03/04/2017

Chia sẻ quan điểm các bên

Để đi đến sự thống nhất có tích hợp hay không tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể, theo Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, TS. Phạm Sỹ Liêm, cần xem xét kinh nghiệm quốc tế và quan trọng là, các bên liên quan phải hiểu rõ quan điểm của nhau trên cơ sở vì lợi ích chung của quốc gia, không nên chú trọng phân tích “động cơ” của “phía bên kia”…

“Tôi hoan nghênh cách làm”…

– Dự thảo Luật Quy hoạch mới nhất trình UBTVQH tại Phiên họp thứ 8 vừa qua vừa là luật khung, vừa là luật nội dung. Theo ông, hướng thiết kế dự thảo Luật như vậy có hợp lý không?


Việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan soạn thảo dự án Luật Quy hoạch) và Bộ Xây dựng (cơ quan được giao quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng) chưa thống nhất được với nhau cũng là điều dễ hiểu. Nguyên nhân có thể do cả hai cơ quan này đều chưa đi sâu tìm hiểu thật kỹ quan điểm của nhau, vẫn dựa nhiều hơn vào cảm tính để đánh giá; một số người ít chịu tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế hoặc quá chú trọng đến phân tích “động cơ” của “phía bên kia”… Do vậy, để đi đến sự thống nhất có tích hợp hay không tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể cần xem xét kinh nghiệm quốc tế cũng như hiểu rõ quan điểm của các bên. Cũng cần lưu ý rằng, thời gian, thực ra cũng là nguồn lực phát triển quý báu của nước ta.

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm

– Thực tế hiện nay có rất nhiều loại quy hoạch và vô số quy định về quy hoạch trong các văn bản pháp luật nhưng hiệu quả đem lại không nhiều. Vì thế, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI đã phải yêu cầu: “Rà soát, hoàn thiện thể chế để nâng cao chất lượng quy hoạch”, trong đó, nhấn mạnh việc xây dựng Luật Quy hoạch có phạm vi điều chỉnh chung cho các loại quy hoạch phát triển trên phạm vi cả nước; đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tính khả thi…

Như vậy, mục tiêu xây dựng Luật Quy hoạch là xác định hệ thống quy hoạch quốc gia, quy định trình tự, thủ tục và phân công, phân cấp trong quá trình quy hoạch. Dự thảo Luật hiện nay, theo tôi, đáp ứng được các mục tiêu này; đồng thời đáp ứng được yêu cầu vừa là luật khung, vừa là luật nội dung, nói được hệ thống quy hoạch, định nghĩa được nội dung cụ thể của từng loại quy hoạch, trình tự cụ thể lập quy hoạch đó, phân công phân cấp trong việc lập quy hoạch. Tuy nhiên, vẫn còn một số vấn đề cần tiếp tục hoàn thiện.

– Cụ thể, những vấn đề cần hoàn thiện đó, theo ông là gì?

– Trước hết là, về hệ thống quy hoạch. Thực tế, hệ thống quy hoạch có nhiều cấp độ, như hệ thống quy hoạch một ngành, một địa phương. Vậy hệ thống quy hoạch trong Luật Quy hoạch phải là hệ thống quy hoạch quốc gia. Tôi không hiểu vì sao Điều 12, dự thảo Luật Quy hoạch lại chỉ nói đến hệ thống quy hoạch? Theo tôi, phải quy định rất rõ trong Luật là “hệ thống quy hoạch quốc gia” như thông lệ quốc tế.

Vấn đề tiếp theo là xác định quy hoạch nào được đưa vào hệ thống quy hoạch quốc gia, quy hoạch nào loại ra ngoài, cần bổ sung loại quy hoạch gì. Hiện tại có một vướng mắc là trong Luật Xây dựng đã có một Chương về quy hoạch xây dựng, vậy quy hoạch xây dựng cần được tích hợp vào hệ thống quy hoạch quốc gia như thế nào?

Tiếp nữa là về thẩm định quy hoạch. Theo thông lệ nước ta, thẩm định là khâu quan trọng tương đương với các khâu khác, trong khi quốc tế chỉ xem là khâu lấy ý kiến chuyên gia và các bên có lợi ích nhằm bảo đảm tính khách quan và đạt được đồng thuận. Câu hỏi đặt ra là, khi người đứng đầu chính quyền căn cứ vào ý kiến của hội đồng thẩm định để phê duyệt thì nếu có sai sót, người này có còn phải chịu toàn bộ trách nhiệm không? Nếu có thì người đứng đầu muốn tham khảo ý kiến của ai là quyền của họ chứ cần gì phải quy định cụ thể? Theo tôi, các quy định về thẩm định quy hoạch trong dự thảo Luật nên bỏ đi vì mâu thuẫn với yêu cầu đề cao trách nhiệm người đứng đầu nêu trong Nghị quyết Trung ương Khóa XI.

