17/07/2023

Không gian cho Đất và Nước sau 25 năm quy hoạch Thành phố Bắc Sông Hồng (1998-2003)

Đầu tháng 6/2023, 3 huyện Mê Linh, Đông Anh, Sóc Sơn đã phối hợp tổ chức Hội nghị đề xuất ý tưởng quy hoạch thành phố phía Bắc sông Hồng, với sự tham gia các kiến trúc sư trong và ngoài nước. Trước đây 25 năm, Hà Nội đã từng có mô hình Thành phố mới Bắc sông Hồng.

Bắc sông Hồng – Không gian ngủ yên suốt Thế kỷ 20

Cầu Long Biên hoàn thành năm 1902, đồng thời ra đời một thị trấn nhỏ bên kia sông kèm theo một nhà máy hỏa xa và dân cư nội thành Hà Nội tăng đều gấp đôi sau mỗi năm, kinh tế cả xứ Bắc Kỳ thay đổi từ tự cung tự cấp sang sản xuất hàng hóa xuất khẩu: Đông ra cảng Hải Phòng đi quốc tế, Bắc lên tới Côn Minh sang Nam Trung Hoa. Tuy vậy vùng quê bờ Bắc sông Hồng vẫn êm đềm, mặc cho bên kia sông, Hà Nội đổi thay từng ngày. Trong các bản Quy hoạch Hà Nội được thực hiện các năm 1924, 1941, 1951: Hà Nội vẫn chỉ ở bờ Nam sông Hồng.

Năm 1986, Hà Nội có thêm 2 cầu Thăng Long, Chương Dương, nhưng bờ Bắc sông Hồng vẫn mờ nhạt trong quy hoạch Hà Nội. Thập kỷ 90, Hà Nội mở cửa đầu tư nước ngoài, văn phòng khách sạn liên doanh mới vẫn chỉ quanh trung tâm thành phố và Hồ Tây. Duy nhất khu công nghiệp Bắc Thăng Long do Nhật Bản đầu tư, tận dụng lợi thế đường sắt, thủy, bộ dẫn đến sân bay và cảng Hải Phòng.

Năm 1997, Deawoo bỏ ra khoảng 3 triệu USD để lập Dự án Thành phố Mới (Hanoi New Town) tại Bắc sông Hồng, họ thuê các công ty tư vấn hàng đầu thế giới như Bechtel, SOM, Rem Koolhaas (OMA) thực hiện. Quy mô 8.000ha, tổng đầu tư 40 tỷ USD. Dự án vẽ mặt nước sông Hồng đi sâu vào các không gian thuộc huyện Đông Anh, mặt nước mở rộng  nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại. Khủng hoảng Tài chính châu Á 1998 làm các nhà đầu tư BĐS nước ngoài suy sụp, dự án Hanoi New Town phá sản, nhưng nhiều nội dung dự án được đưa vào Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020, phê duyệt năm 1998 (gọi tắt là QHC 108). Trong bản Quy hoạch này, lần đầu tiên xác định Hà Nội mở rộng sang hai bờ sông Hồng, kết nối đôi bờ ngoài 3 cầu cũ Thăng Long, Long Biên, Chương Dương, có thêm 5 cầu mới. Sơ đồ mô tả diện tích mặt nước cây xanh lớn bao quanh các làng xóm cũ.

Nghiên cứu không gian làng xóm Bắc sông Hồng của Công ty Tư vấn Haskoning (Hà Lan) năm 2023; Quy hoạch sử dụng đất Bắc sông Hồng do Sở Quy hoạch Kiến trúc công bố năm 2004 cập nhật nhiều nội dung Hanoi New Town (1998)

Từng bước quy hoạch lấn sông làm đô thị trong 20 năm đầu thế kỷ 21

Năm 2003, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội được thành lập, ông Đào Ngọc Nghiêm là Giám đốc. Căn cứ vào QHC 108, Sở lập bản đồ Sử dụng đất 12 quận huyện, phần lớn nội dung dự án Hanoi New Town được biên chỉnh cập nhật vào Quy hoạch Sử dụng đất (phía Nam) huyện Đông Anh. Trong giai đoạn 2003-2008, Sở Quy hoạch Kiến trúc giao các dự án khu đô thị mới tại Bắc sông Hồng cho các chủ đầu tư nhỏ lẻ. Đáng chú ý là các dự án đô thị – bất động sản đã lan ra bãi ngoài đê Tằm Xá, Xuân Canh.

