08/08/2016

Bắc Ninh: Bảo tồn không gian, kiến trúc làng trong đô thị

Bắc Ninh là nơi có nhiều làng cổ, làng nghề truyền thống, cũng là nơi có tốc độ phát triển đô thị nhanh nên mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển càng trở nên gay gắt hơn. Làm thế nào để bảo tồn và phát huy giá trị các làng truyền thống ở đô thị Bắc Ninh trong sự phát triển kinh tế thị trường một cách cân bằng và hiệu quả là vấn đề thực sự cấp bách và rất cần có những định hướng, giải pháp phù hợp.

Hội thảo khoa học Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh (giai đoạn 2015-2030) do ThS. Cao Văn Hà, Tỉnh ủy viên – Giám đốc Sở Xây dựng chủ nhiệm đề tài, được lãnh đạo UBND tỉnh và các nhà khoa học đánh giá rất cao tinh thần trách nhiệm cũng như tâm huyết của lãnh đạo Sở Xây dựng Bắc Ninh trong việc làm thế nào để bảo tồn không gian, kiến trúc cảnh quan làng trong lòng đô thị.


Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch TT UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Tiến Nhường phát biểu tại Hội thảo.

Theo Quyết định 60/2013/QĐ-UBND ngày 08/02/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Bắc Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển không gian đến năm 2030 đô thị lõi Bắc Ninh chủ yếu được hình thành trên cơ sở thành phố Bắc Ninh, thị xã Từ Sơn và huyện Tiên Du, đô thị lõi Bắc Ninh với 21 xã cùng 40 di tích lịch sử cấp Quốc gia, trong đó, có 09 đình; 14 chùa; 10 đền; 02 nghè; 01 văn chỉ; 01 khảo cổ; 01 lăng đá; 01 văn miếu; 01 nhà thờ. Và 44 di tích lịch sử cấp tỉnh, trong đó có 26 đình; 10 chùa; 03 đền; 01 khảo cổ; 02 nghề; 01 thành cổ; 01 nhà thờ.


Cổng của một ngôi nhà cổ.

Hiện nay, Bắc Ninh là địa phương có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội nhanh, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, vươn lên top đầu của các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ. Trước đây chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, Bắc Ninh đã chuyển sang phát triển công nghiệp – đô thị – dịch vụ; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Sự phát triển như vậy có được là nhờ kết quả của quá trình phát triển công nghiệp hóa. Bắc Ninh có 15 khu công nghiệp tập trung với tổng diện tích là 6.847 ha. Cùng với các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp làng nghề hình thành và phát triển trên tất cả các huyện, thành phố trong tỉnh là nhân tố cơ quản để tiến hành công nghiệp hóa. Nhiều làng nghề truyền thống được khôi phục, duy trì, đồng thời phát triển nhiều nghề mới, một số làng nghề xưa nay đã trở thành phường nghề, phố nghề trong nội thành, nội thị.

Bản sắc riêng cho đô thị Bắc Ninh tương lai

Tại Hội thảo, các nhà khoa học đều nhất trí cho rằng, đối với Bắc Ninh, “Bảo tồn không gian làng tức là phải bảo tồn được các công trình kiến trúc cổ, công trình công cộng cổ, những di sản lịch sử văn hóa như đình làng, chùa làng; các không gian cảnh quan “cây đa, bến nước, sân đình”, cổng làng, đường làng, bến bãi, lũy tre, nhà thờ họ… những nét đặc sắc về nếp sống văn hóa của làng.”

