28/11/2016

Ảnh hưởng của quy hoạch không gian đến hiện tượng ngập nước ở TPHCM

Trong một thời gian rất dài nhiều thành phố trên thế giới lấy giải pháp công trình là chính trong khi giải quyết vấn nạn ngập nước đô thị. Đó là việc tôn cao cốt nền, làm đê bao bảo vệ thành phố, thiết lập hệ thống đê chắn nước biển, nước sông từ xa, hệ thống đê chắn và chia cắt sóng biển, đào sông nhân tạo thoát nước, xây dựng hệ thống cống hộp thoát nước, hệ thống các hầm chưa nước tạm, hệ thống hồ điều tiết, hệ thống máy bơm công suất lớn,… cho đến nay không ai phủ nhận hiệu quả chống ngập của các giải pháp công trình và coi đó là giải pháp quan trọng nhất; tuy nhiên trong khoảng 10 năm trở lại đây một số thành phố nhận thấy các giải pháp phi công trình cũng có vai trò rất quan trọng, nó không chỉ là hệ giải pháp bổ xung mà còn giúp cho cư dân thành phố bị ngập dễ dàng hơn trong việc thích nghi với hoàn cảnh và giảm thiểu các rủi ro.


TP Hồ Chí Minh

Các tỉnh, thành phố có kinh nghiệm chống ngập như Rotterdam (Hà Lan), Quảng Đông (Trung Quốc) cũng đề cao các giải pháp phi công trình. Đó là việc thay đổi quan điểm trong quy hoạch không gian, lối sống, điều tiết dân số, giảm mật độ công trình xây dựng tại cộng đồng, giảm mức độ bê-tông hóa bề mặt, tăng cường khả năng tham gia tự điều tiết của hệ thống sinh thái  tự nhiên, thích nghi để sống chung hòa bình và thân thiện với tự nhiên, giáo dục ý thức môi trường, nâng cao ý thức công dân, tăng cường sự tham gia cộng đồng trong việc giảm thiểu mức độ ngập nước nội thị cũng như giảm thiểu tác hại của ngập nước gây ra cho cộng đồng dân cư, … Thực tế cho thấy các công trình chống ngập rất qui mô nhưng mau chóng bị vô hiệu hóa nếu không có sự hợp tác tốt từ công đồng dân cư. Trong số các giải pháp phi công trình thì giải pháp thay đổi quan niệm quy hoạch không gian theo xu hướng lợi dụng ưu thế tự nhiên để tăng mức độ thích nghi, giảm bớt rủi ro được coi là đầu tiên và quan trọng nhất. Quan niệm và phương cách quy hoạch truyền thống cho rằng quy hoạch và kiến trúc có quyền và có một sức mạnh lớn lao là tạo lập ra một thế giới tự nhiên với sự hỗ trợ của khoa học hiện đại, công nghệ-kỹ thuật tiên tiến từ đó có thể di chuyển và xắp xếp lại giang sơn, chính quan niệm này ít nhiều đã góp phần làm cho tình trạng ngập nước trầm trọng hơn.

Quy hoạch không gian được hiểu là sự lựa chọn vị trí, bố cục, xắp xếp và phân bổ khối lượng vật chất (nhà ở dân dụng, công sở, cơ sở dịch vụ, đường giao thông, thiết bị kỹ thuật,…) trên một măt phẳng bị giới hạn. Sự xắp xếp này có thể đưa đến thuận lợi cho đời sống nhưng cũng có thể gây ra khó khăn, có nhiều thành phố do lựa chọn vị trí định cư sai mà bị xóa sổ do tác động thiên nhiên, theo thống kê thì Trung Quốc đã có hơn 30 thành phố phải di chuyển vị trí định cư, và cũng có rất nhiều thành phố do quy hoạch sai mà dẫn đến ngập lụt quanh năm như Metro Manila (Philippines). Trong bài viết này tác giả chỉ trình bày một số trường hợp điển hình dẫn đến ngập lụt ở TP.HCM do quy hoạch chưa hợp lý, hoạt động quy hoạch này có những cái tồn tại từ lâu trong lịch sử, nhưng cũng có những cái mới có sau này, những sai lầm này sẽ trở thành bài học có ích nếu biết rút kinh nghiệm cho việc sửa chữa và các phát triển tiếp theo.

