Năm 2021, xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam đạt kỷ lục. Điều này phù hợp với cơ chế thị trường và thực tế, khi thị trường trong nước bị đóng băng do dịch bệnh, các doanh nghiệp xi măng trong nước đẩy mạnh xuất khẩu để duy trì công suất sản xuất xi măng.
Năm qua, tiêu thụ xi măng tại thị trường nội địa sụt giảm do tác động của Covid-19, khi nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp xi măng trong nước đã đẩy mạnh tiêu thụ qua kênh xuất khẩu, đó là lý do chính khiến sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu trong năm 2021 tăng đột biến.
Theo ông Phạm Văn Bắc, Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, sản lượng xi măng, clinker xuất khẩu cả năm 2021 đạt hơn 45 triệu tấn, trị giá gần 1,8 tỷ USD, giá xuất khẩu trung bình khoảng 39 USD/tấn. Trong đó, xuất khẩu clinker chiếm tỷ trọng lớn hơn nhiều so với xi măng. Trước đó, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu 38 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 1,46 tỷ USD.
Một số người hiểu xuất khẩu xi măng, clinker là xuất khẩu khoáng sản. Về việc này, Bộ Xây dựng đã có văn bản trả lời Bộ Tài chính cách đây 2 năm và khẳng định, clinker, xi măng là sản phẩm hàng hóa đã được gia công, chế biến sâu, thông qua quá trình sử dụng nhiên – nguyên liệu là khoáng sản để sản xuất.
Năm 2021, xuất khẩu xi măng, clinker đạt con số kỷ lục, do hoạt động xây dựng trong nước tăng trưởng thấp vì ảnh hưởng của đại dịch và nhiều yếu tố khác, dẫn đến sản lượng tiêu thụ bị hạn chế. Những năm trước, tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng đạt 7 – 12%/năm, nhưng năm 2021, xây dựng giảm, nên tiêu thụ xi măng, clinker trong nước giảm sút. Chính vì vậy, các doanh nghiệp sản xuất phải đẩy mạnh tìm thị trường xuất khẩu để duy trì công suất sản xuất xi măng.
Theo Quyết định số 1266/QĐ-TTg, ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược Phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2030 định hướng đến 2050, “Lượng xuất khẩu xi măng, clinker không vượt quá 30% công suất thiết kế”. Đó là định hướng của Nhà nước điều tiết lĩnh vực xuất khẩu xi măng, clinker nhằm duy trì việc đầu tư sản xuất trong nước và phục vụ trong nước là chủ yếu.
Ông Phạm Văn Bắc cũng chia sẻ, theo quy định của pháp luật Việt Nam, thì đến nay, chưa có mặt hàng nào bị cấm xuất khẩu và xi măng, clinker cũng vậy. Theo cơ chế thị trường và bối cảnh thực tế là các doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy, sản xuất ra sản phẩm, có đầu mối xuất khẩu, nên cũng không khó hiểu khi các nhà sản xuất tăng xuất bán ra nước ngoài vì tiêu thụ trong nước sụt giảm.
Trong cuộc họp Tổng kết ngành xây dựng cuối năm 2021, Bộ Xây dựng đã nhìn nhận lại tình hình sản xuất, kinh doanh của một số lĩnh vực, trong đó có vật liệu xây dựng và câu chuyện xuất khẩu clinker. Trong kế hoạch, đầu năm 2022, Bộ Xây dựng sẽ có văn bản khuyến cáo gửi các doanh nghiệp và Hiệp hội Xi măng Việt Nam để có những giải pháp chấn chỉnh, điều tiết trong việc xuất khẩu clinker.
Theo Nghị định số 101/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP và Nghị định số 57/2020/NĐ-CP, sẽ điều chỉnh tăng thuế xuất khẩu từ 5% lên 10% nhằm hạn chế xuất khẩu tài nguyên không tái tạo.
Báo Đầu tư