15/03/2018

Các thành phố khu vực châu Á – Thái Bình Dương: Chú trọng xây dựng không gian sống xanh

Thực tế trước đây, các chủ đầu tư dự án luôn mong muốn xây cao ốc càng cao càng tốt để tối đa hóa số lượng căn hộ, tuy nhiên đến nay thiết kế của những tòa nhà lại chú trọng nhiều hơn vào cuộc sống của cư dân nhằm giảm tải áp lực cho các thành phố.


Không gian xanh công cộng ngày càng cần thiết cho cuộc sống của người dân đô thị.

Không gian sống thoải mái

Trước tình trạng các thành phố lớn trên khắp châu Á – Thái Bình Dương đang phải đối mặt với những tòa nhà cao tầng do sự tăng trưởng dân số, những dự án mới được thiết kế với nhiều cây xanh và không gian công cộng hơn, chú trọng đến yếu tố kết nối cộng đồng cho cư dân và môi trường xung quanh, nhằm mang lại lợi ích về sức khoẻ và xã hội.

Theo Hiệp hội Xây dựng Môi trường Bền vững của Australia, những yếu tố cần thiết cho không gian công cộng bao gồm sự an toàn, tính thoải mái, tính sống động và khả năng linh hoạt. Tận dụng thiết kế không gian của bờ sông Parramatta ở Sydney, những cư dân xung quanh đây có thể kết nối với nhau tại những khu vườn, công viên, hành lang đi bộ, hành lang xe đạp và khu vực nghỉ chân.

Hay như với mức độ quả tải ở Hongkong, các nhà phát triển đang cố gắng đưa không gian công cộng đến với cuộc sống cao tầng bằng những mảng xanh tương phản với đám đông của thành phố. Khu phức hợp Pavilla Hill là một điển hình, dự án mượn ý tưởng Wabi-sabi của Nhật Bản để tạo ra khu vườn giữa những tháp bê tông nơi người dân có thể thư giãn.

Làm việc trong môi trường đô thị

Đối với nhiều thành phố nơi có mật độ dân số cao, việc cải tạo môi trường trong những tòa nhà hiện thời sẽ phổ biến hơn là trong những dự án mới. Ví dụ, dự án phức hợp Capitol Singapore – một di sản văn hoá xưa ở Singapore gần đây được cải tạo thành khu nhà ở cao cấp với những không gian xanh được làm thủ công khéo léo, cùng với một bức tường nước và những khu vườn nhiều chủ đề đóng vai trò là ốc đảo đô thị cho cư dân.

Tương tự ở Tokyo (Nhật Bản), các căn hộ phong cách ‘danchi’ cũ, các tòa nhà dân dã được thiết kế lại để tạo ra không gian mở, tận dụng ánh sáng tự nhiên và thông gió, và kết nối tốt hơn với các khu vườn chung và công viên bên ngoài. Những thiết kế này bắt đầu thu hút những người trẻ tuổi quan tâm đến triết lý của danchi cộng đồng và tìm kiếm các giải pháp thay thế cho cuộc sống cao tầng hiện đại.

Tay Huey Ying – Trưởng phòng Nghiên cứu thị trường Singapore của Jones Langs Lasalle cho biết: Lối sống cao tầng là một điều tất yếu tại quốc gia này, nên nhiều chủ đầu tư và nhà phát triển không ngừng tìm giải pháp thay thế để giúp cư dân tương tác với môi trường tốt hơn.

Theo đó, các nhà hoạch định đã xem xét đến nhu cầu về loại hình nhà ở tại Singapore và nhà liền thổ vẫn được ưu tiên lựa chọn do nhu cầu được sống trong không gian thiết kế mở và những mảng xanh như vườn trên mái nhà của người dân.

Rất nhiều khu nhà ở xã hội của Singapore đã nhận thấy lợi ích của việc cải tạo. Một sân vườn hoặc có thể là sân chơi cho trẻ em hoặc khu vực tập thể dục cho cộng đồng để kết nối cộng đồng. Trong những khu nhà ở cũ, các bãi đậu xe mở cũng đang được chuyển thành bãi đậu xe nhiều tầng để tạo không gian cộng đồng ngay tầng trệt.

Tại Auckland, New Zealand, một phong cách cộng đồng mới được hình thành, dự án Grace Victoria Quarter thiết kế những căn hộ dành cho những người chuyển từ một ngôi nhà lớn đến, họ có thể đặt phòng trên tầng thượng và tổ chức những buổi tiệc tối riêng tư trong những ô sân vườn được đánh dấu, với tầm nhìn cảng biển rất thoải mái, năng động và an toàn.

Những thành phố đang được phủ xanh

Khi kích cỡ căn hộ tại nhiều thành phố lớn tại châu Á – Thái Bình Dương tiếp tục bị thu nhỏ, thì không gian xanh công cộng ngày càng cần thiết cho cuộc sống của người thành thị, thậm chí là họ tự xây dựng mảng xanh trong nhà riêng.

Các chuyên gia dự báo, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của các thành phố đang vươn tầm ra thế giới trong những năm tới thì vấn đề thiếu mảng xanh sẽ trở nên trầm trọng hơn.

Chính vì vậy, chính phủ các nước đang tích cực làm thay đổi không gian sống tại các thành phố lớn vì lợi ích của những không gian công cộng, nơi cư dân có thể thư giãn trong phạm vi họ sinh sống và làm việc.

Đơn cử, Singapore muốn mở rộng không gian xanh ngoài trời thông qua Chương trình Landscaping for Urban Spaces và High-Rises nhằm tăng số lượng các khu vườn đô thị và sân thượng. Thủ đô Jakarta của Indonesia đã dành riêng 22,5 triệu USD cho dự án tăng mảng xanh trong thành phố.

Tại TP Hồ Chí Minh (Việt Nam), Dự án Empire City mong muốn sẽ mang lại một cảm giác về vùng nông thôn nổi tiếng của Việt Nam hòa nhịp cùng trái tim đô thị với một khu vườn công cộng được gọi là Sky Forest ở hai phần ba tòa tháp 88 tầng.

Trong khi đó, Hongkong đang tạo ra nhiều không gian trên sân thượng để xây dựng các trang trại ở đô thị, thu hút người dân địa phương muốn tìm đến thiên nhiên và kết nối với cộng đồng xung quanh.

Một số ý kiến cho rằng, mục đích quan trọng nhất khi tổ chức không gian đô thị là tạo ra những điều kiện để có thể thỏa mãn mọi nhu cầu của cộng đồng dân cư nói chung của từng cá nhân nói riêng. Vì thế cần tận dụng tốt các đặc thù của cảnh quan chung quanh và bảo tồn – tôn tạo chúng, đưa những thành phần cơ bản của thiên nhiên như mặt nước, cây xanh, địa hình giả… vào trong cơ cấu không gian của khu dân cư.

Khi các thành phố châu Á – Thái Bình Dương phản ứng với thực tế của tốc độ đô thị hóa nhanh chóng, cần phải có những tư duy mới để bảo vệ và tối đa hóa không gian ngoài trời công cộng để đưa mảng xanh vào thành phố vì lợi ích của toàn bộ người dân…

Linh Đan/BXD