Phát triển các khu đô thị mới làm mất túi chứa nước của thành phố

Thành phố Hồ Chí Minh có độ dốc từ Bắc xuống Nam, cao ở phía Bắc (Đông Bắc và Tây Bắc) và thấp dần xuống phía Nam, hướng thoát nước là Bắc -Tây bắc-Đông Bắc xuống Nam-Đông nam-Tây Nam. Ngay khi hình thành một Sài Gòn hiện đại với quy hoạch kiểu châu Âu vào năm 1860, các nhà quy hoạch người Pháp như Coffyn, Pugnaire đã đưa ra một nguyên tắc là không được phép phát triển xuống phía Nam bởi đó là khu đất trũng(*). Khu vực phía nam (quận 7, Nhà Bè) này như túi chứa nước cứu nguy cho toàn thành phố khi mưa to, triều cường và nước từ các sông Đồng Nai, Sài Gòn đổ dồn về với lưu lượng lớn. Nếu xây nhà thì chỉ là thấp tầng, mật độ thưa và giữ nguyên các kênh rạch, đầm hồ để đảm bảo an toàn cho thành phố Sài Gòn. Nhưng rất tiếc là TP.HCM đã phát triển quá mạnh mẽ và quá nhanh về phía Nam, bắt đầu là khu dân cư Phú Mỹ Hưng (khởi công 1996 với hơn 350 ha). Tuy nhiên cần nhấn mạnh rằng bản thân Phú Mỹ Hưng không có lỗi, bởi vì trong quy hoạch Phú Mỹ Hưng, công ty tư vấn kiến trúc SOM (Skidmore, Owings & Merrill) đã tính toán khá kỹ lưỡng về cao trình, cốt nền, các hồ chứa nước được giữ lại và bù phần hồ và kênh rạch bị lấp cũng như khơi thông luồng thoát nước, nhưng sau khi Phú Mỹ Hưng thành công thì vùng đất trũng đầm lầy này trở nên nổi danh và các nhà đầu tư đổ xô về xây dựng vô tội vạ làm cho quy hoạch ban đầu của SOM bị phá sản và toàn bộ vùng đất trũng này bị đổ đất lấp kín với cao trình cao hơn các khu vực khác của thành phố, các kênh rạch bị lấp gần như toàn bộ. Hệ quả của việc phát triển sai hướng này là TP.HCM bị ngập nặng, lượng nước mưa và triều cường lúc trước được chứa ở túi nước phía Nam Sài Gòn thì nay bị đẩy sâu vào trong nội địa làm cho gần như toàn bộ thành phố bị ngập rộng và sâu, vào những lúc mưa đạt vào khoảng 70 mm gặp thêm triều cường dâng cao là hết phương cứu chữa, nhiều nơi chưa bao giờ bị ngập thì nay bị ngập nước với các cơn mưa chỉ ở mức trung bình như khu vực Ủy ban nhân dân thành phố, đường Lê Thánh Tôn, thậm chí Củ Chi, Thủ Đức là nơi cao nay cũng bị ngập nước. Hậu quả này không thể khắc phục được nữa và cũng chưa biết phải tính như thế nào trong một dự báo là khoảng 62% diện tích của TP.HCM sẽ nằm dưới mặt nước biển nếu như nước biển dâng lên 0.7 mét trong bối cảnh biến đổi khí hậu toàn cầu.

Để sửa chữa sai lầm này thì khu vực phía Nam Sài Gòn cần tiến hành gấp rút nguyên tắc “bù”, có nghĩa là phải bù lại phần đã bị lấp đi bằng các hồ điều tiết lớn và hệ thống kênh rạch mới nhằm khai thông dòng chảy từ trong nôi ô ra phía sông Sài Gòn, tuy nhiên những nỗ lực này nếu thực hiện được cũng chỉ giảm bớt phần nào ngập lụt nội thị, nhưng quan trọng nhất vào lúc này là lãnh đạo thành phố phải kiến quyết ngưng phát triển ngay các công trình lớn, các khu dân cư, các trục đường giao thông và các hoạt động làm bê-tông hóa bề mặt ngấm nước ở khu vực phía Nam, kể cả việc bê-tông hóa vùng Cần Giờ.