Theo TS.KTS Nguyễn Trí Thành, đối với Bắc Ninh thì quá trình đô thị hóa mới bắt đầu chưa lâu nên thành phố và nông thôn vẫn chưa bị va đập trực tiếp, sức ép từ đô thị chưa đến mức căng thẳng, nhiều làng vẫn giữ được những nét đặc trưng truyền thống của vùng văn hóa Kinh Bắc – đó là lợi điểm về thời gian và cơ hội cho các nhà chuyên môn nghiên cứu nhằm tìm ra những phương thức ứng xử phù hợp & hiệu quả để giải quyết vấn đề xung đột giữa làng & đô thị mà các thành phố lớn đã đang gặp phải. Việc sớm quan tâm đến vấn đề này cũng sẽ giúp cho các cấp chính quyền không chỉ của Bắc Ninh chủ động hơn trong công tác quản lý, tránh bị động trước sự phát triển của thực tiễn và không bị thúc ép bởi thời cuộc. Đang có sự không khớp về phạm vi nghiên cứu trong tên đề tài (“đô thị trung tâm tỉnh Bắc Ninh”) và trong nội dung (“khu vực được quy hoạch trở thành đô thị trung tâm” “đô thị lõi”). Do đó, cần thống nhất dùng thuật ngữ “đô thị trung tâm” thay cho “đô thị lõi” để phản ánh đúng thực tế mà không làm thay đổi bản chất của vấn đề. Việc duy trì tính cộng đồng là điều kiện đảm bảo để không gian làng không bị hỗn loạn bởi sự phát triển tự phát và tránh được tình trạng phi nhân tính của xã hội công nghiệp. Nhiệm vụ của việc nghiên cứu quy hoạch – kiến trúc không gian làng chính là tạo dựng môi trường phù hợp cho các hoạt động sống của cộng đồng, tạo điều kiện duy trì & phát huy tính cộng đồng của văn hóa làng để có thể quản trị bằng phương thức cộng đồng tự quản.

Để đô thị Bắc Ninh có bản sắc riêng, KTS Nguyễn Huy Phách (Sở Xây dựng Bắc Ninh) tâm đắc: Đô thị không tránh khỏi sự ồn ã, nhưng nếu như trong lòng thành phố có những nơi thanh bình và êm ả như một làng quê, cách xa sự xô bồ của phố xá sẽ là niềm mơ ước của bao người. Biết rằng là việc rất khó, nhưng đã đến lúc cần đầu tư nhiều hơn cả về trí và lực cho bảo tồn, cải tạo và phát triển bản sắc của đô thị Bắc Ninh trong thời đại mới. Để nét văn hóa độc đáo có từ hàng ngàn năm không bị phai nhạt và lãng quên, chúng ta hãy dành cho làng trong phố sự quan tâm thích đáng, bởi đó chính là những tế bào, nơi lưu giữ cội rễ, hồn người, hồn dân tộc.

Tồn tại và bất cập giữa bảo tồn, phát triển không gian làng

Phát biểu tại Hội thảo, PGS. TS. Lưu Đức Hải – Viện trưởng Viện nghiên cứu đô thị và Phát triển hạ tầng – Tổng hội Xây dựng Việt Nam đã gây được sự chú ý đối với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh và các đại biểu. Ông Hải cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại và bất cập giữa bảo tồn, phát triển không gian, kiến trúc, cảnh quan của làng.

Theo PGS. TS. Lưu Đức Hải, cái mà làng cổ nơi đây cần giữ chính là cảnh quan sinh thái nhân văn của làng cổ; thứ hai là cấu trúc không gian của làng cổ; thứ ba là các di tích tiêu biểu; và cuối cùng chính nếp sống, lối sống của người dân địa phương ở đây trở thành đối tượng hấp dẫn cho du lịch trong tương lai.


Giếng cổ làng Hiên Vân ngon ngọt nức tiếng do được đào trong ngách đá, hạn đến mấy nước vẫn trong tràn đầy.

