14/01/2021

Khách thuê văn phòng có xu hướng cắt giảm chi phí, chuyển sang toà nhà có giá thuê thấp hơn

Theo báo cáo quý của CBRE Việt Nam, một vài tòa nhà Hạng B trong Quận 1, Tp.HCM ghi nhận tỷ lệ trống tăng do mức giá ở đây cao và các khách thuê cũng trả lại mặt bằng.

Đơn vị này cho rằng, thị trường văn phòng Tp.HCM vẫn tiếp tục gặp khó khăn khi tình hình hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Theo các giao dịch thực hiện và thu thập bởi CBRE, 27% số giao dịch đến từ việc thu hẹp diện tích từ các khách thuê, tăng 12 điểm % so với năm 2018.

Trong năm 2020, tỷ lệ trống Hạng A được ghi nhận ở mức 18,1%, tăng 9 điểm % so với năm trước do có nguồn cung mới cũng như một số khách thuê trả lại mặt bằng để ra khỏi thị trường hoặc để chuyển qua những tòa nhà có giá thuê thấp hơn. Tỷ lệ trống Hạng B cũng ghi nhận tăng lên mức 9,1%, cao hơn 4,1 điểm % so với năm trước do có tòa nhà Friendship Tower và Opal Office Tower mới đi vào hoạt động. Thêm vào đó, một vài tòa nhà Hạng B trong Quận 1 ghi nhận tỷ lệ trống tăng do mức giá ở đây cao và các khách thuê cũng trả lại mặt bằng.

Mặc cho tình hình dịch Covid-19, theo CBRE thị trường văn phòng Tp.HCM vẫn tiếp tục ghi nhận thêm ba tòa nhà văn phòng mới trong năm vừa qua, với tòa Frienship Tower (Hạng B) hoạt động vào Quý 1, tòa nhà UOA Tower (Hạng A ngoài trung tâm) và Opal Tower (Hạng B) được bàn giao cho khách vào Quý 4 với tổng diện tích cho thuê mới là 65.372 m2. Tính đến Quý 4/2020, thị trường văn phòng Tp.HCM có tổng cộng 1.422.486 m2 từ 18 tòa nhà Hạng A và 68 tòa nhà Hạng B.

bat dong san van phong

Trong năm vừa qua, giá thuê Hạng A giảm 5,3% so với năm trước do tòa nhà UOA Tower nằm ở khu vực ngoại vi gia nhập vào thị trường với mức giá chào là 23 USD/m2/tháng, chỉ bằng một nửa so với giá trung bình Hạng A của toàn thị trường. Bên cạnh đó, một số chủ nhà chủ động điều chỉnh giá chào xuống để thu hút khách thuê mới nhằm lấp đầy những diện tích trống mà khách thuê cũ trả lại. Một vài chủ nhà cố gắng duy trì giá chào cao nhưng lại linh hoạt hơn về mức giá chốt, có thể giảm giá lên đến 20 – 25% so với giá chào bên cạnh các điều khoản thuê linh hoạt Covid-19 đã thay đổi cơ cấu nguồn cầu của thị trường văn phòng.

Nếu trước đây vào những năm 2018 và 2019, không gian làm việc linh hoạt chiếm lĩnh thị trường khi dẫn đầu nguồn cầu thuê văn phòng thì trong năm 2020 gần như rất ít các giao dịch ở mảng này. Thay vào đó, các ngành như Bán lẻ/Thương mại/Thương mại điện tử, Công nghệ thông tin và Sản xuất là ba nhóm ngành dẫn dắt nguồn cầu với 53% trên tổng số các giao dịch được thực hiện và thu thập bởi CBRE Việt Nam trong năm vừa qua. Do dịch covid-19, việc sử dụng công nghệ và mua hàng trực tuyến trở nên thông dụng hơn bao giờ hết, điều này đã giúp các doanh nghiệp Thương mại điện tử tiếp tục mở rộng trong năm qua.

Theo đơn vị này, dịch bệnh cũng đã thay đổi các chiến lược sử dụng bất động sản của khách thuê. Trước đây, nhân viên thường chủ yếu làm việc tại văn phòng nhưng hiện tại họ đã linh hoạt hơn khi làm việc tại nhiều nơi khác nhau. Theo một cuộc khảo sát thực hiện bởi PwC, các khách thuê có xu hướng tái cơ cấu lại không gian làm việc theo mô hình kết hợp giữa việc làm tại văn phòng và ngoài văn phòng, bên cạnh việc điều chỉnh giảm mật độ chỗ ngồi trong văn phòng. Bằng cách này, các khách thuê có thể tiết kiệm một khoản chi phí thuê văn phòng nhưng vẫn duy trì được hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp cũng như đảm bảo được sức khỏe của nhân viên.

Dự kiến trong năm 2021 và 2022, thị trường văn phòng sẽ có hơn 150.000 m2 từ sáu tòa nhà mới là Pearl 5 Tower, Cobi Tower, The Graces, Saigon First House, Spirit of Saigon và Etown 6. Trong hai năm tiếp theo, với hy vọng dịch bệnh được kiểm soát tốt nhờ có vacccine, tình hình hoạt động của thị trường văn phòng sẽ trở nên tích cực hơn dù có nhiều nguồn cung mới. Giá chào thuê của cả hai hạng vẫn ổn định với tỷ lệ trống giảm dần theo năm. Cụ thể, tỷ lệ trống Hạng A dự báo đạt lần lượt là 16% và 13% trong năm 2021 và 2022. Tỷ lệ trống Hạng B đạt 12% và 7% cùng thời điểm dự báo.

Hạ Vy/Kinh doanh & Phát triển