19/11/2020

Cần định vị nghề kiến trúc sư chuyên nghiệp tại Việt Nam

(TCKTVN 230) – Luật Kiến trúc, có nội hàm quan trọng về hành nghề KTS, chính thức đi vào cuộc sống kể từ 1/7/2020. Luật Kiến trúc nhằm luật hoá trách nhiệm và quyền tổ chức chịu trách nhiệm trước cộng đồng của giới KTS hành nghề tư vấn kiến trúc chuyên nghiệp Việt Nam (sau đây gọi tắt là KTSCN – professional architect). Sự đổi mới môi trường hành nghề chắc chắn cần một thái độ mới tương thích, để có chất lượng làm nghề hiệu quả nhất. Không chỉ riêng giới KTS, mà còn từ nhiều phía. Tuy nhiên, ở đây, sẽ suy xét riêng góc độ của KTSCN.

Xây dựng tính chính danh của KTS chuyên nghiệp

Từ trước khi Luật Kiến trúc có hiệu lực, Hội KTS Việt Nam đã là thành viên 75 tuổi của UIA, thành viên 25 tuổi của ARCASIA. Chính phủ Việt Nam đã chính thức gia nhập WTO và hiệp định công nhận lẫn nhau về hành nghề tư vấn kiến trúc chuyên nghiệp với ASEAN. Theo đó nhiều KTS Việt Nam đã được công nhận danh hiệu AA (ASEAN Architect). Theo chuẩn chung, danh hiệu KTSCN chỉ cấp cho những người được đào tạo phù hợp, có chứng chỉ hành nghề hợp lệ, theo đuổi chuyên nghiệp và liên tục hành nghề tư vấn kiến trúc. Đặc biệt không kiêm nhiệm những việc và thụ hưởng quyền lợi mâu thuẫn với trách nhiệm luật định của KTSCN (ví dụ làm nhà thầu, nhà cung cấp, công chức xét duyệt…)

Trong điều kiện Việt Nam trước nay, nhiều cá nhân không đủ điều kiện hành nghề KTSCN theo Luật Kiến trúc mới (tiêu chuẩn chuyên nghiệp và phát triển nghề nghiệp liên tục) nhưng vẫn được sử dụng danh hiệu KTS. Cần quản lý minh bạch yếu tố này để đảm bảo quyền lợi của chủ đầu tư trong lĩnh vực hợp đồng tư vấn thiết kế kiến trúc.

Mặt khác, giới KTSCN cũng phải khép mình trong sự ràng buộc về giấy phép năng lực hành nghề, đạo đức ứng xử, phát triển nghề nghiệp liên tục… Cần có sự chuyển dịch về một môi trường làm nghề minh bạch, văn minh hơn. Vậy thì trước nhất giới KTS phải chứng tỏ mình làm nghề văn minh, tự nguyện khép mình theo một quy tắc ứng xử phù hợp với luật và cương lĩnh hành nghề chuyên nghiệp mà UIA cầm cân nảy mực thông qua Hội đồng KTSCN của mỗi quốc gia thành viên.

Các KTS châu Á đang gặp khó khăn trong hành nghề ngay tại vùng đất của mình

Các KTS châu Á đang gặp khó khăn trong hành nghề ngay tại vùng đất của mình

Kỹ năng hành nghề của KTS Việt Nam đương đại

Khi được mời có ý kiến so sánh trình độ chung của KTS Việt Nam và Úc, một KTS giám khảo người Úc có câu trả lời rất thú vị “có 2 hạng KTS, giỏi và chưa giỏi. Tất cả KTS giỏi đều giống nhau, không thể so sánh”. Có lẽ nên diễn giải ý này ở góc độ ứng xử của người KTS giỏi: “hiểu biết” đủ cặn kẽ mảnh đất và con người mà công trình sẽ xuất hiện; sáng tạo, nhào nặn và định hình.

