24/07/2018

Bê tông hóa “chặn đứng” đường nước chảy

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị về chuyện ngập úng, TS Phạm Sỹ Liêm – Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt câu hỏi: “Một xô nước đầy khi đổ xuống khu đất trồng cỏ và sàn bê tông, bên nào sẽ thấm nước nhanh hơn?”.

Đây thực ra cũng chính là câu trả lời dễ hiểu nhất, cho bài toán chống ngập đô thị đang được bàn luận sôi nổi mấy ngày qua.
Hà Nội đã có nhiều giải pháp để cải thiện hệ thống tiêu thoát nước. Vậy nhưng chỉ sau một ngày mưa lớn “ngập vẫn hoàn ngập”. Hiện tượng này xảy ra do nguyên nhân nào?
– Tốc độ đô thị hóa là nguyên nhân chính gây ngập úng ở Hà Nội. Cách đây chừng hơn 20 năm, một số vùng trong đô thị đã lấp ao hồ, nhánh sông để lấy chỗ mở rộng đô thị. Trong khi đó, hệ thống tiêu thoát nước mưa không đáp ứng được tốc độ đô thị hóa dẫn đến ngập úng ở một số điểm. Ở các TP có thời kỳ lịch sử phát triển lâu dài, đa số phải đi chung giữa nước thải và nước mưa. Khi đô thị mở rộng, việc chung đường ống này không thể đáp ứng được nhu cầu thoát nước và nước sinh hoạt, gây ra ngập úng cục bộ.
Một khó khăn nữa của Hà Nội là có cấu tạo địa chất không đồng nhất, có nơi cao, nơi thấp, có nơi đang bị sụt lún, nơi không bị lún. Ở những nơi địa hình thấp hơn, tình trạng ngập lụt rất dễ xảy ra với cơn mưa lớn trong 2 giời đồng hồ. Cấu tạo địa chất của Thủ đô rõ ràng cũng đặc biệt hơn một số đô thị khác nên không thể thực hiện giải pháp cục bộ, mà cần hệ thống giải pháp đồng bộ. Một đô thị đang có gần 8 triệu dân, với tốc độ đô thị hóa nhanh như Hà Nội, việc giải pháp triệt để chống ngập úng rõ ràng không đơn giản.
Vậy có hay không, trách nhiệm của tình trạng bê tông hóa “lấn át” tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng ở các khu đô thị mới, thưa ông?
– Thẳng thắn trả lời là có. Không ít DN địa ốc xây khu đô thị mới nhưng không kết nối với hệ thống thoát nước của TP, dẫn đến ngập úng. Thực tế, trong quy hoạch phân khu và chi tiết đã có đường thoát nước. Song phần lớn chủ đầu tư xây dựng khu đô thị mới ngại chuyện kết nối này. Vì họ phải đầu tư một khoản tiền tương đối. Do vậy, thường có sự nhùng nhằng trách nhiệm của chủ đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý. Trách nhiệm thuộc về ai đã rất rõ, vấn đề là thỏa thuận trong lúc thẩm định dự án cần phải rõ nét hơn, cần có chế tài để làm tốt hơn. Nếu không hoặc người trong đô thị đó sẽ phải chịu cảnh ngập úng, hoặc là khu khác phải chịu do khu đô thị mới xây cao hơn.
Theo ông, giải pháp tổng thể nào có để hạn chế được các điểm úng ngập cũ và giảm phát sinh các điểm ngập mới?
– Sẽ là bài toán cực khó nếu không có những giải pháp mang tính lâu dài. Luật Xây dựng hiện hành cũng quy định rõ các công trình xây dựng dân dụng phải tuân thủ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng. Nhưng, chính sách hiện hành mới quan tâm đến khâu lập, thẩm định và phê duyệt đồ án quy hoạch mà chưa có sự chú ý đúng mức cần thiết đối với quản lý thực hiện quy hoạch. Hậu quả là có sự cách biệt khá lớn giữa quy hoạch và thực tiễn phát triển của đô thị. Nói cách khác là quy hoạch mất chức năng kiểm soát quá trình phát triển của đô thị. Trường hợp còn bị động về quy hoạch, chừng đó tình trạng ngập còn khó giải quyết dứt điểm. Có chăng “bịt” chỗ này, lại “tòi” chỗ ngập úng mới.
Giả định, khâu quy hoạch, bê tông hóa đô thị được kiểm soát sẽ dễ thở hơn nhiều. Hà Nội vốn là TP nằm xa biển, xuôi hẳn về khu vực phía Nam nên lượng nước mưa sẽ đổ ra sông Hồng. Nếu TP hoàn thiện tất cả các giải pháp thoát nước đô thị, gồm nạo vét cống thoát nước, mở rộng và đào sâu thêm lòng hồ, cải thiện kết nối với khu vực phía Nam làm nơi thoát nước, tăng thêm máy bơm và công suất trạm bơm… có thể khắc phục được ngập úng.
Xin cảm ơn ông!
Gia Tuấn/Kinh tế Đô thị