23/12/2016

Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu: Sẽ được nhân rộng

Đây là vấn đề được đề cập tại hội thảo tham vấn “Bộ chỉ số đô thị chống chịu với biến đổi khí hậu (BĐKH) tại Việt Nam và kết quả áp dụng thí điểm tại 5 đô thị” do Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), Quỹ Châu Á (The Asia Foundation) và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) tổ chức mới đây.

Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013 – 2020” (Đề án), được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 2623/QĐ-TTg ngày 31/12/2013. Theo đề án, Bộ Xây dựng được giao là cơ quan chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh thành triển khai thực hiện Đề án. Cục Phát triển đô thị được Bộ Xây dựng giao là cơ quan đầu mối thúc đẩy tổ chức thực hiện Đề án.

Căn cứ các nhiệm vụ của Đề án, để tăng cường phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với BĐKH và triển khai thí điểm tại địa phương, Cục Phát triển đô thị đã phối hợp với Quỹ châu Á (TAF) và Viện Nghiên cứu chuyển đổi môi trường và xã hội (ISET) triển khai Dự án xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với BĐKH tại Việt Nam (Dự án VN-CRI).

Mục tiêu của dự án VN-CRI là xây dựng và thử nghiệm chỉ số phục hồi đô thị (CRI) nhằm hỗ trợ các cơ quan chính quyền cấp địa phương và Trung ương tại Việt Nam nâng cao hiểu biết, đánh giá, giám sát và tăng cường khả năng phục hồi BĐKH.

Bà Trần Thị Lan Anh – Phó cục trưởng Cục Phát triển đô thị cho biết: Trong giai đoạn 1, Dự án đã triển khai xây dựng bộ chỉ số đô thị chống chịu với BĐKH tại Việt Nam, tổ chức đào tạo cho cán bộ địa phương liên quan và áp dụng thí điểm bộ chỉ số tại 5 đô thị trên cả nước gồm: Lào Cai, Quảng Ninh, Hội An, Gia Nghĩa, Cà Mau. Giai đoạn 2, Dự án sẽ tham vấn các bên liên quan để hoàn thiện bộ chỉ số và thực hiện các hoạt động Nghiên cứu áp dụng nhân rộng bộ chỉ số tại các đô thị thuộc danh mục Quyết định 2623/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Dự án đồng thời xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cho các đô thị tại Việt Nam và khuyến nghị lồng ghép vào hệ thống văn bản pháp lý để nâng cao nhận thức của lãnh đạo, cán bộ địa phương về lĩnh vực phát triển đô thị ứng phó với BĐKH. “Dự án mong muốn tiếp tục hợp tác có hiệu quả hơn nữa với các chuyên gia, tổ chức quốc tế, các đơn vị thuộc sở, ban, ngành, khối quản lý nhà nước hỗ trợ kỹ thuật, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực đô thị chống chịu với BĐKH”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

Bộ chỉ số VN-CRI tập trung đánh giá theo các phương diện: Sức khỏe phúc lợi; kinh tế xã hội; hạ tầng và môi trường; lãnh đạo và chính sách nhằm hạn chế những tác động của khí hậu tới đời sống và sinh kế của người dân. Ở mỗi địa phương, nhóm thực hiện dự án đều tổng kết và cho ra bảng kết quả chung cuối cùng, qua đó lãnh đạo chính quyền có thể nhận biết rõ hơn khả năng chống chịu với BĐKH tại địa phương mình.

Đại diện Quỹ Châu Á cho rằng, bằng cách thiết lập dự án VN-CRI trong bối cảnh phù hợp với nhiệm vụ của Bộ Xây dựng, các cơ quan địa phương và Trung ương sẽ được trang bị tốt hơn để hiểu biết, đánh giá và giám sát khả năng ứng phó với BĐKH của đô thị. Hơn nữa, bằng cách tích hợp các chỉ số với các quy định pháp quy đã ban hành của Bộ Xây dựng, dự án VN-CRI có thể khuyến khích các cơ quan địa phương lồng ghép nội dung phục hồi BĐKH vào quy hoạch, quản lý và phát triển đô thị. Dự án cũng đã định nghĩa một hệ thống các nhiệm vụ lõi và các chỉ số phục hồi đô thị đáp ứng được chức năng, nhiệm vụ của Bộ và hướng dẫn khả năng phục hồi trong chiến lược phát triển đô thị quốc gia.

Ghi nhận tại hội thảo cho thấy, 5 đô thị đang bước đầu triển khai dự án là Cà Mau, Hội An, Gia Nghĩa, Cẩm Phả và Lào Cai đã bước đầu đem lại những kết quả khả quan. Tuy nhiên, theo số liệu VN-CRI thu thập được cho thấy, khả năng chống chịu với BĐKH tại các đô thị này chưa cao. Bởi đa dạng sinh kế và cơ hội việc làm còn thấp, quy hoạch phát triển còn nhiều hạn chế. Những chỉ số này sẽ giúp các đô thị có thể tăng cường khả năng chống chịu với BĐKH bằng những điều chỉnh cần thiết.

Các chuyên gia cho rằng, bên cạnh việc điều chỉnh quy hoạch, cần có những giải pháp quan trọng như tăng cường đa dạng sinh kế cho người dân, bảo tồn các hệ sinh thái còn lại và từng bước khôi phục lại những hệ sinh thái đã mất như hệ thống sông ngòi, hồ điều hòa có nguy cơ bị xâm lấn trong quá trình đô thị hóa. Thông qua việc xây dựng bộ chỉ số này, mỗi địa phương sẽ đánh giá được điểm mạnh, điểm yếu, từ đó xây dựng cho địa phương khả năng chống chịu với BĐKH tốt hơn, đồng thời giúp địa phương phát triển bền vững hơn.

Quý Anh – Tuyết Hạnh/Báo Xây dựng