Ý tưởng kiến trúc bằng một “văn hoá ứng xử” tinh tế. Ví von dễ hiểu, 2 bếp trưởng giỏi của 2 quốc gia, thật khó so sánh với nhau nếu bên này phải đọ nấu món truyền thống dân tộc của bếp trưởng bên kia!

Kiến trúc thế giới ngày càng nhích lại gần nhau bằng tính toàn cầu của vật liệu, công nghệ, thiết bị. Cách đây nửa thế kỷ, “chất lượng quốc tế” xuất hiện ở Việt Nam chỉ là vài trường hợp đặc biệt. Còn bây giờ, chất lượng quốc tế là con người và tổ chức hoạt động “bằng xương bằng thịt” trong cùng một thị trường kiến trúc xây dựng. Nói cách nào đó, nguồn nhân lực kiến trúc của chúng ta không còn cảnh “ếch ngồi đáy giếng” vời xa, mà đã và đang xâm nhập hẳn vào trong hơi thở hàng ngày. Thuận lợi còn được nhân nhanh, nhờ vào nhiều yếu tố*

  • Đó là thế hệ KTS trẻ được đào tạo, thực tập bài bản từ các quốc gia tiên tiến
  • Đó là lớp KTS trẻ, làm công việc thực tiễn ở các văn phòng tư vấn nước ngoài tại Việt Nam (thường tổ chức như văn phòng out sourcing).
  • Đó là “cánh tay quảng bá” với rất xa và sâu của các công ty toàn cầu, trao kiến thức công nghệ đến tận bàn làm việc và công trường xây dựng.
  • Đó là bước nhảy ngàn dặm của các phần mềm thiết kế, quản lý xây dựng tiên tiến, đóng vai trò “thần đèn” giúp cho nguồn nhân lực kiến trúc bản địa sở hữu kỹ năng hiện đại. Nguồn nhân lực đó thực sự đã hình thành, vận hành và đang làm lực lượng khai triển ngày càng quan trọng cho các công ty tư vấn quốc tế ở Việt Nam.

Sở hữu ngày càng đông những “chiến binh” thiện chiến. Vậy thì còn có khoảng cách nào làm cho giới chủ đầu tư và cả giới KTSCN Việt Nam phải tự ti?

KTS chuyên nghiệp, trách nhiệm và sáng tạo cá nhân, làm việc tập thể

Nhà hàng tre Bamboo Wing tại Flamingo Đại Lải resort - KTS Võ Trọng Nghĩa

Nhà hàng tre Bamboo Wing tại Flamingo Đại Lải resort – KTS Võ Trọng Nghĩa

Hội KTSVN là một trong chín thành viên của Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Đối tượng và nội dung hoạt động cốt lõi là sáng tạo nghệ thuật. Bản chất sáng tạo nghệ thuật đi từ tư duy cá nhân. Nhưng sản phẩm cuối cùng của kiến trúc là kết quả lao động tập thể có vai trò nhạc trưởng của nghệ thuật kiến trúc.

Sản phẩm của sáng tạo nghệ thuật kiến trúc, vì vậy, là sản phẩm đặc biệt. Yếu tố kỹ thuật thời đại trong tác phẩm kiến trúc có tỉ trọng ngày càng cao. Nhưng không thể lấn át vai trò của nghệ thuật. Nó chỉ đặt ra yêu cầu cao hơn, tinh tế hơn cho các giá trị ý tưởng, nhân văn mà thôi.

Nếu chúng ta có “chất lượng KTS chiến binh” ngày càng tốt hơn về kỹ năng, tại sao lực lượng kiến trúc chúng ta vẫn không được sự tín nhiệm của thị trường so với đồng nghiệp nước ngoài, lĩnh vực nhà nước lẫn tư nhân? Ít ra là trong các cuộc thi tuyển kiến trúc? Mặc dù trong thực tế, có chủ đầu tư tư nhân, muốn công trình thiết kế đã được chọn và xây dựng của KTS trong nước mang tên KTS nước ngoài để dễ làm ăn hơn?

