01/10/2018

Bất động sản 2019: Lo ngại mất cân bằng cung – cầu

Theo Hiệp hội bất động sản TPHCM (HoREA), vấn đề đáng quan ngại nhất của thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2018 và trong năm 2019 là tình trạng mất cân bằng cung – cầu.

Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) dự báo tăng trưởng GDP năm 2018 của nước ta có khả năng đạt khoảng 6,9% cao hơn chỉ tiêu đề ra và GDP năm 2019 có thể đạt 6,8%.

images2231491_images2039093_207c9360_b22f_4f90_9bac_c266513de96d

 

Nhưng nền kinh tế nước ta phải xử lý 3 thách thức lớn nhất là lạm phát, căng thẳng thương mại có nguy cơ dẫn đến chiến tranh thương mại giữa một số nền kinh tế lớn và việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) nâng lãi suất cơ bản USD.

Dự báo thị trường bất động sản năm 2019 về cơ bản vẫn tiếp tục xu thế phục hồi và tăng trưởng. Phân khúc căn hộ trung cấp và căn hộ bình dân vẫn là phân khúc chủ đạo và phát triển bền vững của thị trường. Phân khúc bất động sản cao cấp sẽ hội tụ sự khác biệt với nhiều tiện ích, dịch vụ.

Yếu tố chất lượng, thông minh, xanh, thân thiện môi trường, an toàn, trước hết là an toàn phòng cháy chữa cháy được coi trọng. Bất động sản công nghiệp sẽ phát triển mạnh do xu thế nhà đầu tư dịch chuyển sản xuất vào nước ta, kéo theo nhu cầu văn phòng cho thuê, căn hộ cho thuê.

Vấn đề đáng quan ngại nhất của thị trường bất động sản những tháng cuối năm 2018 và trong năm 2019 là tình trạng mất cân bằng cung – cầu, do nguồn cung dự án bất động sản, nguồn cung sản phẩm bất động sản và số lượng giao dịch đã có sự sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm 2018.

Thị trường bất động sản đang kỳ vọng vào những nhân tố để có thể phát triển ổn định hơn trong năm 2019 như: Việc thực hiện hiệu quả Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu, trong đó có khoảng 60 – 70% được đảm bảo bằng dự án bất động sản để tái khởi động các dự án này tham gia thị trường.

Trước tình hình tín dụng bị thắt chặt, HoREA đưa ra các khuyến nghị với doanh nghiệp bất động sản để thích nghi với lộ trình hạn chế dần tín dụng vào thị trường bất động sản.

Cụ thể, các doanh nghiệp đang đứng trước thách thức về việc Ngân hàng Nhà nước thực hiện lộ trình hạn chế tín dụng vào thị trường bất động sản.

Nhưng đây cũng là cơ hội để tái cấu trúc doanh nghiệp, cơ cấu lại nguồn vốn đầu tư, giảm bớt dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay tín dụng nhằm phát triển doanh nghiệp ngày càng vững mạnh.

Vì vậy, HoREA khuyến nghị các doanh nghiệp cần đảm bảo hiệu quả kinh doanh, trước hết là đảm bảo chỉ tiêu lợi nhuận, doanh thu, chuẩn bị được quỹ đất dự án, chất lượng công trình, tiến độ thực hiện dự án, tính minh bạch trong quản trị doanh nghiệp… để đủ điều kiện tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng ngân hàng theo chính sách mới hiện nay và chuẩn bị sẵn sàng cho việc hạn chế tín dụng vào bất động sản dự kiến áp dụng kể từ ngày 01/01/2019 theo lộ trình của Thông tư 19/2017/TT-NHNN;

Các doanh nghiệp luôn luôn đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, đảm bảo chất lượng công trình, tiến độ thi công, bàn giao nhà, hình thành không gian sống xanh, thân thiện môi trường, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng, để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản (được huy động đến 70% giá trị hợp đồng nếu chưa bàn giao nhà; được huy động đến 95% giá trị hợp đồng nếu đã bàn giao nhà). Các doanh nghiệp cần quan tâm phân khúc thị trường nhà ở vừa và nhỏ (1-2 phòng ngủ), có giá bán vừa túi tiền (khoảng trên dưới 1 tỷ đồng/căn) đang là phân khúc chủ đạo của thị trường, có tính thanh khoản cao và bền vững.

Các doanh nghiệp cũng cần tăng vốn chủ sở hữu để tăng cường nội lực của doanh nghiệp, và coi trọng việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản trong nước hùng mạnh.

Khánh An/VnMedia