16/09/2021

Bất chấp đại dịch, giá nhà toàn cầu tăng ‘chóng mặt’

Thị trường bất động sản (BĐS) toàn cầu đang chứng kiến hiện tượng giá nhà tăng “chóng mặt” bất chấp đại dịch COVID -19 khiến chính phủ nhiều nước lo ngại về nguy cơ xuất hiện “bong bóng” BĐS.

Cách đây không lâu, các chuyên gia đã dự báo về một kịch bản tồi tệ nhất đối với thị trường BĐS toàn cầu do tác động của đại dịch COVID -19. Tuy nhiên, thực tế hiện tại lại khiến các chuyên gia phải đưa ra nhận định trái ngược. Bởi từ Anh, Canada đến ÚC, Mỹ và Trung Quốc, hiện tượng giá nhà tăng chóng mặt khiến người mua hoảng sợ.

Tại Anh, thị trường BĐS đang bước vào thời kì bùng nổ khi giá nhà tăng gần 9% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo các nhà tài chính, sự gia tăng được thúc đẩy bởi việc chính phủ nước này cắt giảm thuế mua nhà.

Theo đại lý bất động sản Hamptons International, gần ¼ số nhà ở Anh được bán trong vòng 1 tuần, thậm chí nhiều căn trong số đó “có chủ” trước khi được niêm yết trên các trang thông tin BĐS.

Hôm 1/9, đại lý BĐS Robert Luff & Co gây sốc khi rao bán một ngôi nhà 3 phòng ngủ cũ nát, ngập đầy rác và cỏ dại với giá 325.000 bảng Anh (tương đương 10,2 tỷ đồng) trên The Sun. Đây được cho là mức giá “điên rồ” nhưng vẫn có nhiều người tranh giành mua.

Ở Canada, thị trường BĐS tại Barrie – thành phố đang phát triển (cách thủ đô Toronto khoảng 1,5 giờ lái xe về phía bắc) đang mê man trong “cơn sốt” khi giá nhà được đẩy lên cao ngất ngưởng.

Điển hình là việc Kristin Cripps, nhân viên BĐS sau 24 giờ đăng bán ngôi nhà nghỉ dưỡng 1 phòng ngủ tầm thường đã nhận được 192 lượt đặt trước. 3 ngày sau đó, các nhà thầu và văn phòng môi giới liên tục đến xem nhà dù không đặt trước khiến con đường nhỏ hẹp dẫn đến ngôi nhà thường xuyên bị tắc nghẽn.

“Khoảng thời gian ấy lúc nào cũng có trên dưới 6 chiếc ô tô bị kẹt ở con mương gần đó và phải dùng xe cẩu kéo ra ngoài. Ở đỉnh điểm của cuộc chiến đấu thầu, cứ sau 20 phút tôi nhận được khoảng 75 email và không thể ngủ quá 2-3 tiếng một ngày vì phải trả lời thắc mắc của khách hàng gọi đến”, Cripps cho biết. Cuối cùng, ngôi nhà niêm yết với giá 399.000 CAD (tương đương 7,58 tỷ đồng) và được bán với giá gần gấp đôi là 777.777 CAD (gần 14,3 tỷ đồng).

Tại Úc, một ngôi nhà cách thành phố Sydney khoảng 7 km về phía bắc, không có các tiện ích cơ bản như điện, nhà vệ sinh, bếp, nền chưa lát và sơn chưa có nhưng đã được bán với giá 4,7 triệu AUD (3,5 triệu USD, tương đương 80,8 tỷ đồng), sau một phiên đấu giá khốc liệt.

Ngôi nhà cũ nát không có nhà vệ sinh, điện, bếp được bán với giá 80,8 tỷ đồng trong “cơn sốt” BĐS toàn cầu.

Theo BNN Bloomberg, hơn 1 nửa số ngôi nhà ở Sydney đã được bán trong năm nay giúp các chủ đầu tư thu về ít nhất 1 triệu AUD (hơn 17 tỷ đồng) lợi nhuận hàng quý và cao nhất trong hơn 3 thập niên qua.

“Tôi đã ở trong ngành này 25 năm và chưa từng chứng kiến “cơn sốt” nào như vậy. Chúng tôi nhận được 30.000 yêu cầu xem nhà trong 4 tuần từ UAE, Dubai, Mỹ, New Zealand và tất cả các quốc gia châu Á”, Joe Recep nhân viên môi giới chia sẻ.

Trong khi ở Mỹ, giá nhà đang tăng lên mức cao nhất trong 3 thập niên gần đây và đỉnh điểm rơi vào tháng 4. “Những người mua luôn cảm thấy nôn nóng, họ sẵn sàng làm bất cứ điều gì để đảm bảo có được thỏa thuận”, Shauna Pendleton – nhà môi giới tại Redfin cho biết.

Theo ước tính của Zillow về giá trị nhà ở, mua một ngôi nhà ở Boise (bang Idaho) tốn khoảng 469.000 USD (10,6 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ năm 2020 giá ngôi nhà là 335.000 USD (7,6 tỷ đồng). Tại Boone, NC, ngôi nhà bình thường đang được rao bán ở mức 362.000 USD (8,2 tỷ đồng) trong khi cùng kỳ năm trước là 269.000 USD (6,1 tỷ đồng). Từ dữ liệu của Zillow thì giá nhà trên toàn nước Mỹ đã tăng 15% trong năm qua, và đây là một con số kỷ lục.

Tại Trung Quốc, giá nhà ở các thành phố hầu như đều tăng. Trong đó giá nhà tại Thâm Quyến tăng mạnh nhất so với các thành phố ở đại lục khác và cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình của người dân.

Giá nhà ở Thâm Quyến (Trung Quốc) đang cao gấp 43,5 lần mức lương trung bình của người dân.

Điển hình là việc một dự án mới về nhà ở tại phía tây thành phố Thâm Quyến, dù chưa đưa ra giá thầu nhưng nhiều người đã chuyển tạm thời 1 triệu NDT (3,3 tỷ đồng) cho môi giới để “giữ chỗ”. Thậm chí một số còn xếp hàng dài ở các ngân hàng để chờ nộp tiền đặt trước dù đề nghị mua không được chấp nhận.

Robert S. Kaplan, Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Dallas (Mỹ) mới đây chia sẻ với The New York Times rằng ông vô cùng lo lắng khi theo dõi thị trường nhà ở. “Giá nhà đang tăng với tốc độ hai con số trong năm 2021 khiến người mua hoảng sợ”, ông nói. Trong khi các chuyên gia và Bloomberg Economics cho rằng sự “điên cuồng” của thị trường BĐS hiện tại giữa đại dịch COVID -19 đang lóe lên những dấu hiệu cảnh báo về bong bóng BĐS tương tự thời điểm xảy ra khủng hoảng tài chính năm 2008 khiến chính phủ nhiều nước lo ngại.

James Bullard, Chủ tịch của Chủ tịch của Ngân hàng Dự trữ Liên bang St Louis (Mỹ) thì cho biết ông đang gặp rất nhiều rắc rối với bong bóng nhà đất hiện tại vì nó đe dọa đến sự ổn định tài chính, trực tiếp ảnh hưởng đến vấn đề tiền tệ thế giới. Tuy nhiên, các biện pháp giảm nhiệt thị trường, ví dụ như siết chặt quy định vay thế chấp thường không mang lại tác dụng hoặc bị trì hoãn do giới chức các nước muốn duy trì đà khôi phục kinh tế.

Theo báo nước ngoài (CNN, BNN Bloomberg, BBC, Which, The Sun, The New York Times)