Dù có xót xa, câu trả lời thoả đáng là: chiến binh thì có nhiều, nhưng sức mạnh tập thể của KTSCN chúng ta quá yếu ớt. Sẽ đề cập đến nguyên nhân khách quan và hướng khắc phục ở phần sau.

Còn ở phía chủ quan, giới KTSCN chúng ta đã không tròn trách nhiệm với nghề nghiệp, với đồng nghiệp, với lớp trẻ kế tục khi không đủ cháy bỏng và hy sinh vượt qua khó khăn tốn kém để hình thành và duy trì bền bỉ một tổ chức làm nghề tư vấn kiến trúc chuyên nghiệp từ hình thức đến nội dung. Ít nhất là vì ý thức trách nhiệm cơ bản sau:

  • Có văn phòng hoặc công ty kiến trúc với hình thức, quy mô và nội dung tổ chức có giá trị pháp lý đáng tin cậy.
  • Lưu trữ đủ thông tin, quá trình dự án, prochure năng lực… để chủ đầu tư tham khảo và xây dựng lòng tin vào dự án sẽ chọn giao.
  • Có năng lực lưu trữ hồ sơ công trình theo quy định pháp luật để có trách nhiệm lâu dài với các công trình đã thiết kế.
  • Tổ chức quy trình làm việc, check list, thư viện vật liệu, tư liệu thiết kế… đủ để phát huy giá trị lao động quá khứ và huấn luyện chuyên môn cho nhân sự mới.
  • Xây dựng lòng tự hào cho các lớp cộng sự, góp phần vun đắp nguồn nhân lực tiếp nối.

Không làm được những điều trên, mỗi KTSCN vẫn chỉ là một chiến binh đơn lẻ, không góp phần xây dựng được đội ngũ chung mạnh mẽ xứng tầm. Và giới KTSCN Việt Nam vẫn cứ giữ hoài vị trí loại 2, trên chính mảnh đất của mình.

Quyền hạn và trách nhiệm cá nhân, nhưng KTSCN không thể tự quyết định tất cả điều kiện làm việc của mình

Chính vì điều này mà Luật Kiến trúc ra đời. Luật có quy định trách nhiệm và quyền chịu trách nhiệm hành nghề KTSCN trong sự cân bằng lợi ích toàn xã hội. Trong đó, điều quan trọng bậc nhất là xây dựng và phát triển được nguồn nhân lực kiến trúc mạnh và kế thừa bền vững. Do đó, điều kiện làm việc của KTSCN không phải chỉ đủ sinh sống mà đủ đầu tư cho phát triển tay nghề, xây dựng kỹ năng tập thể và đào tạo nguồn nhân lực bền vững cho đất nước, từ từng văn phòng tư vấn nhỏ của KTSCN.

Quản lý nhà nước, hội nghề nghiệp kiến trúc, hội đồng hành nghề KTSCN đóng vai trò “bà đỡ”, tạo hành lang pháp lý vững chắc cho mục tiêu chiến lược này. Ít nhất là ở các nội dung xung yếu mà Luật Kiến trúc đã có đề cập (hoặc sẽ điều chỉnh):

