Bình Dương: Hạ tầng thênh thang nhưng giao dịch nhà đất vẫn lặng lẽ, nhiều dự án không một bóng người
So với 3 địa phương thuộc Vùng đô thị mở rộng TPHCM, Bình Dương là tỉnh có “đường biên giới” khá dài với TPHCM, gần các khu vực trung tâm nhất và đặc biệt mạng lưới giao thông quy mô lớn đã được đầu tư khá tốt, nhưng thị trường BĐS nơi đây đang có dấu hiệu giảm nhiệt.
Theo ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, Bình Dương hơn 10 năm qua được quy hoạch rất tốt, từ chính sách quản lý, hệ thống giao thông đến cơ sở hạ tầng. Tuy nhiên, do các loại hình bất động sản phần lớn không phải đáp ứng nhu cầu ở thực, dẫn đến nhiều khu vực “nhà thì có, người ở thì không”, đô thị để hoang.
Từ trung tâm Bình Dương hiện nay di chuyển về TPHCM, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu hay lên Bình Phước, các tỉnh Tây Nguyên đều rất dễ dàng qua các tuyến quốc lộ 13, quốc lộ 14, đại lộ Mỹ Phước – Tân Vạn – Nhơn Trạch, các tuyến đường Vành dai 3, vành đai 4…
Đồng thời các tiện ích dịch vụ như khách sạn 5 sao, trung tâm hội nghị – triển lãm, khu vui chơi giải trí, bệnh viện, trường học quốc tế… cũng đã phát triển hoàn chỉnh. Trong tương lai, hệ thống metro của TPHCM được kết nối đến nhiều khu vực của Bình Dương sẽ giúp cho việc di chuyển thuận tiện hơn nữa.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM, mặc dù tỉnh này hơn 10 năm qua đã chi khá nhiều tiền để đầu tư xây dựng mạng lưới giao thông giúp kết nối từ TPHCM đến Thành phố mới Bình Dương, nhằm kéo dân cư về các dự án đã hoàn thiện tại đây. Những nhiều dự án, biệt thự khang trang lại vắng bóng người ở. Nhà đầu tư thì vẫn còn sợ hãi, ám ảnh với “cơn sốt” đất trước đây. Các tiện ích và hạ tầng xã hội phát triển chưa đồng đều.
Được biết, tất cả giao dịch mua bán, học hành, khám chữa bệnh, vui chơi giải trí… đều tập trung ở TP Thủ Dầu Một. Theo các môi giới, hầu hết sản phẩm BĐS trong TP mới Bình Dương đã được bán nhưng chủ yếu cho khách hàng đầu tư, còn người có nhu cầu mua ở thực rất ít. Điều này cũng khiến hoạt động mua bán, giao dịch BĐS tại các thị xã Thuận An, Tân Uyên, TP Thủ Dầu Một… kém sôi động trong những năm gần đây.
Một số sàn giao dịch nhà đất tại Bình Dương cho biết trong thời gian gần đây, giao dịch đất nền tại Bình Dương có xu hướng chậm lại. Trong 9 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bình Dương, các giao dịch hầu như chỉ tập trung tại TP Thủ Dầu Một và các thị xã Thuận An, Dĩ An. Nhưng tại 3 địa phương này, thời gian gần đây sức mua có dấu hiệu giảm sút do giá chào bán tăng cao.
Cụ thể, cùng kỳ năm trước, giá đất nền tại thị xã Thuận An dao động ở mức 13-14 triệu đồng/m2, hiện đã tăng lên 18-24 triệu đồng/m2 (tùy khu vực). Nếu so với thời điểm 2015, sau 3 năm đất khu vực này tăng gấp 3 lần.
Tại thị xã Dĩ An, ghi nhận mức tăng vọt từ 14-15 triệu đồng/m2 đầu năm 2017 lên 25-30 triệu đồng/m2 ở thời điểm đầu tháng 10 này, mặc dù sức mua tại các khu vực này đã chững so với trước. Trong khi đó, tại TP Thủ Dầu Một, giá đất cũng dao động tăng 14-15 triệu đồng/m2 lên 20-22 triệu đồng/m2 trong vòng 1 năm qua. Còn tại TP mới Bình Dương, mặc dù vắng bóng người sinh sống nhưng giá đất đều ở mức 35-50 triệu đồng/m2.
Thời gian 10 tháng trở lại đây, thị trường địa ốc Bình Dương ghi nhận chỉ có đúng 3 dự án căn hộ được xây dựng và chào bán ra thị trường. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, nhiều khách hàng khi đến tham quan dự án đều còn lưỡng lự xuống tiền, vì các khu vực xung quanh vẫn thưa thớt người sinh sống.
Chẳng hạn, tại KĐT Mỹ Phước 3, dự án Eco Lakes được xây dựng năm 2007 trên diện tích 226ha. Dự án được đầu tư và phát triển bởi CTCP Setia Becamex, là liên doanh giữa 3 tập đoàn SP Setia Berhad (55%), Becamex IDC (45%) và Treasure Link (5%). Hàng loạt dãy nhà 4 tầng tại đây đã được xây dựng sẵn nhưng không có người ở.
Hay tại KĐT Mỹ Phước 2 xây dựng năm 2005 bởi Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp – Becamex IDC, đang lâm vào tình trạng tương tự, cả một KĐT mênh mông vắng hoe người ở.
Nhiều chuyên gia khẳng định những yếu tố nói trên sẽ giúp thị trường bất động sản Bình Dương tăng thêm hấp lực. Nhưng, trên thực tế, trong nhiều năm liền thị trường nhà ở, đất nền ở đây vẫn đìu hiu. Vậy đâu là nguyên nhân chính?
Mặc dù thời gian qua các tập đoàn bất động sản lớn của nước ngoài như Tập đoàn Tokyu, Aeon (Nhật Bản); SembCorp., Mapletree, Guoco Land (Singapore); Lotte (Hàn Quốc)… đều cam kết sẽ tiếp tục rót vốn xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp hoặc các cơ sở thương mại mới tại Bình Dương, nhưng lượng giao dịch vẫn không tăng như kỳ vọng.
“Theo tôi quan sát thời gian dài qua, rất khó có một cơn sốt đất nào ở Bình Dương lúc này và thời gian ngắn tới. Theo đó, tại đây hiện có rất ít dự án mới được tung ra thị trường, trong khi đó nguồn hàng từ dự án cũ còn rất nhiều. Giao thông liên vùng chưa đồng bộ, dự án không người vào ở nhiều, trong khi giá bán lại được nâng lên cao so với nhiều khu vực khác. Có chăng thanh khoản đang tốt chỉ với một số dự án nằm tại vị trí giáp ranh với TPHCM, rất gần bến xe miền Đông mới, đại lộ Phạm Văn Đồng, hay nhà ga metro số 1” ông Phúc cho biết thêm.
Nguyên Minh/Trí thức trẻ