14/11/2019

Chuyên gia nói gì về quy trình cấp nước an toàn ở Việt Nam?

Từ sự cố nước sạch sông Đà nhiễm dầu đầu tháng 10 vừa qua, các chuyên gia và các nhà quản lý ngành nước đã có những ý kiến về an ninh nguồn nước và quy trình cấp nước an toàn ở Việt Nam hiện nay.

Đồng thời nêu ra yếu tố pháp lý trong mối quan hệ giữa đơn vị cung cấp nước và người tiêu dùng; trách nhiệm của doanh nghiệp, chính quyền, cơ quan chức năng khi xảy ra sự cố.

Cần có thêm những công cụ quản lý

Giáo sư, Tiến sĩ Khoa học Trần Hữu Uyển, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam nêu rõ: An ninh nguồn nước gồm hai vấn đề được gộp lại là “an ninh nguồn nước” và “an toàn cấp nước”. Trong đó an ninh nguồn nước là đảm bảo sự trong sạch, phân phối nước từ đầu nguồn. Đối với Việt Nam, phần lớn các con sông lớn đều bắt nguồn từ nước ngoài.

Lực lượng chức năng kiểm tra phao ngăn dầu sau sự cố có váng dầu vào nguồn nước sông Đà. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN

Lực lượng chức năng kiểm tra phao ngăn dầu sau sự cố có váng dầu vào nguồn nước sông Đà. Ảnh: Thanh Hải/TTXVN

Chính bởi vậy việc đảm bảo nguồn nước được trong sạch là trách nhiệm không chỉ của doanh nghiệp mà còn là của địa phương. Nói đến an ninh nguồn nước là nói đến sự chặt chẽ giữa các địa phương, các bộ, ngành và các cấp chính quyền. An toàn cấp nước là lĩnh vực của từng địa phương.

Chính phủ đã có chương trình quốc gia về cấp nước an toàn, liên tục có những văn bản, thông tư về cấp nước an toàn. Bởi vậy, để cấp nước an toàn là phải tổ chức được hệ thống kiểm soát chặt chẽ từ đầu nguồn đến người tiêu dùng, luôn đảm bảo tính chất của nước sạch, phát hiện ra tất cả các nguồn ô nhiễm và các biện pháp xử lý kịp thời. Hiện nay các tỉnh như Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương… đã làm rất tốt việc cấp nước an toàn.

Theo nhận xét của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị (Bộ Xây dựng), sau sự cố nước của Nhà máy nước sông Đà nhiễm dầu thải, vấn đề đặt ra là phải rút kinh nghiệm cho các cơ quan quản lý nhà nước cho đến cơ quan thực hiện, nhất là các đơn vị trực tiếp sản xuất ra nguồn nước sạch. Về chức năng quản lý nhà nước đối với nước sạch nói chung, trong các văn bản quy phạm hiện thời có một số quy định.

Trong đó Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 là Nghị định đầu tiên về quản lý về sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch. Nội dung Nghị định đã phân vai rõ ràng: Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về cấp nước đô thị; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm về hoạt động cấp nước nông thôn, đặc biệt là nước sinh hoạt; Bộ Y tế chịu trách nhiệm về quản lý sức khỏe cho nhân dân, ban hành các quy chuẩn, tiêu chuẩn có liên quan đến nước sạch phục vụ mục đích sinh hoạt…

Ở cấp địa phương, trong các văn bản đều giao cho UBND cấp tỉnh là chính, còn UBND huyện, xã là những cơ quan trực thuộc chịu trách nhiệm theo sự phân công của UBND tỉnh.

Như vậy, đối với việc bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm đã được phân công về bảo vệ nguồn nước liên tỉnh, bảo vệ nguồn nước nội tỉnh. Bởi vậy, liên quan đến sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thì UBND tỉnh không thể đứng ngoài cuộc mà phải chịu trách nhiệm liên đới, còn đơn vị cấp nước là đơn vị đã cung cấp cho người dân sản phẩm nước không đạt yêu cầu, phải chịu trách nhiệm trực tiếp.

Về việc bảo đảm an toàn trong cấp nước, Bộ Xây dựng đã ban hành quyết định liên quan đến bảo đảm cấp nước an toàn, đã được soạn thảo và quy định rõ ràng trên cơ sở hỗ trợ của Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới.

Liên quan đến an ninh, an toàn cấp nước hiện nay vấn đề được đặt ra là dù đã có quy định nhưng việc tổ chức triển khai thực hiện ra sao mới quan trọng để đảm bảo tính chất của nước sạch, phát hiện ra bất cứ các nguồn ô nhiễm và các biện pháp xử lý kịp thời.