– Dự thảo Luật Quy hoạch đưa ra một quan điểm mới đó là tích hợp quy hoạch. Theo ông, có thể tích hợp quy hoạch được hay không?

– Dự thảo Luật Quy hoạch định nghĩa tích hợp quy hoạch là kết hợp nội dung các quy hoạch để hình thành nội dung của một trong các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch. Về từ nguyên, tích hợp (Integration) có nguồn gốc từ tiếng Latin với nghĩa là xác lập cái chung, cái toàn thể, cái thống nhất trên cơ sở các bộ phận riêng lẻ, tức là kết hợp các phần, các bộ phận với nhau trong một tổng thể. Đối lập với quy hoạch tích hợp là quy hoạch tách rời. Như vậy, tích hợp quy hoạch xây dựng với quy hoạch tổng thể chính là thống nhất hai quy hoạch này vào làm một và theo thông lệ quốc tế thì nên gọi chung là quy hoạch tổng thể. Tôi hoan nghênh cách làm này vì nó hợp lý và hiệu quả.

… nhưng vẫn cần điều chỉnh

– Cơ quan quản lý nhà nước về quy hoạch xây dựng hiện nay cho rằng, tích hợp quy hoạch xây dựng vào quy hoạch tổng thể như dự thảo Luật sẽ dẫn đến khó khăn và vướng mắc khi thực hiện. Thực tế là tại Phiên họp thứ 8 của UBTVQH, cơ quan đề xuất việc tích hợp cũng đã phải “nhượng bộ” một số nội dung. Điều này cho thấy, về chủ trương tích hợp là đúng, nhưng quy định cụ thể, cách thức thực hiện trong dự thảo Luật cũng vẫn còn những bất ổn. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

– Quy hoạch xây dựng được quy định trong Luật Xây dựng 2003, đã tồn tại được 14 năm. Nay có sự điều chỉnh dù không nhiều thì cũng vẫn gây ra sự bỡ ngỡ lúc đầu. Tuy nhiên, điều này chắc chắn sẽ qua nhanh thôi. Hơn nữa, định nghĩa quy hoạch và nội dung quy hoạch trong dự thảo Luật Quy hoạch thực ra cũng không khác biệt mấy so với định nghĩa và nội dung quy hoạch xây dựng trong Luật Xây dựng. Dự thảo Luật Quy hoạch cũng đã có Điều khoản chuyển tiếp (Điều 68) rất rõ ràng nên tôi cho rằng, việc tích hợp cũng không gây trở ngại gì đến quá trình phát triển kinh tế – xã hội hiện hành.

– Có thể hiểu là, theo quan điểm của ông, quy định về tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tổng thể như dự thảo Luật không có gì phải băn khoăn?

– Nói là không băn khoăn thì không phải. Tích hợp quy hoạch vào quy hoạch tổng thể là cần thiết nhưng nội dung trong dự thảo Luật thì vẫn cần điều chỉnh đôi chút để thể hiện đúng đắn sự tích hợp như tôi đã nêu ở trên. Ví dụ, dự thảo Luật coi trọng tổ chức không gian cho các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội… còn Luật Xây dựng lại coi trọng tổ chức không gian của đô thị, nông thôn… Luật Xây dựng chỉ nêu quy hoạch xây dựng vùng và khu chức năng đặc thù, không đề cập đến quy hoạch xây dựng cấp quốc gia và quy hoạch xây dựng ngành. Vì vậy, dự thảo Luật Quy hoạch cũng chỉ cần xem xét việc tích hợp quy hoạch vùng và khu chức năng đặc thù thôi. Còn quy hoạch đô thị, nông thôn thì không gặp vấn đề gì vì dự thảo Luật Quy hoạch không đề cập đến.

– Như ông đánh giá, việc thực hiện Luật Quy hoạch sẽ có những bỡ ngỡ. Nếu được QH thông qua, theo ông, cần chuẩn bị những gì để bảo đảm Luật đi vào cuộc sống?

– Có rất nhiều việc phải làm như, điều chỉnh, sửa đổi các quy định pháp luật hiện hành có liên quan; tập huấn, đào tạo cán bộ quy hoạch, nhất là đối với các loại hình quy hoạch còn mới lạ như quy hoạch không gian biển, quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia, rồi tổ chức việc lập các quy hoạch này để kịp phục vụ cho giai đoạn phát triển 10 năm 2021 – 2030 nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp…

Cũng cần lưu ý rằng, do tính chất mới mẻ của Luật Quy hoạch nên trong quá trình thi hành vẫn có thể phát hiện ra điểm nào đó chưa phù hợp và cần điều chỉnh. Đó là điều không mong muốn nhưng nếu xảy ra thì cũng có thể hiểu được.

– Xin cảm ơn ông!

A. Nhiên – V. Thủy thực hiện
Theo Đại biểu nhân dân