17/03/2022

Cấp sổ đỏ cho Condotel, Officetel: ‘Địa phương nào sai thì phải làm lại’

Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Trần Hồng Hà về vấn đề pháp lý các loại hình bất động sản mới như Condotel, Officetel, Shophouse khi trả lời chất vấn trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Vấn đề pháp lý các loại hình bất động sản mới như Condotel, Officetel, Shophouse chưa rõ ràng rất nhiều năm qua, đến nay chưa được giải quyết triệt để khiến tranh chấp giữa khách hàng và chủ đầu tư các dự án bùng nổ.

Tại phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trước Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, vấn đề pháp lý của các loại hình bất động sản mới này tiếp tục được đưa ra bàn thảo. Nhiều đại biểu cho rằng đây cũng là vấn đề cần xem xét khi sửa đổi luật Đất đai thời gian tới.

Về vấn đề pháp lý các loại hình bất động sản mới như Condotel, Officetel, Shophouse…., Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định, địa phương nào làm sai địa phương đó phải làm lại

Đại biểu Huỳnh Thị Ánh Sương (Quảng Ngãi) nêu thời gian qua có nhiều dự án căn hộ khách sạn, nhà phố văn phòng, nhà phố thương mại, căn hộ nghỉ dưỡng… được triển khai. Nhà đầu tư đã mua khi pháp lý chưa được hoàn chỉnh, người mua chưa được cấp giấy tờ về quyền sở hữu làm hạn chế các quyền về tài sản, tiểm ẩn nguy cơ tranh chấp.

Với trách nhiệm của Bộ tham mưu cho Chính phủ ban hành văn bản điều chỉnh, đến nay, quy định pháp luật về vấn đề này đã đầy đủ chưa? Có tháo gỡ vướng mắc về pháp lý cho các loại hình bất động sản mới như Condotel, Officetel, Shophouse… không?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, những loại hình bất động sản kể trên là sản phẩm sử dụng đa mục đích. Theo góc độ của luật Đất đai thì sản phẩm của các loại hình bất động sản mới như Condotel, Officetel, Shophouse… không vướng mắc gì.

“Nếu quy hoạch là đất ở thì nó là đất ở vì đã có tiêu chí quy hoạch rõ ràng, đương nhiên thực hiện theo các thủ tục về đất ở. Nếu là đất thương mại dịch vụ thì cũng có tiêu chí riêng. Mỗi loại đất đều có cơ chế quản lý riêng, luật pháp đã quy định. Nhưng ở đây, tôi cho rằng, các giao dịch mua các sản phẩm bất động sản kể trên dưới dạng hứa mua hứa bán, là hợp đồng dân sự về kinh tế, có kèm theo rủi ro”, ông Hà nói.

Ông Hà cũng cho rằng, cần phải quan niệm, tại trung tâm của nhiều thành phố có các toà nhà bên dưới là trung tâm thương mại, còn bên trên là căn hộ để ở, nhưng cũng có những khu vực đất chỉ có chức năng thương mại dịch vụ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ TN&MT, những khu vực đất có lợi thế về thương mại dịch vụ, sinh lợi từ đầu tư phát triển kinh tế thì nên là đất để cho thuê. Còn nếu là đất ở thì nên chọn nơi có cảnh quan, không gian, môi trường. Quy hoạch này có sự phân biệt khác nhau rõ ràng. Đất ở thì có thể là lâu dài. Đất thương mại dịch vụ thì có thể thu tiền nhiều lần theo giá trị đầu tư về kinh tế. Nếu chuyển sang đất ở thì phải xem xét.

“Từ đất ở mà qua thời gian hình thành dần dần lợi thế kinh tế thương mại dịch vụ thì cũng nên khuyến khích chuyển đổi. Để từ đó, đất ở sẽ dần quy hoạch ra xa các khu trung tâm, nhường lại lợi thế về thương mại dịch vụ để chuyển đổi sang, phát huy tối đa tiềm năng của đất”, ông Hà nói.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cho hay, thời gian tới, khi sửa đổi luật Đất đai sẽ xem xét làm rõ các tiêu chí về đất ở, đất thương mại dịch vụ, cùng một ô đất sẽ cùng tồn tại đất ở và đất thương mại dịch vụ để có cở sở xác định rõ ràng hơn.

“Nhưng nếu là đất thương mại dịch vụ thì cấp quyền sử dụng chỉ 50 năm thôi, hết dự án là thu hồi. Còn trong thời gian thực hiện dự án, vẫn cấp sổ hồng để phát huy tối ưu giá trị tài sản. Nếu đất ở là cấp quyền lâu dài, địa phương nào làm sai địa phương đó phải làm lại”, Bộ trưởng Bộ TN&MT khẳng định.

Bộ trưởng Bộ TN&MT cũng cho biết thêm, trong lần sửa luật Đất đai tới đây sẽ xem xét kỹ lưỡng về phát huy tiềm năng của đất theo hướng sử dụng đa mục đích. Đơn cử là phát huy tiềm năng du lịch trong đất nông nghiệp, lâm nghiệp.

Ninh Phan/Tiền Phong