22/06/2021

Cho thuê căn hộ, nhà trọ bị thiệt hại nặng

Nhiều khu nhà trọ vắng hoe, các khu căn hộ dịch vụ phải đóng cửa, giá cho thuê giảm mạnh.

Nếu như trước đây, các khu căn hộ cao cấp ở TPHCM thường được những người làm dịch vụ thuê và cho thuê lại săn tìm, sau đó tân trang để cho thuê lại theo ngày (đặt trên AirBNB hay các trang cho thuê lưu trú khách sạn) thì hiện nay, sau 4 đợt bùng dịch, dịch vụ này gần như dẹp tiệm vì lượng khách du lịch, người đi lại, công tác đều vắng bóng. Một số người còn bám trụ chờ qua dịch thì chuyển sang cho thuê theo tháng để có thu nhập và trang trải các chi phí.

Anh Thiện (31 tuổi), chuyên làm dịch vụ thuê và cho thuê ở các khu căn hộ tại quận 4, quận Bình Thạnh, quận 2, cho biết: “Tôi buộc phải giảm giá cho thuê để kiếm khách dài hạn thay vì nhận khách lưu trú ngắn ngày như trước. Giá cho thuê thấp để được ổn định chứ không còn lãi, thậm chí lỗ so với giá thuê của chủ nhà nhưng tôi vẫn ráng cầm cự chờ qua dịch để mọi thứ hồi phục”.

Các khu căn hộ cho thuê theo tháng ở TPHCM dù lượng khách vẫn ổn định nhưng cũng chủ động giảm giá để giữ khách và cạnh tranh với những khu khác. Theo tìm hiểu của phóng viên, một số khu căn hộ dịch vụ cho thuê ở quận 3, quận 7, Phú Nhuận, Bình Thạnh… trước đây, có giá thuê trung bình 9-18 triệu đồng/tháng dành cho căn 25-45 m2 thì hiện tại đã giảm gần 1/2 vì khách thuê gặp khó nên đề xuất giảm, nếu không họ sẽ dọn đi nơi khác với giá mềm hơn.

hiều người làm dịch vụ cho thuê căn hộ cao cấp ngắn ngày ở TP HCM phải ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch. Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều người làm dịch vụ cho thuê căn hộ cao cấp ngắn ngày ở TPHCM phải ngưng hoạt động vì ảnh hưởng của dịch. Ảnh: TẤN THẠNH

Tình hình cũng không mấy sáng sủa với những người đầu tư vào các khu nhà trọ bình dân. Ông Phụng, ngụ quận Bình Thạnh, cho biết vài năm trước, ông lấy tiền dành dụm và vay thêm tổng cộng 4 tỉ đồng để thế chân thuê lại 2 khu nhà trọ ở quận Bình Tân và Bình Thạnh. Mỗi phòng ông cho thuê từ 2-3 triệu đồng và trả cho môi giới 500.000 đồng nhưng mới lấp đầy 30%-35% thì dịch Covid-19 bùng phát, khách trọ đua nhau bỏ về quê, chuyển việc, trả phòng.

Thời điểm đó, ông phải giảm giá hết cỡ mới giữ được một số khách và tìm thêm được khách mới. Đến khi tình hình sáng sủa hơn đôi chút thì từ đầu năm đến nay dịch bệnh bùng phát liên tục, ông lại rơi vào tình thế khó khăn. “Tháng nào tôi cũng phải trả lãi ngân hàng, tiền thuê cho chủ đất nhưng thu vào thì chẳng thấm vào đâu. Chỉ mong dịch qua, khách thuê có việc làm trở lại, TPHCM đông đúc hơn, các khu nhà trọ mới có thể tăng khách” – ông Phụng buồn rầu nói.

Tương tự, gia đình chị Hoàng, nhà ở quận Tân Phú, cũng có 2 khu trọ với hơn 100 căn. Đợt dịch năm trước, chị đã giảm tới 30% giá thuê phòng, gần đây rục rịch tính tăng lại thì dịch bùng phát. Nhiều người mất việc bỏ về quê, buộc chị phải giảm thêm mới mong giữ chân được họ. “Hiện giá phòng của tôi cho thuê chỉ bằng một nửa so với trước khi có dịch nhưng vẫn nhiều khách trả phòng vì thất nghiệp, đổi việc hoặc đổi sang khu vực khác làm ăn” – chị Hoàng cho biết.

Ông Phạm Lâm, Tổng Giám đốc DKRA Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Việt Nam, cho rằng tất cả hoạt động liên quan đến bất động sản đều khó khăn trong mùa đại dịch này nhưng với lĩnh vực thuê, cho thuê thì luôn biến động sớm nhất. Thường hoạt động này liên quan đến 2 hoặc 3 bên: đó là chủ nhà, người thuê để cho thuê lại và người đi thuê để sử dụng. Người chủ nhà có lợi thế vì có thể chỉ giảm nguồn thu, còn người thuê có thể chọn nơi khác giá mềm hơn, chỉ có người thuê để cho thuê lại là thiệt thòi nhất. Tuy nhiên, họ và chủ nhà có thể ngồi lại thương lượng để giảm thiệt hại cho đôi bên. Bởi vì chính họ cũng là người tạo nguồn thu ổn định cho chủ nhà.

“Không thể nói trước được khó khăn này còn kéo dài bao lâu, bởi nó phụ thuộc vào tình hình kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, cần có một độ trễ nhất định để hoạt động thuê, cho thuê bắt nhịp trở lại, theo tôi là hết năm 2021 mới có thể nói được thực trạng” – ông Lâm cho biết.

Sơn Nhung/Người lao động