Phát triển đô thị xanh, thông minh và bền vững
Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội xác định phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại. Theo đó, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ mới.
Phải làm tốt công tác quy hoạch, phát triển đô thị
Có thể khẳng định, các kết quả đạt được về công tác phát triển đô thị của Hà Nội trong nhiệm kỳ vừa qua rất đáng kể, đó là: Diện mạo Thủ đô có nhiều thay đổi, ngày càng sáng, xanh, sạch đẹp hơn; khang trang, văn minh, hiện đại hơn; hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được quan tâm đầu tư; công tác quy hoạch, xây dựng và quản lý đất đai, quản lý đô thị, trật tự, an toàn giao thông… được tăng cường. Tuy vậy, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội (Nghị quyết Đại hội XVII) thẳng thắn nhìn nhận: Một số mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ trong công tác quy hoạch của thành phố chưa đạt yêu cầu về tiến độ đề ra. Tỷ lệ đô thị hóa thấp, phát triển đô thị chưa đồng đều và chưa tương xứng với tiềm năng; tỷ lệ đất dành cho giao thông, tỷ lệ vận tải hành khách công cộng, xử lý ô nhiễm môi trường không khí, kiểm soát và xử lý nước thải… chưa đạt kế hoạch.
Vì thế, Nghị quyết Đại hội XVII đã xác định phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, với quyết tâm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô. Đáng chú ý, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị tiếp tục kế thừa giai đoạn 2015-2020, được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Tuy nhiên, nếu như Nghị quyết Đại hội XVI xác định: “Làm tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; xây dựng, quản lý, phát triển đô thị và xây dựng nông thôn mới, gắn với quản lý tốt tài nguyên, cải thiện chất lượng môi trường”; thì Nghị quyết Đại hội XVII quyết nghị rõ nét hơn: “Tiếp tục đẩy mạnh công tác quy hoạch, xây dựng, phát triển đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững”.
Như vậy, giai đoạn 2020-2025, công tác phát triển, hiện đại hóa đô thị được xác định theo hướng bền vững, thông minh, hướng tới nâng tầm chất lượng cuộc sống người dân. Để làm được điều này, Nghị quyết Đại hội XVII nêu rõ 5 chỉ tiêu về quy hoạch, đô thị, nông thôn và môi trường, như: Tỷ lệ đô thị hóa 60-62%; tỷ lệ diện tích phủ kín của các quy hoạch chung, quy hoạch phân khu đạt 100%; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt đạt 100%;…
Nâng tầm chất lượng cuộc sống
Triển khai Nghị quyết Đại hội XVII, Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Trúc Anh cho biết: Sở xác định tập trung vào 6 nhiệm vụ. Một là, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp nhất về quản lý quy hoạch – kiến trúc – xây dựng – phát triển đô thị; tập trung phủ kín quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, hoàn thiện các công cụ quản lý (quy chế, quy chuẩn, chương trình phát triển đô thị…) để nâng cao chất lượng quản lý quy hoạch, đô thị. Hai là, huy động các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng đặc biệt đối với các đồ án, công trình quy mô lớn. Ba là, thực hiện đồng bộ hóa quy hoạch xây dựng với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch giao thông, quy hoạch mạng lưới, ngành lĩnh vực, bảo đảm công tác quy hoạch đi trước một bước để kiểm soát phát triển đô thị. Bốn là, từng bước nâng cao năng lực đội ngũ tư vấn, quản lý nhà nước trong nước. Năm là, kiểm soát chặt chẽ việc điều chỉnh quy hoạch. Sáu là, nâng cao chất lượng cảnh quan môi trường.
Về phía Sở Xây dựng Hà Nội, Giám đốc Võ Nguyên Phong chia sẻ: Trên cơ sở kế thừa các giải pháp đã thực hiện khá hiệu quả trong nhiệm kỳ 2015-2020, Sở Xây dựng tiếp tục tham mưu UBND thành phố kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép Hà Nội tiếp tục thực hiện mô hình thí điểm thành lập các đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND các quận, huyện, thị xã; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét, công nhận chính thức lực lượng này trong các văn bản quy phạm pháp luật. Đồng thời, báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành Nghị quyết quy định mức xử phạt vi phạm trật tự xây dựng theo hướng tăng thêm.
Xác định xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại trước hết phải có hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại và thông minh, Giám đốc Sở Giao thông – Vận tải Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, Sở xác định thực hiện đồng bộ 6 nhóm nhiệm vụ giải pháp chủ yếu. Cụ thể là: Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch; tăng cường công tác duy tu, bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông; phát triển vận tải hành khách công cộng; ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành giao thông; tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho người tham gia giao thông; tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông.
“Trong 5 năm tới, Sở tập trung giải quyết một số yêu cầu về đầu tư các tuyến đường, công trình giao thông khung kết nối khu vực đô thị trung tâm với 5 đô thị vệ tinh và kết nối Thủ đô với các tỉnh, thành phố thuộc vùng Thủ đô, thông qua các tuyến đường hướng tâm như: Quốc lộ 1A, 3, 6, 21, 21B; các trục: Tây Thăng Long, Ngọc Hội – Phú Xuyên, đường trục phía Nam; đường vành đai 3,5, vành đai 4, vành đai 5; các cầu vượt sông như: Tứ Liên, Hồng Hà, Mễ Sở, Ngọc Hồi…”, ông Vũ Văn Viện thông tin.
Còn theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, để thực hiện mục tiêu xây dựng thành phố xanh, hiện đại, phát triển bền vững, Sở tiếp tục kiến nghị sự chỉ đạo, lãnh đạo của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố để thực hiện việc rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý, sử dụng đất đai; triển khai các giải pháp trước mắt và lâu dài để khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường.