10/08/2018

Bất cập trong phân cấp quản lý di tích

Việc phân cấp quản lý di tích trong những năm qua đã góp phần thúc đẩy hoạt động xã hội hóa trong việc bảo tồn di sản văn hóa. Tuy nhiên, bên cạnh thành tựu đạt được cũng bộc lộ những bất cập, thậm chí tiêu cực trong công tác bảo tồn, làm xâm hại đến di tích.

bai chinh

Sai phạm tu bổ tại đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Thanh Loan. 

Con dao hai lưỡi

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng hơn 3.000 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và hơn 5.000 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, thành phố. Trong đó, hầu hết các di tích đều có niên đại xây dựng cách đây hàng trăm năm dẫn đến nhiều địa điểm đang rơi vào tình trạng hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, thậm chí mất dấu. Tuy nhiên, hiện nay việc dành ngân sách tu bổ chỉ ưu tiên đối với các di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc những di tích cấp tỉnh, cấp thành phố và hàng chục nghìn di tích khác không được tu bổ và chưa được xếp hạng do nguồn kinh phí hạn hẹp. Để “chữa cháy”cho thực trạng này, trong thời gian qua thông qua các nguồn “xã hội hóa” nhiều di tích đã được các địa phương chủ động tiến hành tu bổ, tôn tạo.

Thế nhưng bên cạnh những tín hiệu tích cực với tinh thần “Nhà nước và nhân dân cùng làm” việc “chữa cháy” này đang bộc lộ ra nhiều bất cập. Ở đó, các di tích dù đã huy động được nguồn lực về tài chính nhưng khi triển khai còn mang tính tự phát. Đặc biệt, mặc dù chính người dân được giao quyền làm chủ nhưng do thiếu sự tư vấn của các chuyên gia, bên cạnh sự lỏng lẻo của các đơn vị quản lý đã khiến nhiều di tích vốn đã xuống cấp lại càng trở nên “bi đát” hơn.

Đơn cử, như trường hợp đình Lương Xá (Ứng Hòa, Hà Nội) mới đây dù huy động từ nguồn xã hội hóa được đến 3,5 tỷ đồng để tu bổ nhưng đã vô tình biến di tích 300 tuổi thành một ngày tuổi. Trong đó, nghiêm trọng hơn là sự thờ ơ, tắc trách của chính những nhà quản lý văn hóa ngay tại địa phương. Bởi chỉ cách đình làng Lương Xá có 800 m là UBND xã Liên Bạt và cũng từng đó khoảng cách là UBND huyện Ứng Hòa và Phòng Văn hóa huyện Ứng Hòa. Tuy nhiên, chỉ sau khi các cơ quan thông tấn báo chí phản ánh lãnh đạo địa phương mới biết đến sự việc.

Thế nhưng câu chuyện của đình Lương Xá cũng chỉ là một trong số vô vàn các di tích đang trong tình trang “xếp hàng” đợi tu bổ hiện nay. Bởi thực tế ngay những di tích đã được xếp hạng, được đầu tư ngân sách việc giải bài toán tu bổ vẫn còn đó những tranh cãi, thậm chí đã kéo dài trong nhiều năm. Và dường như điệp khúc “di sản kêu cứu”, “di tích biến thành phế tích” tháng nào cũng được “vang lên”.

Như câu chuyện mới đây về di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Do Nghĩa (xã Sơn Vi, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) đang trong tình trạng bị xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt trong diễn biến phức tạp của mùa mưa bão, ngôi đình được cảnh báo rất có thể sẽ trở thành… phế tích. Hay di tích lịch sử hàng nghìn năm tuổi Cổ Loa loay hoay giải bài toán phát triển du lịch khi vẫn chưa giải quyết triệt để việc có các hộ dân vẫn đang sinh sống trên di tích… với nguyên do là “qua tay” quá nhiều đơn vị quản lý.