Thạc sĩ Nguyễn Hồng Dương, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam khẳng định: Cần thêm những công cụ quản lý cấp nước an toàn. Bởi vì bản chất về cấp nước an toàn là sơ đồ logic tính từ lưu vực các nguồn cấp nước cho tới các đường ống truyền tải, đến nhà máy xử lý nước cho tới đường ống truyền tải nước sạch cho khách hàng.

Do đó, cấp nước an toàn sẽ tạo ra các rào chắn an toàn từ nguồn tới các nơi tiêu thụ và mỗi khi qua các rào chắn này thì nguy cơ nguy hại sẽ giảm dần đi cho tới khi người dân sử dụng là an toàn nhất. Nhưng việc cấp nước, quản lý nguồn nước ở Việt Nam hiện đang rất phức tạp bởi vì việc quản lý nguồn nước có rất nhiều cơ quan tham gia.

Chính sách quốc gia về cấp nước an toàn, rõ ràng về mặt cơ sở pháp lý an toàn đã được ban hành từ lâu. Thông tư 08 nêu rất rõ là phải đảm bảo an toàn cấp nước về mặt chất lượng, lưu lượng, áp lực và tính liên tục. Song còn thiếu những hướng dẫn thực hiện; quy trình thực hiện cấp nước an toàn cần có những kế hoạch như thế nào, gồm những bước ra sao.

Cần có những hướng dẫn chi tiết để giúp cho các doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước thực hiện, giám sát và theo dõi. Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ Xây dựng sẽ nghiên cứu, ban hành tiếp các Thông tư, hướng dẫn giúp cho doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương có thêm công cụ quản lý tốt cấp nước an toàn.

Về chất lượng nước thì đã có Quy chuẩn 01 của Bộ Y tế về 109 chỉ tiêu chất lượng nước. Trên thực tế, rất nhiều cơ sở không thể phân tích hết những chỉ tiêu này. Trong quy chuẩn có những nhóm chỉ tiêu phân tích hàng ngày, một tuần một lần, một tháng, ba tháng và sáu tháng. Khi có sự cố xảy ra rồi mà không thể kiểm soát được thì các cơ quan quản lý nhà nước phải có thêm những biện pháp để kiểm soát.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ứng Quốc Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, phân tích: Các tài liệu đã nêu rõ rằng khi có một công trình thu nước, dù nước mặt hay nước ngầm, đều có các vùng bảo vệ an ninh, an toàn cho nguồn nước. Bình thường phải có 3 đới bảo vệ xung quanh khu vực công trình thu nước gồm: Đới “nghiêm ngặt” bán kính khoảng 500m; sau đó là Đới “bảo vệ” bán kính khoảng 1.000m và cuối cùng là Đới “quan sát” bán kính 1.500m.

Điều này đã có trong các văn bản, quy phạm nhưng nó được thực hiện như thế nào? Đối với nước mặt, về phía thượng lưu cũng phải có Đới bảo vệ. Nước là vấn đề thiết yếu của cuộc sống, gắn chặt với sự an toàn của cộng đồng, an ninh quốc gia. Việc khai thác, xử lý, cung cấp và tiêu thụ nước phải đảm bảo tuyệt đối an toàn, an ninh.

Đơn vị cấp nước phải chịu trách nhiệm trước cộng đồng, cơ quan nhà nước về vấn đề xử lý sản phẩm đảm bảo chất lượng để đưa vào sử dụng. Xoay quanh vấn đề này còn rất nhiều kẽ hở, rất cần luật “sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch” rõ ràng, minh bạch, phân rõ trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, đơn vị sản xuất, kinh doanh hành nghề và người tiêu dùng nước. Như vậy, mới đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước.

Luật sư Trương Xuân Hải, Giám đốc Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội), nêu rõ: Có mấy điểm bất cập trong Nghị định 117 cần sớm sửa đổi. Đó là công tác bảo vệ an ninh – an toàn nguồn nước hiện được giao cho doanh nghiệp, Nhà nước có trách nhiệm phối hợp. Tuy vậy đây là vấn đề hệ trọng, liên quan đến sức khỏe tính mạng người dân. Do đó Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, còn đơn vị quản lý kinh doanh ở vị trí phối hợp.

Việc cổ phần hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển. Nhưng sau khi cổ phần hóa hoàn toàn, doanh nghiệp chỉ chú trọng kinh doanh, tiết kiệm tối đa các chi phí. Bởi vậy, phải giữ những doanh nghiệp ngành nước là doanh nghiệp công ích, phục vụ là chính thì mới đảm bảo an toàn được.

