12/06/2018

Quảng Ninh: Hội thảo KHCN toàn quốc “Cát nghiền thay thế cát tự nhiên – Vật liệu thân thiện với môi trường”

Ngày 8/6, tại TP Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh và Bộ Xây dựng phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học công nghệ toàn quốc “Cát nghiền thay thế cát tự nhiên – Vật liệu thân thiện với môi trường”. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Văn Sinh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng; Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và hơn 250 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng trong cả nước.

Phát biểu tại hội thảo, Vụ trưởng Vụ vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) Phạm Văn Bắc chia sẻ, phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất là tận dụng các chất thải sản xuất, chất thải xây dựng đang được các cơ quan quản lý, các địa phương, các nhà khoa học quan tâm, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu sử dụng cát xây dựng của Việt Nam ngày một tăng cao.Theo số liệu thống kê hiện nay, cả nước đang sử dụng 130 triệu m3 cát xây dựng/năm. Theo dự báo, giai đoạn 2016 – 2020 chúng ta sẽ cần khoảng 2,1 – 2,3 tỷ m3 cát san lấp. Hiện nay dự trữ cho san lấp đến 2020 chỉ còn 2,1 tỷ m3, điều đó có nghĩa sau năm 2020 sẽ không còn cát phục vụ san lấp. Thêm vào đó, việc khai thác quá nhiều đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Vì vậy Chính phủ và các bộ, ngành thời gian qua đã tích cực chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp quản lý để hạn chế khai thác cát và tăng cường sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên.

Nhấn mạnh sự cần thiết của việc sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, Quảng Ninh là tỉnh có những thuận lợi về nguồn tài nguyên khoáng sản than đá thì đi kèm với đó là lượng đất đá thải mỏ ra môi trường hàng năm khoảng 200 triệu tấn. Bên cạnh đó, việc sử dụng than trong các nhà máy nhiệt điện hàng năm thải ra môi trường khoảng 5 triệu tấn tro xỉ, thải nhiệt điện. Việc xử lý đất đá thải mỏ của ngành Than đang được Quảng Ninh đặc biệt quan tâm trong thời gian hiện nay.


Quang cảnh hội thảo.​
Theo Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng Quảng Ninh đến năm 2020, định hướng 2030, nhu cầu sử dụng cát xây dựng, cát san lấp mặt bằng các công trình rất lớn (giai đoạn 2018 – 2020 cần khoảng 8 triệu m3 cát xây dựng, 40 triệu m3 san lấp; giai đoạn 2021 – 2030 cần khoảng 31 triệu m3 cát xây dựng, 160 triệu m3 cát san lấp). Trong khi đó, nguồn cung cấp cát xây dựng, cát san lấp hạn chế; cần thiết có các giải pháp chủ động thay thế nguồn cung cát xây dựng.Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Công ty CP Thiên Nam đã được UBND tỉnh cho phép đầu tư dự án thu hồi, chế biến đá cát kết tại các vị trí đầu tầng thải bãi thải Đông Cao Sơn của Công ty CP Than Cọc Sáu để sản xuất cát nhân tạo. Đây sẽ là nguồn cát xây dựng bổ sung lớn cho thị trường xây dựng tại Quảng Ninh ở thời điểm hiện nay và thời gian tới. Quảng Ninh đang thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” nhiều dự án lớn sẽ được triển khai nên nhu cầu cát xây dựng, cát san lấp trong thời gian tới là rất lớn.

Việc nghiên cứu phát triển sản xuất và sử dụng vật liệu tại chỗ, nhất là từ bãi thải mỏ của ngành Than, tro xỉ thải nhiệt điện làm vật liệu xây dựng là hết sức cần thiết, góp phần tiết kiệm tài nguyên, đất đai, bảo vệ môi trường. Vì vậy, UBND tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Xây dựng, các bộ, ngành, các nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu, hướng dẫn chỉ đạo hoàn thiện đề tài KHCN cát nghiền nhân tạo để ứng dụng rộng rãi; nghiên cứu ban hành các tiêu chuẩn quốc gia, hướng dẫn kỹ thuật, định mức kinh tế kỹ thuật trong việc sử dụng tro, xỉ thải của các nhà máy nhiệt điện làm vật liệu xây dựng. Tỉnh Quảng Ninh cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành để tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu, ứng dụng KHCN sản xuất vật liệu xây dựng mới, thân thiện môi trường.

Hội thảo cũng nghe và thảo luận một số tham luận như: Tình hình đầu tư sản xuất cát nghiền; cơ chế chính sách phát triển và khuyến khích sử dụng cát nghiền và tro xỉ nhiệt điện trong sản xuất vật liệu xây dựng; nghiên cứu sử dụng cát nghiền để chế tạo bê tông; sử dụng cát xay cho bê tông nhựa…

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh khẳng định, hiện nay hoạt động đầu tư trên các lĩnh vực của cả nước rất lớn, đây là yếu tố tác động rất nhiều đến nguồn vật liệu xây dựng, nhất là cát. Thời gian qua, chúng ta chủ yếu sử dụng nguồn cát tự nhiên khai thác từ các lòng sông đã tác động không nhỏ đến môi trường làm sạt lở bờ sông, mất an ninh trật tự… Trước đòi hỏi thực tế, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các địa phương, kêu gọi các nhà khoa học, các tổ chức tham gia nghiên cứu sản xuất cát nghiền bước đầu thay thế cát tự nhiên.

Qua hội thảo, một lần nữa đã khẳng định các nguồn nguyên liệu thay thế cát tự nhiên trong hoạt động đầu tư của nhiều lĩnh vực. Đồng chí Thứ trưởng Bộ xây dựng yêu cầu các địa phương tiếp tục tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này; các nhà khoa học cần nghiên cứu tạo ra các sản phẩm thay thế cát tự nhiên, mở ra ứng dụng mới.

Về phía Bộ Xây dựng để đảm bảo cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng nhất là vật liệu xây dựng thân thiện môi trường phát triển bền vững thời gian tới sẽ làm rõ khung pháp lý sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên. Đồng thời có báo cáo Chính phủ tháo gỡ khó khăn giúp các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất vật liệu nghiền thay thế cát tự nhiên.

VLXD.org