Quy hoạch và phát triển quá dày đặc các dãy nhà hình ống quá dày đặc đưa đến hậu quả không có đường thoát nước

Nhà hình ống chạy dài theo dãy (dải) là sự kết hợp của hàng nghìn căn nhà hẹp chiều ngang, thiên về chiều dài, chiều ngang thường chỉ từ 3 mét đến 4 mét và dài từ 12 đến 18 mét và liền kế vách nhau kéo dài nhiều km. Loại nhà nay do người Hoa di cư mang đến Việt Nam từ các tỉnh Phía Nam sông Dương Tử của Trung Quốc như Quảng Châu, Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến vào khoảng đầu TK 17. Ngày nay nó được coi là một kiểu nhà điển hình của các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội và TP.HCM. Đặc tính chung của chúng là các nhà dính liền nhau, chung vách tạo thành dãy, chạy cặp theo đường phố và trong các con hẻm, không cây xanh, không vỉa hè (nếu có thì rất hẹp), không có dải phân cách mềm (cây xanh, thảm cỏ) giữa đường đi và nhà ở, không có các vườn dạo, công viên mini xen kẽ giữa các dãy nhà cắt chia dãy nhà ra từng ô phố.

Trong một đô thị lớn thì hệ thống đường phố có một vai trò cực kỳ quan trọng trong việc phân phối luồng và dòng chảy tiêu thoát nước bề mặt, lúc này đường phố được hình dung ra như những dòng kênh cạn với chiều cao và chiều rộng hạn chế và do vậy mà bố cục hình thể trên các trục đường ảnh hưởng một cách đáng kể tới vùng ngập lụt, những nhà cửa, hình dạng khối của công trình, cách bố cục và cấu trúc nhà cửa cũng như các tiểu công trình trên đường phố (kiosque, buồng điện thoại, máy rút tiền, nhà vệ sinh, thùng rác, nhà chờ xe bus, ghế đá…) sẽ tác động tới dòng thoát nhanh hay chậm của nước. Chính việc quy hoạch và xây dựng các dãy nhà loại nhà ống này đã làm tăng thêm mức độ ngập nặng.

Điều này thể hiện:

– Các dãy nhà liên tục cặp hai bên trục lộ chính là hai con đê chắn nước ở hai bên trục đường lớn, không có khe hở để phân lưu chia lượng nước ra, mà phần lớn lượng nước bị lưu giữ lại ngay trên mặt đường biến các trục đường lớn thành các hồ chứa nước lâu ngày làm phá hỏng mặt đường. Các con đường như 3-2, Hùng Vương, xung quanh vòng xoay Phú Lâm, khu vực ngã tư 4 xã là những ví dụ điển hình cho trường hợp này với hình ảnh các con đường bị ngập nước kéo dài hàng tuần lễ, sau khi nước rút để lại một mặt đường bị hư hỏng với hàng trăm ổ voi, ổ gà loang lổ, bong tróc, nứt nẻ.

– Một số con hẻm nhỏ bắt từ trục đường lớn theo hình xương cá trở thành ống dẫn nước sang hai phía, nhưng rất tiếc phần kết của các con hẻm thường là một dãy nhà chắn ngang, hoặc là một vài chung cư, một nhà xưởng ở phần cuối như một tấm lá chắn, cho nên nước có dồn vào các con hẻm cũng không thoát được đi đâu, nước ngập bị tống ngược trở lại, những lúc triều dâng cao thì nước từ ngoài sông đẩy ngược vào khiến cho nước trong các cống dồn ngược lên khu dân cư (ống cống càng lớn, lượng nước trào ngược càng nhiều) khiến các hẻm và trục đường trở thành những ống cống chứa nước lộ thiên. Hiện trạng này có thể thấy ở các con đường trục như D2 – Văn Thánh, Ba Tháng Hai, Hùng Vương, Điện Biên Phủ, Nguyễn Hữu Cảnh, Lạc Long Quân, Nguyễn Văn Luông. Nếu nhìn một cách tổng thể thì các vùng ngập ở thành phố Hồ Chí Minh giống như những cái ống khổng lồ chứa nước không có đường thoát.