Là một di tích đan xen với cuộc sống của người dân, nhưng những điều khoản về bảo tồn, phát huy giá trị làng cổ Bắc Ninh chẳng khác gì với việc bảo tồn một ngôi đình, ngôi chùa. Làng cổ cả nước nói chung và làng cổ Bắc Ninh nói riêng khi chưa được công nhận là di sản được coi là vùng nông thôn, ai muốn xây gì thì cứ thế mà xây, không phải xin phép. Khi trở thành di sản thì phải chịu sự điều chỉnh của cả Luật Di sản văn hóa lẫn Luật Xây dựng. Do vậy, dù là xây cái tường rào cũng phải xin phép, từ làm đơn lên thôn, lên xã, rồi lên huyện, lên Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, rồi phải được sự thỏa thuận Cục Di sản văn hóa, sau đó lại trình hồ sơ lên Sở Xây dựng… Nhân khẩu ngày càng tăng, nhu cầu tách hộ được mở rộng diện tích nhà ở ngày càng bức thiết nhưng vì là di sản nên không được phép xây dựng quy mô lớn. Còn muốn cải tạo thì phải làm kiểu cổ, vật liệu là gỗ, đá ong, ngói truyền thống… Làm một ngôi nhà như thế đắt gấp đôi nhà gạch bình thường, trong khi phần lớn người dân ở đây sống chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng. Vì quá bức bách về chỗ ở, trong thời gian qua, nhiều hộ dân tự ý cải tạo, xây dựng nhà ở không xin phép, gây mất cảnh quan, không được bảo vệ nguyên trạng về mặt bằng và không gian của di tích. Đây được coi là bằng chứng về sự “đứt gãy” trong quy hoạch Bắc Ninh nói riêng, sự sai chênh giữa bảo tồn với phát triển nói chung.

Chính vì chưa phân định một cách rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của từng cơ quan, ban ngành nên trách nhiệm quản lý việc cấp giấy phép xây dựng đối với từng loại công trình cụ thể tại các thôn, làng còn nhiều bất cập. Dẫn đến nhiều công trình xây dựng sai phép hoặc người dân tự ý xây mà không xin giấy phép, phần vì công cụ pháp luật không đủ răn đe, song đa phần là do thủ tục xin giấy phép xây dựng rườm rà, không biết xin ai, xin ở đâu? Đó là chưa kể đến muốn “xin” thì phải “cho”!

Một bất cập nữa là từ trước đến nay ta chỉ mải quan tâm tới bảo tồn các di sản mà quên đi mất người dân đang sinh sống trong những di sản ấy – họ chính là cái “hồn” của làng cổ. Chính vì vậy, nếu chỉ lo giữ những ngôi nhà cổ cùng không gian kiến trúc truyền thống mà coi nhẹ quyền lợi dân sinh của những người dân, thì khó mang lại kết quả như mong muốn trong công tác bảo tồn di tích. Thêm nữa, việc huy động các nguồn lực, hỗ trợ đầu tư từ ngân sách cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích còn rất nhiều hạn chế, kinh phí eo hẹp…

Người dân ở làng cổ Bắc Ninh còn thêm nỗi khổ vì mô hình phát triển du lịch. Theo thống kê, mỗi năm du khách kéo về thăm làng cổ Bắc Ninh không hề ít nên đời sống sinh hoạt của người dân địa phương bị xáo trộn đáng kể. Sống ngay trong nhà mình, nhưng chẳng có nổi một không gian yên tĩnh, nhất là những lúc ốm đau, mệt mỏi. Ấy vậy mà, những gì mang lại từ du lịch thì chẳng mấy người dân được

Đề xuất giải pháp

PGS. TS. Lưu Đức Hải đưa ra ý kiến, để bảo tồn không gian làng trong đô thị thì cần một hệ thống chính sách với những biện pháp như: Nhà nước mua lại để bảo tồn nguyên trạng những ngôi nhà thật sự tiêu biểu, điển hình; cho phép cải tạo các nhà khác để thích ứng với nhu cầu người dân; nhà xây phải có thiết kế phù hợp với cảnh quan chung; giữ gìn các khuôn viên, không gian công cộng và quan trọng là điều tiết cảnh quan không gian, hình thái chuyển tiếp của làng.


Lò sản xuất gốm nhà họa sỹ Bùi Hoàng Mai ngay trong làng.