  • Chương trình đào tạo ở các đại học kiến trúc phải được hiệp thương phê chuẩn của hội nghề nghiệp (3 đến 5 năm một lần).
  • Yêu cầu đăng ký thực tập đối với sinh viên tốt nghiệp đại học kiến trúc chọn hướng làm nghề KTS chuyên nghiệp trong tương lai.
  • Tổ chức minh bạch và hiệu quả việc sát hạch, cấp chứng chỉ hành nghề và tạo điều kiện kiến thức để xác nhận điểm tiêu chuẩn hành nghề liên tục.
  • Giải quyết hoà giải khiếu nại, tranh chấp theo quy tắc ứng xử nghề nghiệp, hướng tới môi trường hành nghề lành mạnh.
  • Xây dựng và công bố phù hợp theo thời kỳ bộ template thiết kế phí tối thiểu và nội dung các gói hợp đồng tư vấn chuẩn.
  • Xây dựng và công bố hệ thống chức danh trong hồ sơ thiết kế, tiêu chí xác định tác giả và ứng xử về quyền tác giả tác phẩm kiến trúc .
  • Xây dựng và công bố quy trình quản lý cấp phép hồ sơ kiến trúc (đầu tư công) phù hợp với đặc điểm lao động của từng gói tư vấn. Đặc biệt không bắt buộc với các gói thầu tư vấn kỹ thuật, thiết bị.
  • Xây dựng và công bố các loại dự án phải thi, nội dung và quy trình chuẩn thi tuyển kiến trúc công bằng, hấp dẫn và phù hợp thông lệ quốc tế.
  • Tạo điều kiện bắt buộc và bình đẳng cho hợp tác tư vấn 2 chiều trong nước và quốc tế, để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm cá nhân và tổ chức tư vấn, nhằm phát triển nguồn nhân lực kiến trúc quốc gia.
  • Có chính sách và cơ chế tặng danh hiệu quốc gia, vinh danh các nghệ sĩ KTSCN có thành tích xuất sắc.

Những nội dung trên, ít nhất sẽ xây dựng môi trường hành nghề lành mạnh để giới KTSCN Việt Nam cùng với Luật Kiến trúc tự tin gánh vác trách nhiệm dài hạn vì nền kiến trúc nước nhà.

Và luôn hiểu biết, cầu thị để đi ra biển lớn

Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh - KTS Nguyễn Trường Lưu

Nhà văn hóa thiếu nhi Thành phố Hồ Chí Minh – KTS Nguyễn Trường Lưu

Thời đại toàn cầu hoá ngày nay luôn ập tới nhanh chóng, bất kể ý chí của chúng ta. Hội nhập là áp lực tất yếu. Biết rõ con sóng đang tới, định vị được chúng ta ở đâu là xuất phát điểm để tạo niềm tin, củng cố bản sắc để không hoà tan trong vô vàn trào lưu, công nghệ thời thượng,…

Thử lấy một bối cảnh hội nhập hẹp là các quốc gia châu Á với tổ chức nghề nghiệp tương ứng là ARCASIA mà Việt Nam chúng ta là thành viên từ 1995. Hiện các công ty tư vấn kiến trúc Singapore, Malaysia, Thái Lan, Hồng Kông, Nhật… đã xuất hiện nhiều và hành nghề rất lâu ở Việt Nam.

Cuộc họp ARCASIA kết hợp diễn đàn của Uỷ ban hành nghề (ACPP) cuối năm 2018 tại Malaysia có chủ đề rất thời sự và thu hút nhiều sự chú ý của các nước thành viên: “Những tồn tại và thách thức với hành nghề KTS chuyên nghiệp ở châu Á”. Tất nhiên, ACPP đưa chủ đề diễn đàn lần này không phải là ngẫu nhiên – thực trạng hành nghề KTS ở châu Á đã bộc lộ những vấn đề chung để trở thành nội dung chuyên đề cho một kỳ họp, có thể mới chỉ là kỳ họp trong khởi đầu của chủ đề này.

Báo cáo của các quốc gia là để xác định mức độ của các vấn đề và thách thức môi trường hành nghề KTS chuyên nghiệp. Một số ít quốc gia có điều kiện kinh tế-xã hội phát triển như Nhật, Hồng Kông, Singapore, Hàn Quốc,… có vẻ ít phàn nàn các mặt tiêu cực hơn. Nhưng hầu hết còn lại có vẻ chỉ khác nhau ở “con sóng trên mặt hồ”, chứ “tầng nước bên dưới “ thì có nhiều mối tương đồng.

Từ những nước đã có luật KTS lâu năm như Malaysia, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan,… đến những nước còn đang bỡ ngỡ với hành nghề KTS (theo luật) như Việt Nam, đều dễ dàng chia sẻ những khó khăn thách thức giống nhau. Những vấn đề và thách thức sau đây được đề cập nhiều nhất trong diễn đàn:

– Chính sách của nhà nước không theo kịp diễn biến mới của thị trường gây khó khăn và bất bình đẳng cho giới KTS hành nghề chuyên nghiệp.