Mặt khác, sự cố nước sông Đà đã bộc lộ nhiều lỗ hổng, nếu Nhà máy nước sông Đà ngừng cung cấp, hơn một triệu người dân không xoay sở nước ở đâu được. Từ sự việc trên, đòi hỏi Hà Nội phải xây dựng chiến lược ứng phó, có các biện pháp thay thế, xây dựng thêm các nguồn dự phòng để đảm bảo cuộc sống ổn định, có chất lượng cho người dân.

Tăng cường kiểm tra, giám sát

Đề cập đến vấn đề liên quan đến bảo vệ nguồn nước, đảm bảo an ninh, an toàn nguồn nước, ông Châu Trần Vĩnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên (Bộ Tài nguyên và Môi trường), phân tích: Để cấp nước sinh hoạt phải đầu tư công trình khai thác nguồn nước từ sông, suối hay từ các giếng khoan, sau đó  xử lý bảo đảm chất lượng nước sạch theo quy chuẩn cho ăn, uống, sinh hoạt của Bộ Y tế rồi mới được đưa vào hệ thống phân phối, cấp nước đến từng hộ dân.

Nhà máy nước Hạ Đình (địa chỉ, số 14 Ngõ 192 Phố Hạ Đình) mở cửa cả đêm cung cấp nước sạch cho người dân sau sự cố nước sạch sông Đà. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Nhà máy nước Hạ Đình (địa chỉ, số 14 Ngõ 192 Phố Hạ Đình) mở cửa cả đêm cung cấp nước sạch cho người dân sau sự cố nước sạch sông Đà. Ảnh: Thành Đạt/TTXVN

Các đơn vị khai thác, sản xuất, cung cấp nước sạch phải có trách nhiệm bảo đảm chất lượng nước, cũng như cung cấp nước ổn định. Hiện việc sản xuất, phân phối, tiêu thụ nước sạch được thực hiện theo quy định của Nghị định về sản xuất, cung cấp nước sạch do Bộ Xây dựng và UBND các cấp chỉ đạo.

Việc quản lý, giám sát chất lượng sạch sau quá trình sản xuất cho đến cấp nước các hộ dân được thực hiện theo quy định về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt của Bộ Y tế.

Còn việc quản lý khai thác nước, bảo vệ nguồn nước nói chung được thực hiện theo quy định của Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ môi trường. Ngoài những quy định về bảo vệ nguồn nước nói chung, Luật Tài nguyên nước còn có quy định riêng đối với việc bảo vệ chất lượng nguồn nước phục vụ sản xuất nước cho sinh hoạt.

Theo đó, đơn vị khai thác nước phải có trách nhiệm bảo vệ nguồn nước do mình trực tiếp khai thác, thường xuyên theo dõi, quan trắc chất lượng nguồn nước, bảo đảm chất lượng nước do mình khai thác… Luật cũng quy định UBND cấp tỉnh, huyện, xã có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ chất lượng nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn.

Sự cố tại Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà vừa qua là một bài học cảnh tỉnh về vấn đề bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt cho mọi người dân, nhất là tại các thành phố lớn.

Qua đó, cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các vi phạm về bảo vệ chất lượng nguồn nước từ khâu khai thác đến việc bảo đảm xử lý nước thô thành nước sạch và khâu phân phối qua hệ thống đường ống đến từng hộ dân; nâng cao ý thức, trách nhiệm của từng người dân.

Đặc biệt là các đơn vị cung cấp nước sạch trong việc bảo vệ nguồn nước; theo dõi thường xuyên, quan trắc giám sát, chất lượng nguồn nước để kịp thời phát hiện những bất thường về chất lượng nước, cảnh báo và có các biện pháp cần thiết để ứng phó sự cố kịp thời.

Đồng thời, cần phải rà soát lại toàn bộ các điều khoản pháp luật liên quan đến cấp nước sinh hoạt cho người dân để điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu bảo đảm an toàn tuyệt đối, bảo đảm an ninh trong việc cấp nước sinh hoạt.

Trước mắt, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã giao Cục Quản lý tài nguyên nước, Tổng Cục Môi trường và các đơn vị có liên quan phối hợp với Bộ Xây dựng và các địa phương rà soát, kiểm tra tình hình hoạt động của các nhà máy nước trong cả nước để bảo đủ nguồn nước sạch, an toàn phục vụ nhân dân./.

Danh Hồng/TTXVN