Kiến nghị các cơ quan chức năng nên xây dựng bản đồ không gian làng truyền thống trên toàn thành phố, làm căn cứ xếp hạng, tiến tới xác định các cấp độ bảo tồn khác nhau cho làng cổ. Về mặt chính sách, nên linh hoạt, mềm dẻo, coi việc giữ được không gian, cảnh quan và các giá trị văn hóa, lịch sử của làng là mục tiêu cao nhất, đồng thời không thể coi nhẹ lợi ích của cộng đồng.

Khi đặt một vật thể mới bên cạnh vật thể đã tồn tại, thì phải có sự kết nối, bởi rất có thể nó không được chấp nhận bên cạnh công trình đã tích tụ văn hóa dày đặc, thể hiện ở việc công trình trở nên xa lạ với đời sống con người xung quanh. “Việc cấy ghép phải được thực hiện một cách hợp lý, để thực thể sống ấy chấp nhận mới có thể tồn tại. Điều đó cho thấy, với hoạt động trùng tu, sự tiếp nối, phát triển nhuần nhuyễn rất quan trọng, để không phá vỡ không gian vốn có. Và nhận diện được không gian văn hóa – kiến trúc một cách đầy đủ sẽ góp phần giúp di sản được bảo tồn tốt nhất”.

Để chặn đứng cơn lốc “bê tông hóa” làng cổ, cần có nghiên cứu sâu sắc trên nhiều góc độ, trong đó không thể thiếu những chính sách thiết thực đối với những người dân trong các khu làng cổ được bảo tồn. Bằng cách để người dân hưởng lợi ích từ nguồn thu phí khách tham quan các di tích mà mình đang bảo tồn. Chính quyền địa phương phải lập được quy hoạch tổng thể xây dựng làng cổ, bố trí đất giãn dân để cấp cho những gia đình trong diện phải bảo tồn. Cách bảo tồn làng cổ hay nhất là vẫn để cho làng cổ sống. Tức là biến làng cổ thành một bảo tàng sống, mọi sinh hoạt kinh tế, tín ngưỡng, lễ hội của người dân vẫn diễn ra bình thường. Như thế, chúng ta sẽ chiêm ngưỡng được làng cổ một cách toàn vẹn hơn thay vì biến nó thành những công trình bảo tàng khô cứng.

Còn ThS. KTS Ngô Trung Hải – Viện trưởng Viện Quy hoạch Đô thị và Nông thôn Quốc gia thì cho rằng: Bảo tồn không gian làng trong đô thị trung tâm Bắc Ninh xuất phát từ mục tiêu bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc. Chính vì vậy, vấn đề bảo tồn không gian làng phải được lồng nghép vào các hoạt động bảo tồn và quy hoạch của đô thị trung tâm Bắc Ninh trong quá trình xây dựng và phát triển.

Đô thị hóa là xu hướng tất yếu của một xã hội phát triển. Việc giữ gìn, phát huy các giá trị của không gian văn hoá làng trong trong đô thị ở thời điểm này là một khó khăn lớn. Nhưng làm sao để các làng cổ trụ vững, rất cần sự đồng thuận của cả chính quyền và nhân dân. Bảo tồn nhưng phải để văn hoá làng phát triển và những giá trị đã được khẳng định sẽ còn mãi. Điều này rất cần sự quan tâm xây dựng cơ chế chính sách của các nhà quản lý bởi muốn bảo tồn khả thi phải đảm bảo bằng các chính sách Nhà nước.

UBND tỉnh Bắc Ninh nên yêu cầu UBND thành phố Bắc Ninh cùng các sở, ban, ngành nhanh chóng tổ chức đối thoại, gặp gỡ, lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của nhân dân về công tác bảo tồn di tích; trong phạm vi thẩm quyền được giao, giải quyết ngay những vấn đề nhân dân đang bức xúc; những vấn đề khó khăn, vướng mắc, vượt thẩm quyền khẩn trương báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết.

Tào Khánh Hưng/Báo Xây dựng