– Ở các thành phố dễ bị ngập nước thì các đường phố chính là các ống thoát nước, nhưng muốn nó trở thành ống thoát nước thì độ chênh của đầu và cuối con đường ít nhất phải từ 0,5- 0,7 mét, nếu không có độ dốc từ cao xuống thấp thì chính các con đường này lại trở thành các ao hồ, ống chứa nước giữa ngay lòng thành phố, ở Hà nội cơn mưa lịch sử (ngày 2 và 3 tháng 11/2008) đã chứng minh khi ngập thì hàng chục tuyến phố trở thành ao hồ trong thời gian từ 7-10 ngày, tình trạng này được cải thiện là nhờ hệ thống bơm chứ không phải là tự thoát. Khi nghiên cứu hiện tượng này chúng tôi liên tưởng tới hệ thống cống hộp mới đang xây dựng ở thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống cống khá lớn, nhưng cửa xả lại vẫn ở vị trí cũ, tức là ngang bằng hoặc dưới mặt nước sông, do vậy khả năng ngập sẽ trở nên trầm trọng hơn là điều có thật.

Tình trạng mô tả trên đây là hình ảnh phổ biến ở tất cả các con đường đang bị và sẽ bị ngập ở TP.HCM. Việc sửa chữa, khắc phục nó ở 12 quận nội thành dường như không còn có cơ hội nữa. Theo chúng tôi việc rút kinh nghiệm chỉ có thể thực hiện được ở các khu đô thị hóa mới, nhất là ở các quận Nhà Bè, Bình Tân, và các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Thủ Đức, Cần Giờ, Bình Chánh.

Những kinh nghiệm này là:

• Hạn chế dần để đi đến triệt tiêu loại nhà ống được thiết kế và xây dựng mới kéo dài cặp dọc hai bên các trục đường tạo ra các con đê chắn nước khi mưa lớn và triều dâng. Điều này có thể làm được ở các đô thị mới, ví dụ như đô thị Tây Bắc hay Đô thị cảng Hiệp Phước;

• Trong trường hợp không tránh khỏi thì dứt khoát phải tạo ra các dải phân cách mềm giữa đường và nhà. Đó là một dải cây xanh kèm theo thảm cỏ thấm nước, mương thấm nước lưu;

• Cứ một số căn nhà hình ống nên ngắt ra một khoảng trống để làm vườn hoa, công viên mini hoặc vườn dạo. Khoảng trống này không chỉ có tác dụng tạo ra không gian vui chơi, thư giãn, tiếp xúc xã hội mà còn là nơi giải quyết tình trạng ngập cục bộ, và tạo dòng tiêu thoát nước bề mặt. Ở một số khu vực dân cư cũ không nhất thiết phải đào đường đặt cống mà chỉ cần khai thông dòng nước chảy tràn trên bề mặt bằng cách bỏ bớt những vật cản chặn dòng chảy là được, chẳng hạn như mở rộng hẻm, bỏ bớt một phần hay một vài căn nhà làm sao cho dòng nước được khai thông từ bên trong ra tới kênh, rạch là được;

• Ở cuối các đường xương cá (đường nhánh) bắt từ đường trục  không được xây dựng các công trình làm cản dòng chảy (chung cư, bờ kè cao), cần duy trì hoặc tạo ra các hồ gom nước tạm sau đó dẫn ra sông, kênh rạch. Những hồ gom nước tạm này là nơi chứa nước từ trục đường lớn dồn về, kể cả khi cần sử dụng máy bơm nước thì chính các hồ gom này là nơi đặt máy bơm.

Xây dựng các công trình xây dựng có khối tích phần đế quá lớn và trọng lượng quá nặng làm cho các vùng trũng bị ngập

Trận mưa lịch sử ở Hà Nội đầu tháng 11/2008 và thực tế ở TP.HCM nhiều năm qua cho thấy ở những vùng trũng, đất nền yếu càng xây dựng nhiều công trình có khối tích và trọng lượng lớn thì khả năng ngập sâu và rộng càng nhiều. Chính các công trình này làm cho tình trạng lún đất càng cao và ảnh hưởng rộng. Các khu phố cũ được xây dựng từ thời Pháp thuộc không bị ngập mà các khu bị ngập nặng lại chính là khu dân cư mới với các công trình xây cất quá vĩ đại như ở Mỹ Đình, Trung Hoà-Nhân Chính,… Ở những vùng đất trũng như ở Nhà Bè, Cần Giờ của TP.HCM cũng đang diễn ra một kịch bản tương tự khi mà các khu dân cư mới với qui mô lớn vẫn đang hối hả mọc lên, thậm chí phường nào cũng có trụ sở UBND rất lớn chiếm diện tích bề mặt rộng. Chính vì vậy mà một khuyến cáo cần lưu ý là ở các khu vực có nên đất yếu và trũng thì giải pháp bơm cát tôn cao nền, xây dựng móng nổi cho các công trình lớn, thậm chí cho cả một khu vực hàng chục ha là điều không khuyến khích, vì như thế bản thân nó không bị ngập nhưng nó sẽ làm gia tăng mức ngập và chính nó sẽ bị bao vây bởi tình trạng ngập mà nó tạo ra.

