Tương lai thị trường bất động sản Long An sẽ như thế nào?
Theo ông Phạm Lâm, Chủ tịch DKRA Việt Nam, ở thị trường Long An, phần lớn các nhà đầu tư cá nhân, các nhà phát triển BĐS chỉ tập trung làm dự án ở một số khu vực giáp ranh TPHCM như Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức. Tuy nhiên, hạ tầng kết nối vẫn là bài toán của khu vực này.
Trao đổi tại hội thảo “TPHCM – Long An: Kết nối phát triển” do Thời báo Kinh tế Sài Gòn phối hợp với Câu lạc bộ Địa ốc Saigon Times tổ chức, ông Phạm Lâm cho rằng, một số khu vực của tỉnh Long An, việc kết nối hạ tầng với TPHCM và lân cận khá yếu, không có gì thay đổi so với thời điểm trước đây.
Có một thực tế, giá BĐS khu vực này tăng nhiều nhưng hạ tầng lại không được cải thiện. Ví dụ trục đường từ Nguyễn Hữu Thọ, TPHCM đi xuống khu vực xã Long Hậu (Long An) – nơi có rất nhiều dự án tập trung ở đó nhưng giao thông hầu như không phát triển nhiều so với những năm trước đây.
Điều này khiến cho độ hấp dẫn của thị trường giảm đi rất nhiều. Hiện nay chỉ có các nhà phát triển phân lô rồi bán lại cho các nhà đầu tư thứ cấp chứ chưa có đầu tư giao thông.
Đó cũng là bài toán đặt ra cho 2 bên là tỉnh Long An và TPHCM. “Long An có những lợi thế riêng, nhưng để hấp dẫn nhà đầu tư thì cần thúc đẩy mạnh vấn đề kết nối hạ tầng các khu vực giáp ranh với TPHCM là Đức Hòa, Cần Giuộc, Bến Lức”, ông Lâm nhấn mạnh.
Theo số liệu ông Lâm đưa ra từ báo cáo, năm 2017 khu vực Long An có nguồn cung rất lớn về nhà ở với 12.000 sản phẩm được đưa ra thị trường. Năm 2018 ít hơn với 11.000 sản phẩm. Còn 6 tháng đầu năm nay, số dự án chưa bằng 50% năm trước.
Trong đó, phần lớn nhà đầu tư lẫn người mua cá nhân chỉ tập trung ở huyện Đức Hoà, Cần Giuộc, Bến Lức. Trước đây, năm 2011, tỉnh này quyết tâm phát triển Tân An thành một trong những thành phố vệ tinh của khu vực vùng TPHCM. Nhưng trên thực tiễn thì các nhà phát triển BĐS chỉ tập trung đầu tư vào các vùng giáp ranh.
Tính từ khu vực trung tâm Q.1, nếu đi xuống Cần giuộc khoảng 20km đường chim bay nhưng giá bán BĐS lại chưa bằng nửa của huyện Hóc Môn, vốn quảng đường di chuyển xa hơn tính từ trung tâm TP. Như vậy để thấy, câu chuyện kết nối hạ tầng tác động rất lớn đến giá trị BĐS và cũng là câu chuyện đáng suy nghĩ bởi tại sao một số nơi giáp ranh TPHCM lại chưa được đầu tư hạ tầng tương xứng.
Theo ông Lâm, các khu vực giáp ranh TPHCM không nên tập trung nhiều về phát triển khu công nghiệp mà nên tập trung phát triển nhà ở. Nếu Bình Dương, Đồng Nai quỹ đất lớn đã dần khan hiếm thì lợi thế của Long An là quỹ đất còn nhiều. Thời gian qua, một số doanh nghiệp BĐS khá quan tâm đến thị trường nơi đây. Do đó, phát triển nhà ở, KĐT trong dài hạn sẽ thuận lợi.
“Với lợi thế sống nước, Long An nên khai thác thêm khu nhà ở gắn liền với KĐT xanh (BĐS xanh). Tận dụng địa thế mảng xanh để phát triển các dự án khu đô thị sẽ có cơ hội rất lớn thay vì phát triển manh mún, bê tông hóa. Nếu làm được điều này, BĐS Long An 10 năm nữa vẫn hấp dẫn NĐT”, ông Lâm nhấn mạnh.
Nhận định về thị trường BĐS Long An trong thời gian tới, ông Lâm cho rằng, quy luật “nước chảy về chỗ trũng”. Những khu vực có tiềm năng phát triển thì NĐT sẽ dồn về. BĐS Long An vẫn còn hấp dẫn trong vòng 3 năm tới.
Hạ Vy/Nhịp sống kinh tế