Bản đồ đánh dấu các dự án Khu đô thị mới – bất động sản tại Bắc sông Hồng. Nghiên cứu về đất và nước của tư vấn Rem Koolhaas (OMA) Hà Lan trong dự án Hanoi New Town (1998)

Năm 2007-2009, nhà đầu tư Hàn Quốc đề xuất dự án “Thành phố sông Hồng”, quy hoạch đô thị đoạn qua Hà Nội 40km, hàng ngàn ha đất bờ bãi ven sông, nằm trong 2 con đê sông Hồng được đề xuất để phát triển đô thị, làm công viên, dự kiến di dời 42 nghìn hộ dân (170 nghìn người) để xây thành phố bên sông trị giá hơn 7 tỷ USD. Dự án không thực hiện và đưa vào quy hoạch chung thành phố trong bối cảnh Hà Nội mở rộng địa giới hành chính vào tháng 8/2008 và bắt tay lập Quy hoạch mới. Sau 18 năm mở rộng, hàng trăm ngàn ha đất ruộng trũng, bán ngập bị san lấp để làm đô thị: nhiều đô thị mới ra đời, không ít dự án chiếm đất bỏ hoang và hàng chục triệu m2 nhà ở xây lên không có người ở – chỉ để đầu cơ mua đi bán lại… các nhà đầu tư bất động sản quay lại vùng đất Bắc sông Hồng, các bản vẽ quy hoạch thay màu xanh vùng đất cấm xây dựng ngoài đê thành màu vàng cam dân cư, đô thị, bất động sản.

Bản quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội công bố 2011 đã cập nhật một phần các dự án đô thị – bất động sản trong dự án “Thành phố sông Hồng” do nhà đầu tư Hàn quốc đề xuất 2009. Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng mô tả chi tiêt hơn các dự án đô thị – bất động sản ngoài đê sông Hồng – không có trong Quy hoạch sử dụng đất đã công bố năm 2004.

Năm 2019, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội (HUPI) lập quy hoạch dự án bất động sản “Smart City” rộng 272 ha, nằm một phần trong khu vực dự án “Hanoi New Town” tại Bắc sông Hồng đã công bố 1998.

Vị trí “Smart City” do HUPI thực hiện 2019 nằm trong Quy hoạch dự án Hanoi New Town (1998)

So sánh 2 phương án “Smart City” và “Hanoi New Town” cho thấy:

“Smart City” khai thác cạn kiệt đất đai, chia vụn mặt nước. Các dự án bất động sản bám theo trục giao thông một cách tầm thường, lại khu biệt, vây kín, chia cắt, phá hủy kết nối các khu dân cư hiện hữu. Quá chú trọng đến khai thác bất động sản mà không tận dụng lợi thế cảnh quan và bền vững môi trường tại khu vực này.

“Hanoi New Town” mang dấu ấn của các nhà quy hoạch Hà Lan rất có kinh nghiệm trong kiến tạo đô thị cân bằng hài hòa với nước: tiếp cận thông minh, mới mẻ khi đưa mặt nước sông Hồng đi sâu vào các không gian làng xóm truyền thống, kết nối hội nhập với hệ thống sông Thiếp Cổ, di tích Cổ Loa, đầm Vân Trì, Ngũ huyện Khê, sông Cà Lồ: phục hồi và phát triển hệ sinh thái cân bằng đất và nước tự nhiên. Các khu vực xây dựng tập trung có độ nén cao, giành lại nhiều không gian lớn cho cây xanh mặt nước, nâng cao giá trị của không gian đô thị hiện đại, đẳng cấp cao. Tổ chức không gian mạch lạc, tạo sự nổi bật rất hấp dẫn để thu hút đầu tư trong nước và quốc tế, đồng thời nâng cao chất lượng sống cho cả vùng dân cư rộng lớn phía Bắc sông Hồng, là mỏ vàng lưu trữ hàng tỷ mét khối nước sạch, giải cơn khát cho hơn 30 triệu cư dân lưu vực sông Hồng – Thái Bình mùa cạn kiệt.

