03/08/2016

Câu chuyện “bánh mì” và “sự thật”

Có một câu nói nổi tiếng: “Một nửa ổ bánh mì vẫn là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”. Ấy thế mà mấy cơ quan chức năng của chúng ta lại cứ hay thông tin cho dân chúng những thông tin không đến nơi đến chốn khiến lòng nhiều người không yên.


Ảnh minh họa

Cách đây ít lâu, TP.HCM đã công bố 77 dự án BĐS trên địa bàn đang thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai tại các ngân hàng. Tại Hà Nội, thống kê từ Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội cho biết có 34 dự án BĐS thế chấp ngân hàng trong tổng số hơn 300 dự án đang triển khai.

Trong hoàn cảnh dư luận đang “nóng” lên khi một số cư dân của một vài dự án bị ngân hàng “siết nợ” thì hành vi đem dự án thế chấp ngân hàng như là một tiềm ẩn rủi ro, thậm chí tạo nên một bóng ma ám ảnh trong tâm trí của nhiều khách hàng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho hay, việc huy động vốn cho các dự án từ những ngân hàng là rất bình thường. Theo ông Nguyễn Thế Điệp – Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, DN có thể thế chấp cả dự án hoặc thế chấp từng phần. Trong quá trình thực hiện dự án, họ có thể giải chấp từng phần hoặc giải chấp tất cả. Như vậy, cụm từ “tiềm ẩn rủi ro” không thể đồng nghĩa với việc “thế chấp ngân hàng”.

Hoặc như mới đây, Cảnh sát PCCC TP Hà Nội thông báo cho biết, hiện Hà Nội có 38 công trình, có nêu đích danh hẳn hoi, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các quy định của pháp luật về PCCC, không tổ chức khắc phục các nội dung còn tồn tại, thiếu sót đã được Cơ quan cảnh sát PCCC kiến nghị; công trình đưa vào sử dụng nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC…

Thông báo như vậy là rất đáng hoan nghênh nhưng e rằng vẫn chưa đầy đủ và có thể gây hoang mang cho hàng nghìn hộ dân đang sinh sống tại các công trình này. Bởi lẽ không phải tất cả các tòa nhà nêu trên đều có chung một cấp độ vi phạm giống nhau và nguy cơ xảy ra cháy nổ mỗi nơi cũng rất khác nhau.

Trong chuyên mục này đã từng nêu ý kiến cho rằng, phải chăng cần quy định cơ quan PCCC không chỉ lập biên bản phạt hành chính, thông báo cho cư dân kỹ càng hơn về các vi phạm mà còn có trách nhiệm gắn cho các tòa nhà biển cảnh báo: “Nguy hiểm cháy nổ” với nhiều cấp độ khác nhau tùy theo số lỗi vi phạm của mỗi tòa nhà, tựa như báo lũ theo mực nước của các sông vậy. Bắt đầu có nguy hiểm là gắn biển “Nguy hiểm cháy nổ” cấp 1, ở mức cực kỳ nguy hiểm sẽ gắn “Nguy hiểm cháy nổ” cấp 3…

Chỉ khi cung cấp toàn bộ sự thật thì mới mong rằng việc phòng tránh rủi ro trong đời sống người dân sẽ hiệu quả hơn.

Nguyễn Hoàng Linh/Báo Xây dựng