– Sự xâm lấn thị trường trong nước bởi KTS từ các nền kinh tế-xã hội phát triển hơn. Điều này cũng không ngoại lệ kể cả với một xã hội giàu mạnh như Singapore hay là Đài Loan.

– Sự xâm lấn nội tại bởi việc hành nghề bất hợp pháp, không tuân thủ đầy đủ theo luật định (kể cả các nước đã có luật KTS từ lâu).

– Sự xâm lấn nội tại của trào lưu thị trường sính kỹ thuật mới, vật liệu mới và công nghệ thiết bị hiện đại, hạ thấp vai trò (sáng tạo nghệ thuật) chuyên nghiệp của KTS.

– Sự ép buộc giảm giá thù lao thiết kế từ thị trường sính tiện nghi và công nghệ và cả giảm giá tự nguyện của giới KTS để tranh việc.

– Đầu tư thiết bị và công nghệ hỗ trợ thiết kế đắt đỏ so với khả năng cân đối chi phí và nhân lực (công nghệ BIM, in mô hình, chạy mô phỏng các mô hình kiểm tra kỹ thuật đồ án kiến trúc…)

– Tình trạng KTS nhận hoa hồng từ nhà thầu, nhà cung cấp ngày càng tăng vì thiết kế phí ngày càng không đủ bù đắp cho tổ chức văn phòng hoặc công ty tư vấn thiết kế kiến trúc chuyên nghiệp hiện đại. Điều này cũng đồng nghĩa KTS không khách quan, trong sáng bảo vệ giá trị kiến trúc cho chủ đầu tư và cho chính mình.

– Tình trạng KTS hợp tác làm design & build ngày càng nhiều. Vì kinh tế có vẻ đảm bảo hơn, cũng đồng nghĩa với việc xa rời thiết kế chuyên nghiệp.

– KTS bỏ hành nghề chuyên nghiệp, làm công việc khác trong hoặc cả ngoài ngành Kiến trúc Xây dựng…

Thật bất ngờ khi báo cáo của Hội KTS Thái Lan cho rằng chỉ khoảng 20% KTS (có giấy phép hành nghề) là còn duy trì hành nghề chuyên nghiệp!

Từ những nội dung được trình bày có tính thống nhất của nhiều quốc gia như trên, ACPP dự kiến trong thời gian tới sẽ tiếp tục củng cố dữ liệu để có những ứng xử tích cực nhất nhằm khắc phục tình hình tiêu cực của môi trường hành nghề KTS chuyên nghiệp ở châu Á.

Cụ thể nhất là sẽ sớm thống nhất ban hành các mẫu hợp đồng chuẩn được công nhận ở trong cộng đồng ARCASIA bao gồm sách trắng về nội dung tư vấn và thù lao tối thiểu tương ứng, làm cơ sở bảo vệ môi trường hành nghề ở mỗi quốc gia và hợp tác khu vực…

Tình trạng nêu trên là những thách thức khách quan của thời đại với hành nghề KTS chuyên nghiệp châu Á. Và để đi ra “biển lớn hội nhập”, chúng ta nhất thiết phải xác định mình bắt buộc đối mặt với thách thức kép: vừa tập dượt xây dựng môi trường hành nghề mới cùng Luật Kiến trúc, vừa cùng lúc chịu tác động của khủng hoảng khu vực và thế giới.

Vì lợi ích lâu dài cho giới KTSCN và cho cả nền kiến trúc, thái độ đúng đắn của chúng ta phải chăng là nhìn rõ và sẵn sàng chấp nhận thách thức?

Vì không có con đường nào khác sáng đẹp hơn!

Vì với Luật Kiến trúc, giới KTSCN cũng không còn lữ hành đơn độc!

KTS Nguyễn Văn Tất