10/05/2022

Bộ Xây dựng đề nghị địa phương tháo gỡ vướng mắc để thúc đẩy thực hiện dự án bất động sản

Bộ Xây dựng vừa đề nghị các địa phương tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc nhằm hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội… để tăng nguồn cung nhà ở, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản.

Ảnh minh họa: Vân Ly

Theo số liệu từ Bộ Xây dựng, trong quí 1 vừa qua cả nước có 56 dự án bất động sản đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai, với khoảng 10.357 căn. Trong đó khu vực miền Bắc có 27 dự án với 3.870 căn; miền Trung 7 dự án với 2.746 căn; miền Nam 22 dự án với 3.741 căn.

Riêng tại thành phố Hà Nội, có 2 dự án nhà ở với 331 căn. Tại TPHCM có 5 dự án với 1.172 căn.

Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng, cho biết hiện thị trường bất động sản không còn hàng tồn kho. Hầu hết các dự án ra hàng đều tiêu thụ được. Hiện nhu cầu mua nhà để ở của người dân lẫn mua để đầu tư đều lớn. Thị trường thiếu nhà ở nghiêm trọng, nhất là các phân khúc nhà ở xã hội và nhà ở giá trung bình.

“Vấn đề đặt ra hiện tại là cần làm sao để tăng nguồn cung. Đề nghị các địa phương cần tháo gỡ thủ tục pháp lý cho các dự án để các dự án có thể triển khai được. Về pháp lý với các dự án, các địa phương một phần thiếu cơ sở để tháo gỡ nhưng cũng có một số địa phương chưa thực sự vào cuộc để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, ông Khởi nói.

Ông Khởi cũng cho biết Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ cần xem xét không nên hạn chế tín dụng đối với toàn bộ các dự án bất động sản. Để gỡ vướng về pháp lý Chính phủ đã đề xuất Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai….

Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương cần tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; rà soát, bổ sung quy hoạch đô thị, quy hoạch khu công nghiệp, bảo đảm dành đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Đồng thời thực hiện nghiêm quy định về việc dành 20% quỹ đất ở đã đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị để đầu tư phát triển nhà ở xã hội theo pháp luật về nhà ở.

Bên cạnh đó, cần thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, bất động sản. Đặc biệt là những dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương nhằm ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Bộ Xây dựng cũng đề nghị các bộ, ngành tiếp tục nghiên cứu trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, quy hoạch, xây dựng, đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh bất động sản… để tăng cường quản lý, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển thị trường bất động sản.

Cùng đó, nghiên cứu, rà soát, sửa đổi các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc đấu giá quyền sử dụng đất (pháp luật về đấu giá, đất đai, quản lý thuế) nhằm bảo đảm sự thống nhất và phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương

Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước mới có 44 địa phương đã ban hành chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 và chỉ có 9 địa phương đã ban hành kế hoạch phát triển nhà ở năm 2022. Việc ban hành chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương còn chậm so với yêu cầu.

Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, việc lập và phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương rất cần thiết để làm cơ sở triển khai các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở.

Chính vì vậy, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương xây dựng, phê duyệt chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2025 và giai đoạn 2022-2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và lập, phê duyệt triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.

Vân Ly/The Saigon Times