Nâng cao mặt đường các trục lộ làm gia tăng mức độ ngập

Khi một khu dân cư bị ngập nước nặng do triều cường hay nước mưa thì hiện tượng phổ biến thường thấy là đường lộ lớn chạy qua khu dân cư này bị ngập sâu, hệ quả là tắc nghẽn giao thông, tai nạn thường xảy ra khi mặt đường nằm dưới mặt nước, mặt đường bị hỏng, xe cộ lưu thông bị ách tắc. Để khắc phục tình trạng này, Sở Giao thông công chánh sử dụng biện pháp quan thuộc nhất là nâng cao mặt đường. Cách thức này được coi là giải pháp chủ yếu nhất (cũng có thể là duy nhất hiện nay) khi áp dụng ở các con đường như Phạm Thế Hiển, D2, Ung Văn Khiêm, Nguyễn Văn Luông, Hùng Vương, Kha Vạn Cân, Nguyễn Hữu Cảnh… Sau khi nâng đường thì quả thật sự lưu thông trên trục đường được cải thiện tốt hơn, kể cả khi mưa to, ngập nặng. Nhưng điều mà các nhà công quyền đã không tính được hậu quả xấu của nó là:

– Việc nâng mặt đường lộ đưa đến hậu quả nặng nề hơn là khi các con đường này được nâng cao lên lập tức trở thành những con đê ngăn dòng chảy của nước, nhiều con đường cắt ngang dòng chảy làm đổi chiều dòng nước làm cho nước thay vì thoát xuống cuối nguồn theo chiều từ cao xuống thấp, từ mặt đường xuống các kênh, mương rồi chảy dồn về ao, hồ lớn rồi chảy ra sông thì nay lại bị dẫn ngược trở lại hay rẽ ngang không thoát ra được dẫn đến tình trạng nước tù đọng gây ô nhiễm môi trường. Một ví dụ điển hình là khu dân cư Ngô Tất Tố ngay gần bờ sông Sài Gòn, khu dân cư này năm nào cũng bị ngập vào mùa mưa và do triều cường, nhưng thời gian ngập không lâu và không sâu, bởi vì nước rút ra sông Sài Gòn theo các con kênh, rạch và mạch nước ngầm, nhưng từ khi đường Nguyễn Hữu Cảnh được gia cố mặt nền nhiều lần để trở thành một đại lộ lớn thì nó cũng trở thành một con đê không lồ chặn tất cả các dòng chảy từ trong khu dân cưu thoát ra bờ sông, và như thế tai họa đã giáng xuống người dân khu vực này phải sống trong biển nước dài ngày mỗi lần ngập. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra ở nhiều khu vực dân cư trong thành phố như ở khu vực Văn Thánh, Hiệp Bình Chánh, Thanh Đa, ở những nơi này dân trở nên khốn khổ hơn sau khi nâng cao các trục lộ.

– Việc nâng trục lộ thiếu tính toán đã đưa đến cuộc chạy đua nâng cao độ nền đường lộ, hẻm, và nên nhà không có hồi kết thúc. Một logic thông thường là khi mà các trục lộ lớn được nâng cao khiến các khu dân cư bị ngập, thì giải pháp kế tiếp là các hẻm phải được nâng lên bằng nguồn tiền “nhà nước và nhân dân cùng làm” hay huy động trong cộng đồng. Sau khi đường lộ và hẻm nâng lên thì ngay lập tức hình thành nên một hệ thống đê bao lớn nhỏ vây quanh các khu dân cư và hộ gia đình, và lúc này các khuôn viên mỗi nhà trở thành một ô chứa nước, do vậy để khắc phục tình trạng này đồng loạt các hộ gia đình buộc phải nâng nền nhà, có những hộ gia đình phải nâng nền đến 3,4 lần làm cho khoảng cách từ mặt đất đến trần của tầng trệt chỉ còn hơn 1m. Một logic thông thường nữa là công trình nâng sau bao giờ cũng phải cao hơn công trình trước đó để trừ hao phòng ngừa, vậy là một phản ứng ngược xảy ra là khi nền nhà dân và hẻm nâng cao hơn thì nước lại đổ dồn ra trục lộ, và cứ như thế cuộc rượt đuổi nhau trong việc nâng nền vừa mệ mỏi vừa tốn kém không biết đến bao giờ chấm dứt.

