22/11/2018

Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất.

Sáng 22/11, Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) đã tổ chức hội thảo “Quyền và lợi ích của hộ nông dân trong tích tụ và tập trung ruộng đất”. Đây là dịp để các đại biểu chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai cũng như bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tích tụ ruộng đất.
Tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Tháo gỡ khó khăn trong tích tụ ruộng đất. Ảnh: Thành Trung/BNEWS/TTXVN

Theo TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, đã đến lúc phải thực hiện tích tụ ruộng đất, từ đó thúc đẩy tái cơ cấu, tổ chức sản xuất theo hướng quy mô hơn, hiện đại hơn, thông minh hơn…Từ đó, tạo ra những sản phẩm có chất lượng tốt hơn đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

Theo nghiên cứu, các hộ nông dân có nhu cầu chuyển nhượng đất rất cao, bởi họ muốn chuyển nhượng đất để có tiền đầu tư việc khác mang lại thu nhập cao hơn; họ không có nhu cầu sử dụng đất nữa và chuyển sang ngành nghề khác. Tuy nhiên, nhu cầu nhận chuyển nhượng đất lại thấp vì có nhiều ràng buộc. Đặc biệt, hạn chế người có nhu cầu nhận chuyển nhượng đất quy mô lớn; quy mô nhận chuyển nhượng và thời hạn sử dụng cũng bị hạn chế.

TS. Nguyễn Đình Cung cho rằng, cần phải có các giải pháp để thúc đẩy tích tụ ruộng đất và điều đầu tiên, phải linh hoạt trong việc quản lý mục đích sử dụng đất, và có thể thu hẹp diện tích các loại đất. Cũng không nên áp dụng hạn điền mà thay vào đó là tính thuế. “Đây là việc mà tôi cho rằng cần thay đổi” – ông Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung, khi nông dân chuyển nhượng đất thì họ phải chuyển đổi được ngành nghề để tạo sinh kế mới và có thu nhập lâu dài hơn. Rõ ràng, việc phát triển các ngành nghề ngoài nông nghiệp cũng là một vấn đề cần quan tâm. Vì vậy, để thu hút lực lượng lao động ra khỏi lĩnh vực nông nghiệp thì phải phát triển mạnh hơn các lĩnh vực như công nghiệp, dịch vụ, du lịch… Đồng thời, phải đào tạo, hướng dẫn nông dân chuyển đổi nghề nghiệp, nghĩa là phải tiếp cận một cách tổng thể.

Ông Nguyễn Hữu Thọ, Phó ban phụ trách, Ban Chính sách Phát triển nông thôn (Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương) cho hay, khảo sát tại 3 địa phương thực hiện tích tụ ruộng đất là Hà Nam, Thái Bình, Ninh Bình cho thấy, quy mô tích tụ chủ yếu là 2 ha, cá biệt có hộ mua tới 15 ha. Hiện có 4 hình thức tích tụ gồm: hộ nông dân tự thuê đất của nhau; doanh nghiệp tự thuê đất của hộ nông dân theo cơ chế thị trường; doanh nghiệp thuê đất của hộ dân thông qua chính quyền; hợp tác xã làm đầu mối trung gian cho các hộ thuê đất của nhau.

Khảo sát cũng cho thấy, lợi ích của các hộ chuyển nhượng (bán ruộng) có thời gian làm việc khác, có tiền làm việc khác, bớt các khoản nộp theo đầu sào… Tuy nhiên các hộ này cũng lo lắng từ việc bán đất vì sợ sử dụng tiền bán đất không hiệu quả; không còn tài sản cho con cháu…

Đối với hộ mua ruộng thì sẽ có thêm đất dể mở rộng sản xuất; có cơ hội khi đất lên giá, thêm tài sản… Lợi ích trước mắt, lãi sẽ tăng thêm từ 2,2 – 7,5 triệu đồng/ha. Về lâu dài, cần chuyển từ hộ gia đình sang doanh nghiệp; thay đổi cách làm ăn từ nhỏ lẻ, sang quy mô lớn và chuyên nghiệp. Tuy nhiên, các hộ này cũng lo lắng về việc càng làm nhiều càng lỗ. Khi bị thu hồi giá bồi thường thấp, bán đất giá thấp sẽ bị lỗ.

Ông Thọ cũng đề xuất các giải pháp như điều chỉnh lại cách thức lập quy hoạch và nội dung quy hoạch nhằm phân cấp quản lý nhiều hơn cho chính quyền cấp tỉnh và huyện; tăng tính linh hoạt trong việc ra quyết định lựa chọn mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, kiến nghị bỏ quy định về thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp để giao hoặc cho thuê sử dụng ổn định lâu dài giống như đất phi nông nghiệp. Tuy nhiên, để thuận lợi cho việc xử lý những tình huống quan trọng thì cần bổ sung thêm các trường hợp được thu hồi đất nông nghiệp.

Đồng thời, cho phép các tổ chức kinh tế, hộ trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng có điều kiện quyền sử dụng đất trồng lúa. Tuỳ từng giai đoạn Nhà nước sẽ đặt ra các tiêu chí, điều kiện đối với doanh nghiệp khi muốn nhận quyền sử dụng đất lúa…

Theo ông Nguyễn Văn Vương, Phó trưởng phòng, Phòng Cây lương thực và cây thực phẩm, Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), việc tích tụ ruộng nhất nhằm mở rộng quy mô sản xuất, giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Nhưng, diện tích đất hiện còn manh mún, khó khăn đầu tư cơ giới hoá vào sản xuất.

Hiện nay, các hình thức tập trung ruộng đất vẫn theo hướng thành lập hợp tác xã, nhưng vẫn theo nền của hợp tác xã cũ nên còn nhiều hạn chế, khó phát triển. Đặc biệt là người đứng đầu các hợp tác xã. Thực tế, cũng có nhiều doanh nghiệp đang thực hiện đúng hướng trong việc tập trung đất đai để sản xuất theo quy mô lớn.

“Quan trọng nhất là phải phát triển được các lĩnh vực khác như công nghiệp, dịch vụ, du lịch… để thu hút lực lượng lao động nông thôn rời khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Từ đó mới có nhiều điều kiện để quá trình tích tụ ruộng đất phát triển” – ông Vương nói./.

Thành Trung/BNEWS/TTXVN