS không phải muốn tăng là tăng mà còn phản ánh câu chuyện giá trị của mỗi BĐS đó. Đến một ngưỡng nào đó giá phải chấp nhận chậm lại. Có những dự án có giai đoạn tăng giá rất nhanh trong khoảng thời gian ngắn, nhưng khi đã tiệm cận với giá thị trường, với nhu cầu thực của người mua thì sẽ không tăng nữa. Người mua ở thực chấp nhận giá đó để mua.

“Nếu giá cao quá sẽ không được thị trường chấp nhận. Nếu thị trường không chấp nhận thì phải điều chỉnh, không có chuyện BĐS nào mà tăng giá mãi được. Giá cả phải phù hợp với thị trường, các CĐT dự án cũng có những tính toán của mình, không dại gì đẩy giá lên quá cao để tạo ra thanh khoản kém”, ông Phúc nhấn mạnh.

Thực tế cho thấy, câu chuyện giá BĐS lâu nay thường làm nền để các CĐT, các sàn giao dịch BĐS bán sản phẩm/dự án. Nhiều đơn vị vin vào việc tăng giá BĐS để thấy được giá trị của mỗi BĐS, mỗi khu vực. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng đạt được mức độ tăng giá tốt, hoặc không phải dự án nào cũng có thể tăng giá ổn định. Thậm chí trên thị trường đã xuất hiện các dự án không tăng giá trong khoảng thời gian dài, mặc dù liên tục quảng bá tăng giá.

Theo các chuyên gia, các dự án không có sự biến động giá hoặc tăng ở mức độ rất khiêm tốn là bởi những giá trị về nhu cầu ở thực ở các dự án này không phát huy tác dụng. Nhiều dự án dù sau thời gian dài chào bán, mặt bằng giá mới liên tục thiết lập nhưng không có người ở thực về ở khiến giá trị đầu tư của NĐT bị ảnh hưởng. Và, trong số đó, có khá nhiều NĐT cuối cùng vào thị trường lúc giá BĐS dự án/sản phẩm đó không thể tăng lên nữa.

Theo ông Nguyễn Hoàng, NĐT hiện nay cũng khá nhanh nhạy nắm bắt sự biến động của thị trường. Tuy nhiên, cũng không tránh khỏi những trường hợp trở thành NĐT cuối cùng với các sản phẩm khó tăng giá, thậm chí giảm giá do đã đạt ngưỡng giá quá cao so với thị trường.

Hạ Vy/Trí thức trẻ