Vì sao giá BĐS liên tục tăng, giao dịch chưa cải thiện?
Theo ghi nhận, những dự án có được sản phẩm chào thị trường thời điểm này là lợi thế trong bối cảnh khan cung. Tuy nhiên, dường như mức giá đưa ra đang cùng lúc cao hơn rõ nét so với thời điểm trước Tết, cho dù giao dịch chưa mấy khả quan sau khi dịch được kiểm soát tốt.
Khảo sát cho thấy, giá một số dự án căn hộ trên địa bàn TPHCM và tỉnh lân cận đang chạm mốc khá cao so với thời điểm cuối năm 2019. Có một số dự án giới thiệu ra thị trường sau thời điểm dịch được kiểm soát đã cao hơn 15-20% so với giá dự kiến vào cuối năm 2019. Lý giải lý do mặt bằng giá trên đà tăng ở thời điểm này, đa số các doanh nghiệp BĐS đều cho rằng, các chi phí đầu vào không giảm thì giá bắt buộc phải tăng lên. Thậm chí, việc tăng giá để bán ra sau dịch còn tính đến các chi phí “hao hụt” do tác động từ dịch mà doanh nghiệp phải gánh chịu.
Mặc dù các sự kiện bán hàng của thị trường BĐS đã sôi động trở lại từ cuối quý 1/2002 nhưng sức mua còn khá e dè. Giá bán trên thị trường sơ cấp thì không có dấu hiệu giảm nhiệt. Ghi nhận cho thấy, một số dự án BĐS đã “thăm dò” thị trường bằng cách là đưa ra mức giá khá cao. Dù có thể lúc mở bán chính thức mức giá này không chạm đến ngưỡng đó nhưng nếu so sánh chung trên thị trường BĐS thì giá đã tăng rõ nét so với cùng kì năm ngoái.
Không chỉ ở phân khúc căn hộ mà đất nền, nhà phố cũng đang thiết lập mặt bằng giá cao so với cùng kì năm trước. Một số dự án đất nền tại tỉnh lân cận TPHCM hiện mức giá thấp nhất cũng từ 20-25 triệu đồng/m2. Đây cũng là mức giá không dễ tìm kiếm ở các khu vực giáp ranh mà phải chấp nhận đi xa hơn. Theo ghi nhận, hiện đa số các khu vực này giao dịch cũng “chững” chung với thị trường. Giá bán cũng có dấu hiệu hạ nhiệt nhưng không theo xu hướng giảm xuống.
Theo các đơn vị nghiên cứu, trong quý 1/2020 dù rơi vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nhưng các CĐT BĐS không hề có động thái giảm giá. Sang đến quý 2/2020 động thái này càng thể hiện rõ nét hơn khi không những không giảm giá mà mặt bằng giá chung của các phân khúc đều thiết lập giá mới, cao hơn hẳn so với quý 1. Thậm chí cao rõ nét so với cùng kì năm ngoái.
Trong báo cáo quý 2 mới đây, JLL Việt Nam cho rằng, giá BĐS vẫn có xu hướng tăng bất chấp tình hình kinh tế chưa ổn định. Dưới tác động của Covid-19, nhiều chủ đầu tư đã có những ưu đãi như gia hạn lịch thanh toán cho khách. Tuy nhiên, do nguồn cung khan hiếm và nhu cầu lành mạnh từ thị trường, phần lớn các dự án đều ghi nhận mức giá tăng nhẹ từ 1-3% so với quý trước. Đáng nói, có một số dự án căn hộ ở phân khúc hạng sang ra thị trường hoặc đang trong giai đoạn bàn giao đã cùng nhau nâng giá trung bình toànthị trường đạt 2.582 USD mỗi m2 trong quý, tăng 27,5% theo năm và 5,3% theo quý.
Nhu cầu chủ yếu là mua để ở, trong đó phân khúc bình dân và trung cấp dẫn đầu với 83% trên tổng số giao dịch. Theo JLL, đối với thị trường đầu tư, các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và do dự trong việc xuống tiền trong bối cảnh xuất hiện những bất ổn về tài chính, vì nguy cơ sa thải và cắt giảm lương vẫn còn tiếp diễn.
Trong khi đó, ở phân khúc nhà liền thổ giá bán cũng liên tục tăng và xác lập kỉ lục mới. Cụ thể, theo JLL, giá sơ cấp trong quý 2 của phân khúc này đã xác lập kỷ lục mới với mức 5.277 USD/m2, tăng 35,9% theo năm và 5,2% theo quý. Nguyên nhân là các dự án mới ra mắt trong quý chào giá cao hơn mức trung bình, điều này một lần nữa khẳng định sự tự tin của chủ đầu tư trong giai đoạn nhu cầu cao và nguồn cung lại khan hiếm.
Một số dự báo cho rằng, trong các quý tiếp theo khi nguồn cung dồi dào hơn thì có thể mức giá CĐT đưa ra thị trường sẽ cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, dự báo này cũng không thể hiện cho việc xuống giá của BĐS trong thời gian tới. Thậm chí, theo một số doanh nghiệp, khi dòng tiền của người mua trở lại thị trường tốt hơn thì giá BĐS có thể sẽ còn thiết lập mặt bằng giá mới cao hơn hiện tại một bước.
Như vậy để thấy, dù giao dịch trên thị trường chưa mấy sáng sủa nhưng giá BĐS vẫn bất chấp tăng lên đang thể hiện cho câu chuyện, việc điều chỉnh giá đi xuống là rất khó diễn ra trong giai đoạn tới. Theo các chuyên gia, về mặt nguyên lý, sau mỗi đợt khủng hoảng BĐS sẽ giảm giá nhưng về mặt thực tế thị trường thì hiện nay điều đó khó xảy ra. Bởi BĐS vẫn được xem là kênh trú ẩn an toàn đối với dòng vốn của NĐT, tính sở hữu tài sản bằng nhà đất của người Việt còn cao. Chưa kể, các doanh nghiệp địa ốc còn tính toán đến các chi phí đầu vào để đưa ra mức giá đầu ra, đảm bảo được câu chuyện kinh doanh của họ. Nhất là trong bối cảnh mà chi phí xây dựng, chi phí quỹ đất, chi phí tài chính không giảm mà còn có xu hướng tăng lên thì việc điều chỉnh mức giá bán là điều dễ hiểu.
Hiện nay, khi mà mức giá BĐS tại TPHCM đã ở ngưỡng cao, vượt quá khả năng chi trả của số đông người mua ở thực thì TP cũng đang tích cực đề xuất các giải pháp phát triển nhà ở xã hội, nhà thương mại giá thấp. Tuy nhiên, câu chuyện phát triển này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố liên quan và chưa thể thực hiện ngay ở thời điểm này.
Hạ Vy/Trí thức trẻ