Gian bếp bày trí nhẹ nhàng, pha chút xưa cũ theo kiểu vintage sẽ làm siêu lòng mọi tín đồ yêu thích vẻ đẹp mộc mạc, hoài niệm.
Không chỉ là trào lưu thời trang, vintage còn được nhiều người chọn làm phong cách chính cho không gian nấu nướng của gia đình. Nét nhẹ nhàng, tinh tế của các yếu tố cổ điển kết hợp vẻ đẹp hiện đại của các tiện ích tạo nên không gian bếp sang trọng nhưng vẫn thân thuộc và ấm áp. Để toát nên đặc trưng của phong cách vintage, bạn có nhiều cách sáng tạo và kết hợp khác nhau. Ảnh: Listok.
Đầu tiên, màu sắc sẽ tạo nên tính thống nhất và cân đối cho không gian. Do đó, việc lựa chọn màu sơn cho căn bếp vintage rất quan trọng. Những tông màu tươi sáng, ngọt ngào hay gam trung tính trầm lắng, đượm buồn hoặc vẻ cổ điển nhưng không quá cầu kỳ của các màu sơn pastel. Màu phổ biến trong căn bếp vintage thường là vàng nâu, đỏ, xanh lam, rêu, màu pastel hồng nhạt, be, kem… toát lên cảm giác ấm cúng và bình yên. Ảnh: MyDomaine.
Tủ bếp là nội thất quan trọng và có thể nêu bật nhất phong cách của gian bếp. Chính vì thế, việc lựa chọn kiểu dáng, vật liệu hay màu sắc của tủ cũng là điều bạn cần xác định ngay từ đầu khi muốn thiết kế bếp theo phong cách vintage. Tủ thuần gỗ mộc mạc hay mang các gam màu đậm trầm lắng hoặc có các ngăn tủ mở được trang trí với các đồ dùng nhỏ xinh… mang đến không gian hoài cổ rõ nét. Ảnh: Saltandblues.
Nếu muốn mọi thứ trở nên vintage, bạn đơn giản hóa bằng cách chú trọng vào khâu chọn vật liệu, họa tiết trang trí và màu sắc không gian nội thất. Gạch và gỗ luôn là sự lựa chọn dành cho những ai yêu sự mộc mạc. Chẳng hạn, nếu thích mẫu tủ bếp hiện đại nhưng vẫn muốn phong cách vintage, bạn có thể thử kết hợp chất liệu gỗ cho bộ bàn ghế ăn. Ảnh: MidCityEast.
Sự kết hợp giữa bố trí nội thất đơn giản, nhẹ nhàng với tường ốp đá hoa, sàn gạch ca rô hoặc họa tiết cổ điển lặp lại liên tục cũng tạo nên điểm nhấn vintage khác biệt cho căn bếp. Ảnh: Nikoleta Vidinova.
Nét độc đáo và phá cách của không gian nấu nướng vintage còn đến từ những vật dụng cũ, có thể là đồ dùng lâu đời hoặc được sơn màu theo phong cách cũ nát. Chẳng những không mang đến nét u buồn, tẻ nhạt cho không gian, các đồ vật này được lựa chọn làm điểm nhấn ấn tượng, tạo nên dấu ấn thời gian, mang vẻ đẹp lạ mắt, hơi hướm hoài niệm. Ảnh: Douglas Gibb.
Thêm một mẹo lựa chọn nội thất cho căn bếp vintage là bàn ăn có thiết kế nhỏ, mảnh nhưng các đường nét vẫn toát lên sự mềm mại, thanh thoát. Kết hợp bàn ăn với đèn trần trang trí để tạo cho không gian bếp không quá đơn điệu. Ngoài ra, bàn ăn có mặt đá nhân tạo, màu sáng hoặc nâu gỗ cũng rất phù hợp. Ảnh: Homeboxy.
Bức tường nhà bếp được trang trí với phụ kiện bắt mắt, cầu kỳ sẽ làm nổi bật phong cách vintage hơn. Một chiếc đồng hồ treo tường kiểu vintage, rèm cửa sổ họa tiết ren hay các bức tranh, ảnh nhuốm màu thời gian là những lựa chọn hoàn hảo cho nhà bếp vintage. Ảnh: Scaramanga.
Chính bởi sự đơn giản mà hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại, khi bước vào không gian bếp phong cách vintage, ai cũng có thể cảm nhận sự sang trọng nhưng không xa hoa, kiểu cách nhưng chẳng hào nhoáng, lại hết sức bình dị và thân quen. Ảnh: KUB Studio.
Uyên Hoàng/zing.vn