19/10/2021

Chuyên gia Savills: ‘Lướt sóng’ đẩy giá bất động sản không khả thi trong thời gian tới

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhìn nhận từ nay đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng” đẩy giá trong thị trường bất động sản thời gian tới cũng không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.

Ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam nhìn nhận từ nay đến đầu năm 2022, thị trường bất động sản sẽ không có nhiều thay đổi lớn. Việc các nhà đầu tư thực hiện các giao dịch “lướt sóng” đẩy giá trong thị trường bất động sản thời gian tới cũng không khả thi, nhất là khi Việt Nam chưa hoàn toàn được kiểm soát dịch và còn những hạn chế trong mặt giao tiếp xã hội, cũng như các hoạt động kinh doanh.

Đối với nhóm đầu tư cá nhân, ông Khương phân tích nếu có nhu cầu nhà ở, nguồn tiền đã có sẵn từ trước, không phải sử dụng đòn bẩy kinh tế thì đây là một cơ hội tốt để mua nhà. Tuy nhiên, đối với nhóm đầu tư “lướt sóng” hay nhóm đầu tư ngắn hạn thì chưa phải là thời điểm thích hợp.

Đối với nhà đầu tư tổ chức, Savills Việt Nam nhận thấy mảng BĐS du lịch, BĐS thương mại được quan tâm thận trọng. Riêng đối với BĐS nhà ở, BĐS văn phòng thì họ vẫn đặc biệt quan tâm. Tuy nhiên, khó khăn của các nhà đầu tư trong trường hợp này là việc sang Việt Nam để nghiên cứu thêm về thị trường do những hạn chế của chuyến bay thương mại quốc tế. Nếu các đường bay được mở lại thì các nhà đầu tư này sẽ ồ ạt sang Việt Nam để tiếp tục các hoạt động về buôn bán và sáp nhập.

Đánh giá về những tác động của đại dịch Covid-19 lên phân khúc BĐS nhà ở, ông Khương nhận định về mặt tích cực, sau dịch các nhà quy hoạch đô thị sẽ có cơ hội nhìn lại cách phát triển quy hoạch thế nào là hiệu quả nhất. Mặt tích cực thứ hai là qua dịch bệnh này, các nhà hoạch định kinh tế nói chung, các nhà phát triển bất động sản nói riêng sẽ có cơ hội nhìn nhận lại chiến lược chung dài hạn. Vì bất cứ chu kì hoạt động kinh tế nào cũng có suy và thịnh và suy có thể vì khủng hoảng kinh tế, chiến tranh, dịch bệnh…

Về triển vọng phân khúc nhà ở thương mại tại TP HCM, theo báo cáo thị trường mới nhất của Savills, đến năm 2024, nguồn cung được dự đoán sẽ có khoảng 120.000 căn hộ từ 119 dự án, chủ yếu là các căn hộ tầm trung chiếm 48%. TP Thủ Đức dẫn đầu với 44% nguồn cung tương lai. Dự kiến trong quý IV năm nay có khoảng 7.000 căn dự kiến được chào bán ra thị trường.

Đối với phân khúc biệt thự, nhà liền kề, nguồn cung tương lai đến 2024 dự kiến đạt gần 9.600 căn/nền. TP Thủ Đức chiếm tỷ trọng lớn nhất với 32%, tiếp theo là Bình Chánh với 24% và Bình Tân với 11%. TP Thủ Đức tiếp tục thu hút các dự án bất động sản nhà ở nhờ quỹ đất sẵn có, quy hoạch đô thị tốt và cơ sở hạ tầng được đầu tư.

TS Khương cho biết thêm trong bối cảnh hiện tại, BĐS là một bộ phận của nền kinh tế Việt Nam, do vậy, sự phục hồi và phát triển của nền kinh tế của Việt Nam là điều quan trọng trước tiên. Nền kinh tế phục hồi thì khu vực BĐS mới được có thể quay trở lại quỹ đạo. Bên cạnh đó, để các dự án BĐS, đặc biệt là phân khúc nhà ở có thể phục hồi và phát triển một cách nhanh chóng cần có những biện pháp tốt hơn giải quyết những khó khăn về mặt thủ tục pháp lý, chính sách hỗ trợ từ phía Nhà nước.

Lê Xuân/Người đồng hành