So sánh ưu – nhược điểm của các loại chất liệu phủ bề mặt cốt gỗ làm tủ bếp
Lựa chọn chất liệu phủ bề mặt nào cho tủ bếp luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của đội ngũ kiến trúc sư và gia chủ. Trong bài viết dưới đây, bài viết sẽ cung cấp cho độc giả thông tin hữu ích về 4 loại chất liệu phủ bề mặt gỗ cơ bản cũng như so sánh ưu – nhược điểm của từng loại để gia chủ tiện tham khảo.
Thị trường chất liệu phủ bề mặt cốt gỗ công nghiệp hiện nay có 4 loại chất liệu được sử dụng phổ biến là: Melamine, Laminate, Veneer và Acrylic. Mỗi loại có những mẫu mã, chất lượng và giá thành khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của người sử dụng.
Bề mặt Melamine
Melamine (Melamine Faced Chipboard) là chất liệu phủ trang trí trên bề mặt cốt gỗ. Melamine được cấu tạo từ 3 lớp : Overlay (lớp màng phủ bên ngoài), Decorative Paper (lớp phim tạo màu mỹ thuật) và Kraft Paper (lớp giấy nền). Qua quá trình ép ở nhiệt độ và áp suất cao, 3 lớp này được kết hợp chặt chẽ với nhau bằng keo Melamine.
Ưu điểm
– Tính thẩm mỹ cao, mẫu mã đa dạng, màu sắc phong phú, đẹp mắt.
– Có khả năng chống chịu tác động vật lý tốt, không bị phai màu, biến màu, tuổi thọ cao.
– Giá thành Melamine thường rẻ hơn Acrylic và Laminate.
– Chịu được hóa chất, nhiệt độ cao, thích hợp khu vực bếp. Có khả năng kháng mối mọt, mục ruỗng.
– Chất liệu sạch, thân thiện và bảo vệ môi trường.
Nhược điểm
– Độ uốn ván, uốn cong bề mặt thấp.
– Phải được ép dán trực tiếp lên cốt gỗ mới sử dụng được.
Bề mặt Laminate
Laminate được chế biến theo công nghệ HPL (High Pressure Laminate), bao gồm 3 lớp: lớp màng phủ, lớp ghim tạo màu thẩm mỹ và lớp giấy nền. Chất lượng ổn định, đa dạng về màu sắc cũng như hình dáng nên chất liệu phủ bề mặt Laminate rất được ưa chuộng.
Ưu điểm
– Bề mặt Laminate dày hơn Melamine, có khả năng chống xước, phai màu, chịu nhiệt tốt, chống lại các hóa chất và tác động vật lý cao.
– Tính thẩm mỹ cao, màu sắc đa dạng, ngoài những màu trơn còn có cả màu kim loại, màu ánh nhũ, các loại vân như vẫn gỗ tự nhiên, vân sần, vân đá…
– Dẻo dai, có thể uốn cong để tạo hình cho nhiều đồ nội thất như quầy, kệ…
– Dễ dàng thi công, tạo hình và lắp ghép.
Nhược điểm
– Giá thành khá cao.
– Có thể bị bong tróc, phồng rộp bề mặt, khe dán không đẹp nếu kỹ thuật xử lý không tốt.
Bề mặt Veneer
Bề mặt Veneer thực chất là gỗ tự nhiên được lạng mỏng từ các cây gỗ thịt như: Xoan đào, sồi, óc chó, tần bì… với độ dày chỉ khoảng từ 1 rem đến 2 ly. Sau khi sơ chế, bề mặt Veneer được dán lên các cốt gỗ công nghiệp để làm ra các vật liệu như tủ bếp, bàn ghế,…
Ưu điểm
– Giá thành hợp lý, rẻ hơn gỗ tự nhiên.
– Bề mặt sáng bóng, nhẵn mịn, có thể ghép vân theo nhiều cách để tạo nên các sản phẩm có tính thẩm mỹ cao.
– Khả năng chống cong vênh tốt, không mối mọt, nứt gãy khi môi trường thay đổi.
– Không phai màu, mất màu.
– Chất liệu an toàn, thân thiện với môi trường.
Nhược điểm
– Tủ bếp bề mặt Veneer thường không chịu được nước, độ ẩm cao.
– Dễ bị sứt mẻ, rạn nứt khi gặp chịu lực va đập.
Bề mặt Acrylic
Bề mặt Acrylic là một loại vật liệu được tinh chế từ dầu mỏ, dùng để phủ lên bề mặt cốt gỗ công nghiệp. Hiện nay, bề mặt Acrylic rất được ưa chuộng nhờ vào bề mặt sáng bóng, phẳng mịn, dễ lau chùi và có tính thẩm mỹ cao.
Ưu điểm
– Có khả năng chịu lực tốt, không bị cong vênh, co ngót khi môi trường thay đổi, độ bền cao.
– Dễ dàng vệ sinh, lau chùi, khả năng giữ mới tốt, bề mặt luôn sáng bóng, sang trọng.
– Màu sắc đa dạng, phù hợp nội thất phong cách hiện đại.
– Dễ dàng thi công, lắp ghép.
Nhược điểm
– Giá thành của sản phẩm khá cao do yêu cầu tiêu chuẩn sản xuất công nghệ cao.
– Không phù hợp với phong cách nội thất cổ điển.
Mỗi loại chất liệu phủ bề mặt lại có cấu tạo, chất lượng, mẫu mã và giá thành khác nhau. Bên cạnh việc xem xét ưu – nhược điểm của từng loại, bạn đọc hãy cân nhắc các yếu tố như phong cách thiết kế nội thất, nhu cầu sử dụng cũng như nguồn lực tài chính để lựa chọn loại chất liệu phủ bề mặt ưng ý nhất.
Happynest