Các kiến trúc sư có xu hướng chú ý đến từng chi tiết tạo nên một dự án, có thể là vật liệu bao phủ mặt tiền, điểm tiếp giáp giữa các tầng khác nhau, cách cánh cửa mở, loại khung cửa sổ, kết cấu bê tông, và hơn thế nữa. Nhưng một chi tiết thường không được chú ý và điều đó tạo nên sự khác biệt rất lớn trong thiết kế nội thất là len chân tường (hay có tên gọi khác là nẹp chân tường, hoặc phào chân tường).
Chân tường là nơi tiếp giáp giữa tường và sàn, cũng là nơi tiếp xúc nhiều với sự tích tụ của bụi bẩn, hơi ẩm và các chấn động do bàn chân, ghế, chổi, máy hút bụi gây ra. Vì vậy, len chân tường có chức năng bảo vệ chân tường và cung cấp sự hoàn thiện công trình. Ngoài tính thẩm mỹ và chức năng kể trên, một số len chân tường có thể đảm nhận nhiều vai trò hơn, như giấu hệ thống dây điện hoặc thậm chí đường ống của hệ thống sưởi ấm.
Trong môi trường bệnh viện, len chân tường cần nhận được nhiều sự quan tâm hơn. Ví dụ trong phòng chăm sóc đặc biệt và phòng phẫu thuật, len chân tường phải được làm sạch hoàn toàn để tránh mọi loại nấm và vi khuẩn sinh sôi. Các nguyên tắc phải được tuân theo trong từng trường hợp cụ thể, tuy nhiên về tổng thể, len chân tường tồn tại bốn lựa chọn chính như sau:
Len chân tường ốp
Là loại phổ biến nhất, những tấm len chân tường này dễ lắp đặt nhất, thường bằng cách dán hoặc đóng đinh vào tường. Khi sàn hoặc tường không được hoàn thiện tốt, đây có thể là lựa chọn thích hợp nhất để mang lại tính thẩm mỹ hơn cho tổng thể nội thất.
Gỗ là vật liệu truyền thống nhất cho việc ốp chân tường. Nhưng hiện tại có những công ty sản xuất ván chân tường bằng MDF, nhôm, PVC, và thậm chí cả polystyrene tái chế. Các lựa chọn rất nhiều, phù hợp cho các thiết kế từ phức tạp nhất đến tối giản nhất. Tuy vậy, do len chân tường ốp nhô ra, một số bụi bẩn có thể tích tụ lại.
Len âm chân tường
Không giống như len chân tường ốp ở trên, loại len âm chân tường này không bị nhô ra mà hoàn toàn phẳng mặt với tường (ốp chân tường chìm).
Do đó, nó hoàn thành chức năng của một tấm len chân tường mà không gây tích tụ bụi bẩn và mang lại lớp hoàn thiện tối giản hơn. Tuy nhiên, việc lắp đặt len âm chân tường đòi hỏi người thợ phải cẩn thận hơn và chi tiết hơn trong quá trình triển khai.Lên chân tường nổi
Phần len chân tường lộ ra hoặc nổi lên khiến phần tiếp giáp giữa sàn và tường thụt vào, nên tạo cảm giác như bức tường đang nổi lên. Để đạt được hiệu ứng này, một thanh nhôm thường được lắp đặt, có thể được sơn sau. Có một số trường hợp khe chân tường được sơn màu đen để làm nổi bật hơn phần thụt vào.
Không sử dụng len chân tường
Tất nhiên, lựa chọn đơn giản nhất là không sử dụng bất kỳ len chân tường nào. Đây là một lựa chọn ngày càng phổ biến, nhưng nó yêu cầu việc hoàn thiện tường và sàn cực kỳ tốt. Trong mọi trường hợp, điều rất quan trọng là yêu cầu này phải được nêu rõ trong dự án và thảo luận với những người thợ.
CafeLand