26/07/2017

Chất chồng nợ đọng xây dựng cơ bản, vì đâu?

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến hết năm 2015, nợ đọng vốn xây dựng cơ bản (XDCB) của bộ, ngành và các địa phương trên cả nước đã lên tới hơn 12.000 tỷ đồng. Ít vốn, dày nợ khiến nhiều nhà thầu lâm cảnh “sống dở chết dở”, trong khi không ít nơi vẫn đua xây công trình dự án.
Chất chồng nợ đọng xây dựng cơ bản, vì đâu?
Đường Hồ Chí Minh hoàn thành, sử dụng từ 2006 đến nay vẫn nợ tiền XDCB. Ảnh: Sỹ Lực.
 Kiệt quệ vì nợ
Tay không bắt giặc, toàn bộ từ vật tư, máy móc thiết bị, trả lương đều trông vào vay mượn ngân hàng. Tình trạng nay khiến nhiều nhà thầu “kiệt quệ”.
Nhà thầu thành “con nợ”
Tổng Công ty 319 (Bộ Quốc phòng) là một đơn vị mạnh về xây dựng, ghi dấu ấn tại nhiều công trình. Thế nhưng, như các đơn vị khác, tình trạng nợ đọng XDCB của tổng công ty vẫn ngày một dầy lên. Tính đến hết năm 2016, số nợ đã lên tới 1.860 tỷ đồng, vượt 200% vốn chủ sở hữu. “Chi phí liên quan đến nợ đọng XDCB bao gồm các khoản như lãi vay ngân hàng, bảo lãnh thực hiện hợp đồng… của nhiều dự án hiện đã vượt cả lợi nhuận ước tính ban đầu của DN khi tham gia đấu thầu xây dựng. Thực tế đó khiến nhà thầu rơi vào thua lỗ”, lãnh đạo Tổng Cty 319 cho biết.
Cùng cảnh ngộ, Tổng cty Xây dựng Trường Sơn hiện cũng là một “chủ nợ” lớn. Tính đến 31/5/2017, số nợ XDCB của tổng công ty đã lên tới gần 1.700 tỷ đồng, trong đó có những khoản nợ từ năm 2012 đến nay vẫn im ỉm. Nếu gộp cả khoản tiền 1.000 tỷ đồng đang tạm ứng cho các công trình đang sản xuất chưa được nghiệm thu, tổng số tiền mà các chủ đầu tư đang nợ Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn còn lên tới 2.644 tỷ đồng. “Để đảm bảo sản xuất, công ty phải vay ngân hàng lên tới 1.500 tỷ đồng. Mỗi năm chỉ tính riêng tiền lãi cũng “ngốn” 126 tỷ đồng”, lãnh đạo Tổng Cty Xây dựng Trường Sơn cho hay.
Ngoài 2 doanh nghiệp trên, chung cảnh bị nợ đọng XDCB hàng nghìn tỷ đồng còn có thể kể đến như Tổng Cty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam với 1.185 tỷ đồng (tính đến hết 2016)… Nợ đọng XDCB tràn lan, Ủy ban thường vụ Quốc hội mới đây cho biết, tính đến hết năm 2016, tổng nợ đọng XDCB vốn ngân sách trung ương là 9.557 tỷ đồng.
Theo ông Dương Văn Cận, Tổng Thư ký Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam, trừ một số nhà thầu có năng lực vốn mạnh, hiện hầu hết DN xây dựng đều phải vay vốn ngân hàng để thực hiện dự án. “Hầu hết DN tay không bắt giặc, đi vay ngân hàng để mua vật tư, máy móc thiết bị, trả lương, chi cho hoạt động của bộ máy và một phần vay để thi công. Do đó, khi gặp tình trạng nợ đọng XDCB, DN càng khó khăn, luẩn quẩn lo trả lãi ngân hàng, thậm chí phá sản”, ông Cận đánh giá.
Xong 5 năm vẫn nợ, chưa quyết toán
Một thống kê cho thấy, nhiều công trình dù xây xong đã bàn giao nhưng nhà thầu vẫn chưa được quyết toán. Đơn cử, tại Tổng Cty Sông Đà, dù thực hiện xong công trình thủy điện Sơn La (khánh thành cuối năm 2012), thủy điện Lai Châu (khánh thành cuối 2012), công trình Nhà Quốc hội (vận hành từ tháng 11 năm 2015 đến nay) doanh nghiệp vẫn chưa được phê duyệt quyết toán vốn đầu tư. Đặc biệt, dự án đường Hồ Chí Minh, khởi công năm 2000, nghiệm thu hoàn thành bàn giao và đưa vào sử dụng năm 2006, đến 2013 bộ Tài chính phê duyệt quyết toán, khi đó, nhà thầu thanh lý hợp đồng với chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 1,6 tỷ đồng Tổng Công ty Sông Đà chưa được chủ đầu tư thanh toán.
“Với một số công trình lớn, số tiền chủ đầu tư giữ lại của nhà thầu rất lớn dẫn đến nhà thầu thiếu hụt vốn. Ví dụ tại Thuỷ điện Hủa Na chủ đầu tư giữ khoảng 80 tỷ đồng; công trình nhà quốc hội khoảng 70 tỷ đồng”, lãnh đạo Tổng cty Sông Đà cho biết.
Bên cạnh đó, một thực tế khác được chỉ ra nữa là có những dự án thoi thóp dù chủ đầu tư và nhà thầu đã rót cả ngàn tỷ. Đơn cử như trường hợp dự án Trường Đại học Hoa Lư (Ninh Bình). Năm 2010, UBND tỉnh Ninh Bình ra quyết định đầu tư DA Trường ĐH Hoa Lư với số vốn gần 1.400 tỷ đồng, từ ngân sách Trung ương và Chương trình mục tiêu quốc gia. DA xây dựng từ năm 2011, dự kiến hoàn thành và đi vào sử dụng đầu năm 2016.
Tuy nhiên, đến nay, DA gần như bỏ hoang trên diện tích 15ha. Những khối nhà cao tầng xây xong phần thô xếp san sát, hạng mục khác chưa xây dựng cỏ mọc um tùm. Theo chủ đầu tư, nguyên nhân khiến DA chậm tiến độ, bỏ hoang do thiếu vốn. Mỗi năm UBND tỉnh Ninh Bình cấp khoảng 10 tỷ đồng, xây dựng hết số vốn này, DA dừng và đợi. Dù  Ban giám hiệu trường ĐH Hoa Lư rất sốt ruột mong DA mở rộng nhằm đáp ứng việc đào tạo trên 10.000 sinh viên/năm nhưng rốt cục DA chưa thể hoàn thành. Những năm gần đây, trường chỉ tuyển được khoảng 400 sinh viên, lý do bởi cơ sở vật chất dang dở, đáp ứng nhu cầu giảng dạy. Còn Cty Xây dựng Thống Nhất (Ninh Bình) – nhà thầu xây dựng DA  này, hiện vẫn đang  bị nợ đọng XDCB từ DA khoảng vài chục tỷ đồng.
Theo Thanh tra Bộ KH&ĐT hiện nay có những DA đầu tư công yêu cầu hoàn thành từ 2011 nhưng đến giờ vẫn dở dang, nợ đọng. Trong khi theo quy định mới, chủ đầu tư cũng không thể bổ sung vốn đầu tư, cũng không thể quyết toán bởi các hạng mục công trình chưa bàn giao, nay bỏ hoang, hỏng hóc. “Chúng tôi nhìn những công trình bị dở dang, xót tiền đầu tư nhưng không biết giải quyết như thế nào”, một cán bộ Thanh tra Bộ KH&ĐT chia sẻ.
“Để đảm bảo vốn cho quá trình sản xuất kinh doanh, chúng tôi phải sử dụng vốn vay từ tổ chức tín dụng với lượng vay cao khoảng 1.500 tỷ đồng. Mỗi năm cty phải trả lãi 126 tỷ đồng/năm”. Lãnh đạo Tổng công ty  Xây dựng Trường Sơn.
Quỳnh Nga (Tiền phong)