Cải tạo chung cư cũ: Người dân được chọn chủ đầu tư
Người dân được tham gia góp vốn, thậm chí lựa chọn chủ đầu tư để cải tạo chung cư cũ nơi mình đang ở. Đây là điểm nổi bật trong dự thảo Nghị định về cải tạo chung cư cũ, đang được Bộ Xây dựng lấy ý kiến đóng góp.
Chủ đầu tư năng lực kém sẽ bị ra rìa
Theo điều 12 dự thảo Nghị định cải tạo chung cư cũ (sau đây gọi là dự thảo Nghị định) thì người dân sở hữu nhà tại dự án cải tạo chung cư cũ có quyền: Được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh bất động sản đầu tư vốn hoặc góp vốn để xây dựng lại nhà chung cư; Được tham gia góp vốn cùng với doanh nghiệp kinh doanh bất động sản để triển khai dự án xây dựng lại nhà chung cư theo hình thức góp vốn bằng tiền hoặc bằng diện tích nhà ở, đất ở và tài sản khác gắn liền với đất trong phạm vi dự án (nếu có); Được lựa chọn hình thức bồi thường, bố trí tái định cư tại chỗ hoặc các hình thức bố trí nhà ở để phục vụ tái định cư và được xem xét hỗ trợ theo quy định tại Điều 14 của Nghị định này.
Đây là lần đầu tiên trong dự án cải tạo chung cư cũ cho phép người dân được chọn chủ đầu tư, bởi trên thực tế có những khu chung cư nhùng nhằng nhiều năm trời do không đồng thuận về mức đền bù, giải phóng mặt bằng. Đa số người dân đang sinh sống tại các khu chung cư xuống cấp, mong muốn góp vốn để dự án triển khai nhanh, miễn là chọn được chủ đầu tư đáng tin cậy và có năng lực tốt.
Tính đến nay, Hà Nội dẫn đầu cả nước với con số hơn 1.500 chung cư cũ, tiếp đến là Thành phố Hồ Chí Minh có 530 chung cư cũ. Nhưng đến nay, số chung cũ được xây mới tại Hà Nội chỉ là 14 và Thành phố Hồ Chí Minh là 38.
Dự án cải tạo xây dựng chung cư C4 Giảng Võ (Ba Đình, Hà Nội) được triển khai cách đây 5-6 năm, nhưng đến bây giờ vẫn chưa thể triển khai. Ông Trần Công Thanh, một người dân đang sinh sống tại chung cư C4 cho hay: Chán nản lắm rồi, tôi cũng không quan tâm là được đền bù, tính hệ số K là bao nhiêu nữa. Cư dân và chủ đầu tư vẫn chưa thể ngồi lại với nhau”.
Ông Trần Phương, sống tại tòa C4 Giảng Võ cũng cho biết: “Nếu chúng tôi mà được lựa chọn chủ đầu tư, chúng tôi chọn những ông nào mạnh, đáp ứng đủ nguyện vọng của người dân, ông nào kinh tế yếu sẽ bị ra rìa. Nghị định về cải tạo chung cư cũ của Nhà nước mà ra đời cách đây vài năm thì dân chúng tôi bớt khổ không”.
Chị Nguyễn Thùy đang sinh sống tại nhà A7 khu tập thể Tân Mai (Hoàng Mai) thì bày tỏ sự ủng hộ: “Điểm đáng ghi nhận trong dự thảo Nghị định của Bộ Xây dựng là vai trò chủ sở hữu các căn hộ chung cư được coi trọng và được tham gia trong suốt quá trình xây dựng lại chung cư. Các cá nhân, tổ chức có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất và tài sản khác gắn liền với đất trong dự án xây dựng lại nhà chung cư được tham gia lựa chọn doanh nghiệp kinh doanh BĐS đầu tư vốn hoặc góp vốn để xây dựng lại nhà chung cư”.
Bảo đảm sự tham gia của cộng đồng
Từ trước năm 2015, đối với các dự án cải tạo chung cư cũ, các địa phương chủ yếu thực hiện việc chỉ định chọn chủ đầu tư trước và giao các chủ đầu tư tiến hành điều tra, khảo sát và thực hiện lập quy hoạch khu vực cần cải tạo. Do đó, một số dự án chưa tạo được sự đồng thuận trong việc lựa chọn nhà đầu tư cũng như kế hoạch triển khai thực hiện dự án. Đây là một trong những nguyên nhân khiến các dự án không bảo đảm tiến độ đã đề ra.
Tại khoản 1 Điều 6 và khoản 3, 4 Điều 8 của dự thảo Nghị định cũng đã quy định việc công bố đại chúng về kế hoạch, quy hoạch cải tạo, xây dựng lại chung cư. Tuy nhiên, sự tham gia của cộng đồng không chỉ đơn giản là việc công bố kế hoạch, quy hoạch khi chúng đã được duyệt.
Bàn về vấn đề này, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị: Cơ quan chức năng bổ sung các điều khoản quy định về sự tham gia ý kiến của người dân, các tổ chức, cá nhân liên quan vào việc lập kế hoạch và quy hoạch cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ theo đúng mục 2, Điều 20, 21 lấy ý kiến về quy hoạch đô thị trong Luật Quy hoạch đô thị (Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12).
Tương tự, KTS Nguyễn Thị Hiền, chuyên gia tư vấn độc lập, cũng cho rằng: “Việc cải tạo các chung cư cũ nên nằm trong chương trình tổng thể của các tỉnh, thành phố. Chính quyền nơi đây cần tham vấn các chuyên gia, Hội Kiến trúc sư, nhà khoa học và phải có sự rà soát, lập ra kế hoạch toàn diện cho tất cả các chung cư và xác định rằng về mặt quy hoạch, chung cư nào được phép nâng tầng, chung cư nào giữ nguyên tầng, chung cư nào khi di dời đi thì di dời toàn bộ, để lại đất đó làm hạ tầng cơ sở, hạ tầng xã hội cho người dân”.
(Theo Bizlive)