Phương án “Smart City – 2019” khai thác cạn kiệt đất đai để phát triển bất động sản manh mún. Phương án “Hanoi New Town – 1998” mở rộng không gian mặt nước tạo nên hình ảnh đô thị hiện đại – sang trọng, có sức hút đầu tư giá trị vượt trội.

Hà Nội cần thông minh để phân biệt thành phố thông minh thật và giả

Hiện trạng các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn có nhiều dự án quy mô lớn nhưng mới quây tôn giữ đất, đắp chiếu hàng chục năm, có nơi chia lô bán nền xong vẫn chưa xây nhà, có nhà không có người ở… Năm 2023, các địa phương lại tiếp tục viện dẫn nhu cầu chủ quan để đề xuất quy hoạch thu hẹp đất nông nghiệp – đất công để làm đô thị tràn lan bất động sản tư hữu.

Tư vấn trong và ngoài nước đề xuất Quy hoạch sơ sài, không nghiên cứu xã hội, văn hóa, lịch sử. Tô màu đô thị lên nền các làng xã, ruộng vườn có lịch sử định cư hàng ngàn năm như vẽ trên đất hoang chỉ với mục đích tạo ra bất động sản để đầu cơ, hiệu suất sử dụng tài nguyên đất rất thấp.

Tư vấn Hàn quốc đề xuất thành phố Thông minh Sáng tạo theo mô hình thô sơ – lạc hậu: chuyển toàn bộ đất đai 3 huyện Bắc sông Hồng thành đất đô thị – bất động sản mà không hề có phương án khai thác lợi thế kinh tế địa phương để tạo động lực lâu dài sau khi bán hết đất. Hà Nội nhiều năm phát triển đô thị đất – chưa nghiên cứu chuyên sâu cân bằng tài nguyên nước. Rất hiếm những nghiên cứu Đô thị Nước Bác sông Hồng như của công ty Tư vấn Haskoning (Hà Lan)

Tương lai tươi sáng cho Hà nội là cần loại bỏ đô thị Đất – bất động sản rẻ tiền mà cần hội nhập vào dòng chảy của Đô thị Nước: Hiện đại – Bền vững – Sang trọng – Thân thiện

Tháng 6/2023 Thủ tướng Phạm Minh Chính tới thăm thành phố mới Hùng An ở Hà Bắc, nhân chuyến thăm chính thức Trung Quốc và dự Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF). Ông đánh giá mô hình này giải quyết được các vấn đề về quá tải hạ tầng, ô nhiễm môi trường và thiếu điều kiện sống đủ tiêu chuẩn cho người dân mà các đô thị lớn thường gặp phải. Thủ tướng cho rằng: “Đây là mô hình mà Việt Nam cần tham khảo trong quá trình xây dựng, phát triển đất nước“.

Tại Gia Lâm, Hà Nội cũng có dự án đô thị cao cấp lấy cảnh quan nước làm trung tâm rất thành công, thu hút những nhà đầu tư giàu có. Từ năm 1998 Hà Nội đã ấp ủ giấc mơi Thành phố Mới Bắc sông Hồng. Sau 25 năm, Hà Nội đủ thông minh để nhận ra đâu là thành phố Thông minh sáng tạo thật sự để loại bỏ những đề xuất mượn danh thông minh nhằm khai thác bất động sản kiểu cũ, lạc hậu, hiệu suất sử dụng đất thấp,thiếu sáng tạo.

Trần Huy Ánh – Ủy viên thường vụ Hội KTS Hà Nội, thành viên Hội đồng khoa học Tạp chí Kiến trúc Việt Nam – Viện Kiến trúc Quốc gia – Bộ Xây dựng