19/07/2017

Bảo tồn và khôi phục vòm cầu phố Phùng Hưng: Cần sự cẩn trọng

Hà Nội đang lên kế hoạch cho ý tưởng dỡ bỏ các bức tường xây bịt 127 vòm cầu phố Phùng Hưng, ý tưởng này được đa số người dân Thủ đô hưởng ứng. Tuy nhiên, việc trùng tu, cải tạo di sản kiến trúc Pháp sao cho hài hòa để biến không gian gầm cầu thành một địa chỉ văn hóa du lịch của Thủ đô cần sự cẩn trọng trong thiết kế và quy hoạch.


Ở những vòm cầu bị bịt kín, người dân tận dụng làm nơi trông giữ xe ô tô.

Tu bổ và cải tạo các di tích lịch sử chính là một hình thức tái đầu tư để phát triển. Hình thức thông qua du lịch là một việc làm hiệu quả nhất. Tại Hà Nội, mỗi công trình kiến trúc thời Pháp thuộc mang trong mình một giá trị lịch sử văn hóa riêng. Đầu thế kỉ 20, kiến trúc thuộc địa Pháp ở Hà Nội được ca tụng là thành phố đẹp nhất vùng Viễn Đông. Mỗi công trình kiến trúc biệt thự, khu phố Pháp, cầu, nhà hát… đều trở thành địa chỉ du lịch hấp dẫn cho du khách đến tham quan.

Nói đến Hà Nội, khách du lịch thường chỉ biết đến các di sản như cầu Long Biên, Nhà hát lớn, Hoàng thành Thăng Long, Chùa Trấn Quốc…chiếc cầu cạn đường sắt trên phố Phùng Hưng được xây cùng thời với cầu Long Biên nhưng hầu như bị quên lãng, cho dù vậy thì con phố cổ này vẫn mang một hơi thở của nhịp sống phố phường cho ai muốn đến khám phá hết các ngõ ngách của Hà Nội.

Dọc theo các vòm của tuyến phố Phùng Hưng kéo dài tới đầu Đầu Cầu (ga Long Biên) mang dáng dấp kiến trúc đặc biệt rất Pháp với những mái vòm cổ kính rong rêu. Do đoạn đường sắt dẫn từ ga Long Biên vào nội thành cao hơn so với nền đường bộ nên khoảng100 năm trước,người Pháp đã xây dựng cầu dẫn gồm 131 ô vòm. Phía trên các ô vòm là mặt đường sắt rộng khoảng 4m, nơi đây có đường ray ở giữa và chỉ phục vụ cho tàu hỏa chạy qua.Các ô vòm có độ rộng gần bằng nhau, chỉ khác về chiều cao. Ô đầu tiên cao chưa tới 2m, nằm trên phố Phùng Hưng, nhưng ô cuối cùng nằm cuối phố Gầm Cầu cao khoảng 6m. Hiện chỉ có 4 ô để thông làm lối đi và những ô này như một mạch nối thông với các phố, mang lại cho du kháchsự thú vị khi đến tham quan thành phố.Các ô vòm đều được lắp ghép bằng đá hộc và sau này được thành phố đánh số thứ tự để dễ quản lý.

Hơn 10 năm trước, thành phố đã cho xây bịt 127 ô vòm. Nguyên nhân là mỗi khi tàu đi qua tạo độ rung lắc, tiếng ồn. Gầm cầu cũng trở thành điểm tụ tập của nhiều thành phần gây mất an ninh trật tự. Sau khi bịt, đoạn dọc phố Phùng Hưng trở thành điểm trông giữ xe.Nếu đục thông các ô vòm sẽ có nhiều không gian, bởi mỗi ô có diện tích khoảng 16m2. Hà Nội dự kiến sử dụng diện tích này tạo thành phố sách hoặc không gian sáng tạo, mỹ thuật… Thành phố đã báo cáo Thường trực Thành ủy và giao UBND quận Hoàn Kiếm mời các chuyên gia nước ngoài nghiên cứu theo hướng phá thông 127 ô.

Với những công trình mang trong mình nhiều yếu tố văn hóa lịch sử này, việc ưu tiên giữ gìn yếu tố gốc phải được đặt lên hàng đầu. Công trình chỉ nên gia cố, tái định vịvà cải thiện không gian để diện mạo vốn có của công trình lịch sử không bị mất đi yếu tố gốc.

Về môi trường thiên nhiên, công trình di sản cần phải được khảo sát kỹ để bảo tồn, tránh các tác động có hại của môi trường thiên nhiên như gió bão, nắng nóng, độ ẩm. Ngoài ra, việc duy trì cảnh quan khu vực di sản như cây xanh được bố trí quanh khu vực cũng hết sức quan trọng.

Các nhà nghiên cứu, các kiến trúc sư đều đồng tình việc thông các vòm cầu trên phố Phùng Hưng bởinăm 2003, mạng kiến trúc Ashui.com tổ chức cuộc thi “Hà Nội 36 phố phường – Ý tưởng cho một góc phố đẹp”. Nhóm tác giả Trần Ngọc Hiếu, Lê Hồng Minh đoạt giải C với ý tưởng mang tên “Phố gầm cầu thức dậy”.

Đa phần các kiến trúc sư đều cho rằng: Không thể tự phát ai muốn làm gì thì làm mà phải xác định mô hình, xây dựng thiết chế văn hóa riêng cho khu này. Quan trọng là phải hài hòa, và cân nhắc lợi ích của các bên: Thành phố có thêm địa chỉ văn hóa, khách du lịch có điểm đến hay ho, nghệ sĩ được khuyến khích sáng tạo, người dân quanh đấy cũng phải có lợi ích thì họ mới chăm bẵm từng gốc cây, chiếc ghế. Vòm cầu chỉ là phần xác, hồn vía mới quan trọng.

Hạ Ly/BXD