Thiếu thầy, thiếu thợ

Có thể thấy, trùng tu là vấn đề đáng phải bàn, đặc biệt là chất lượng trùng tu. Thực tế hầu hết các di tích sau khi trùng tu đều bị biến dạng nghiêm trọng hoặc bổ sung các yếu tố mới làm sai lệch nguyên dạng giá trị ban đầu. GS.TSKH Lưu Trần Tiêu- Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam nhìn nhận: “Nguồn nhân lực trong hoạt động bảo tồn di tích của nước ta phần lớn không được đào tạo chuyên sâu về bảo tồn, hệ quả là có biểu hiện nhận thức khác nhau về những nguyên tắc và quan điểm bảo tồn di tích”.

Cũng theo GS Tiêu, tình hình thực tế của lực lượng bảo tồn di tích hiện nay là tính chuyên nghiệp chưa cao, lực lượng phân tán. Người được đào tạo không được tham gia dự án bảo tồn di tích. Nhưng đa số các cán bộ quản lý di tích địa phương đều là kiêm nhiệm. Đáng lẽ ra họ phải được tập huấn, bổ túc những kiến thức chuyên sâu về khoa học bảo tồn. Nhưng phần lớn họ đều phải tự tìm hiểu, tự nghiên cứu và trau dồi kiến thức chuyên môn.

Còn dưới góc độ quản lý nhà nước, ông Trương Minh Tiến- Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội phân tích: “Vướng mắc chủ yếu ở khâu triển khai thực hiện. Một số địa phương triển khai tốt nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương triển khai chưa tốt, đặc biệt là ở cấp cơ sở”.

Theo ông Tiến, thực tế cho thấy, địa phương nào quan tâm di tích và có sự nhất quán trong quản lý thì tình trạng vi phạm di tích sẽ đỡ rất nhiều. Về phía các cơ quan quản lý nhà nước, phải thẳng thắn nhìn nhận là khâu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn triển khai Luật Di sản văn hóa, trong đó có công tác kiểm tra chưa được tiến hành thường xuyên, liên tục. Nếu có sự kiểm tra liên tục, chắc chắn hành vi xâm phạm di tích sẽ được ngăn chặn kịp thời chứ không rơi vào tình trạng “đã rồi” như một số vụ việc thời gian qua.

Việc phân cấp quản lý được quán triệt đến cơ sở nhằm nâng cao trách nhiệm quản lý của các cấp, tạo hệ thống chân rết vững chắc hơn chứ không phải “khoán trắng”. Để quản lý tốt, tôi cho rằng UBND các quận, huyện phải quan tâm nhiều hơn tới hệ thống di tích trên địa bàn, bao gồm cả các di tích đã xếp hạng và chưa xếp hạng. UBND các xã, phường, thị trấn có nhiệm vụ quản lý di tích về mặt an ninh trật tự, môi trường, đất đai, bảo đảm an toàn cho các hiện vật trưng bày trong di tích… “Đối với các đơn vị tham gia tu bổ, tôn tạo di tích, việc tôn trọng các quy định của pháp luật hiện hành về di sản văn hóa và cái tâm đối với di tích là những yếu tố có vai trò quyết định tới sự thành công của một dự án”- ông Tiến nói.

Tóm lại, di tích không thể “chuyển về” trung tâm lớn, nội đô, tỉnh lỵ, huyện lỵ, cũng không ở gần các cơ quan đầu não về quản lý văn hóa để… tiện qua lại kiểm tra, nhắc nhở. Đặc biệt, di tích, nhất là công trình tâm linh, tín ngưỡng lâu đời thì vốn nằm trong dân, đồng hành với đời sống văn hóa, mạch suy nghĩ, tình cảm của người dân từ truyền thống cho đến hiện tại. Chính các di tích đã và đang góp phần hình thành bản sắc của cộng đồng dân cư sở tại. Thế nhưng, một lúc nào đó, nó có thể bị chính cộng đồng ấy hay một phần trong đó gây nên sự mất mát, suy giảm giá trị. Để rồi, không dễ nhìn thấy ngay lập tức, sự đổ vỡ, mất mát ấy dần gây tác động xấu lên đời sống văn hóa, xã hội, lên cả lối nghĩ, cách làm, cách sống của con người.

Minh Quân/Đại đoàn kết