Kết luận

Ngập nước đối với các thành phố ven biển và cửa sông là một trong số các vấn đề nan giải mà các đô thị phải đương đầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu thì giải pháp “nhị nguyên” vừa chống đỡ vừa thích nghi được coi là tối ưu hơn cả, nhất là đối với đô thị lớn như Thành phố Hồ Chí Minh. Sự chấp nhận này như một định mệnh lịch sử, bởi vì không dễ gì di chuyển cả một thành phố với nhiều triệu dân sang một nơi khác. Chúng ta không hề hạ thấp vai trò cực kỳ quan trọng của các giải pháp công trình-kỹ thuật, những hoạt động ở cấp độ vĩ mô của chính phủ, của chính quyền thành phố, nhưng không coi đó là giải pháp duy nhất như một bùa chú vạn năng. Những giải pháp phi công trình tuy không quyết định vận mệnh của một thành phố trước ngập nước, nhưng nó cũng góp một phần đáng kể vào việc cải thiện tình hình, trong số đó việc thay đổi nhận thức và hành động trong công tác quy hoạch theo kiểu truyền thống sang quy hoạch thích nghi được coi là rất trong trọng trong bối cảnh hiện nay.

Bài viết là một phần trong kết quả nghiên cứu của đề tài trọng điểm Đại học Quốc gia TP.HCM: “Nghiên cứu tác động của các yếu tố dân số, tổ chức không gian sống và ý thức cộng đồng đến hiện tượng ngập nước đô thị tại TP.HCM” mã số B2007-18b-02TĐ, năm 2008-2009.

PGS.TS. Nguyễn Minh HòaKhoa Đô thị học và Quản lý đô thị, ĐH Khoa học xã hội và Nhân Văn, ĐH Quốc gia TPHCM

CHÚ THÍCH:

(*) Xem: Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn – “Ngập lụt và nhà ở tại các đô thị châu Á-Kinh nghiệm cho TP.HCM”. NXB Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, trang 113-120.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Quy hoạch thủy lợi phục vụ việc tìm kiếm giải pháp chống ngập lụt cho TP. HCM. tháng 3-2008
2. Đồ án quy hoạch tổng mặt bằng chung đến năm 2010. Chính phủ phê duyệt ngày 16-01-1993 theo quyết định 20/TTg;
3. Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020. Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 123/1998/QĐ-TTg ngày 10/7/1998.
4. Nguyễn Minh Hòa. Vùng đô thị châu Á và TP. Hồ Chí Minh, NXB TP. Hồ Chí Minh, 2005.
5. Trung tâm nghiên cứu phát triển Đô thị và Cộng đồng, Nhiều tác giả, Những vấn đề của phát triển không gian đô thị, NXB Đại học quốc gia TP. HCM, 2005.
6. Trung tâm nghiên cứu phát triển đô thị và Cộng đồng. Ngập lụt và nhà ở tại các đô thị Châu Á – Kinh nghiệm cho TP. Hồ Chí Minh. NXB TP. Hồ Chí Minh, 2006.
7. Viện quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh. Hiện trạng và dự báo phát triển dân số đến 2025. TP. HCM, 3-2005.
8. Viện kinh tế TP. Hồ Chí Minh. Thực trạng ngập nước tại TP. Hồ Chí Minh: Nguyên nhân và Giải Pháp. Kỷ yếu hội thảo, 8-2006.
9. MARD (2003). Living with floods in the Mekong River Delta of Vietnam. Proceeding of the International Seminar on Flood Management, Hanoi. 17-21 Nov. 2003, pp85-92.
10. Government of Vietnam (2001). Second National Strategy and Action Plan for Disaster Mitigation and Management in Vietnam – 2001 to 2020. Government of Vietnam, Hanoi.
11. Wickramanayake, E. (1994): Flood mitigation problems in Vietnam. Disasters 18, 81-86.
12. UNEP-MRC, Mekong River Basin Diagnostic Study Final Report, MRC Secretariat, 1997 p. 5-36.

(Bài viết được đăng trong Tạp chí Quy hoạch Đô thị số 10)