24/05/2018

Đô thị thông minh, điểm nhấn của thị trường bất động sản TPHCM

Chương trình phát triển đô thị thông minh của TPHCM có nội dung yêu cầu giải quyết các vấn đề như kẹt xe, ngập nước, ô nhiễm…, những nút thắt đang cản trở thị trường bất động sản phát triển. Khi những điểm nghẽn này được giải quyết, thị trường địa ốc sẽ hưởng lợi lớn.

Vật cản của thị trường bất động sản

Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản, hiện thị trường bất động sản TPHCM đang có rất nhiều điểm nghẽn. Chẳng hạn, nhiều khu vực tại TPHCM đang bị ngập nước nghiêm trọng, trong đó đa phần những khu ngập nặng lại nằm ở nơi có thị trường bất động sản phát triển nhất. Đơn cử, tại đường Nguyễn Hữu Cảnh nối quận 2 ra quận Bình Thạnh luôn trong cảnh ngập nặng mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường dâng.

Còn tại quận 7, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, hiện đây là nơi có tỷ lệ ngập cao nhất Thành phố và đang có dấu hiệu tiếp tục lún. Bên cạnh đó, ngay cả các quận trung tâm như quận 1, quận 3 cũng có những điểm ngập nước khi trời mưa hoặc triều cường dâng.

Năm 2018, TP.HCM sẽ triển khai đồng bộ nhiều Dự án để giúp giảm ùn tắc và chống ngập
Năm 2018, TPHCM sẽ triển khai đồng bộ nhiều dự án để giúp giảm ùn tắc và chống ngập

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngoài ngập nước, tình trạng kẹt xe cũng ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường bất động sản TPHCM. Theo báo cáo từ Sở Giao thông – Vật tải TPHCM, hiện tình trạng kẹt xe đang diễn ra ở hầu khắp các tuyến đường, nhất là ở trung tâm Thành phố, như đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Thị Minh Khai, Điện Biên Phủ, Trường Chinh, Cộng Hòa…

Chính vì lo ngại tình trạng kẹt xe ngày một nghiêm trọng, nên cuối năm 2017, UBND TPHCM phải đưa ra văn bản yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường và các quận hạn chế cấp phép xây dựng nhà cao tầng trong trung tâm TPHCM. Bên cạnh đó, phải thực hiện chính sách giãn dân ra vùng ven.

Một điểm nghẽn nữa cản bước thị trường bất động sản TPHCM là vấn nạn ô nhiễm môi trường. Cụ thể, năm 2016, tình trạng ô nhiễm mùi hôi tại khu xử lý rác Đa Phước đã khiến thị trường bất động sản khu Nam, vốn là tâm điểm của thị trường địa ốc TPHCM gặp khó, nhiều chủ đầu tư đã bị vỡ kế hoạch ra hàng.

Hiện nay, tình trạng ô nhiễm vẫn còn rất lớn và đến từ hàng trăm nhà máy sản xuất, chế biến nằm ngay ở các khu dân cư trong các quận, huyện mà nhiều năm qua TPHCM lên phương án di dời, nhưng chưa thành công. Bên cạnh đó, hệ thống xử lý, thu gom rác sinh hoạt tại TPHCM đang trong tình trạng báo động khi các bô rác nằm ngay khu dân cư hiện hữu gây ô nhiễm mùi hôi cho người dân.

Không những vậy, tình trạng mất an ninh trật tự, trộm cắp, y tế, giáo dục không xứng tầm, cũng đang là vật cản  thị trường bất động sản, khiến nhiều doanh nghiệp ngành địa ốc có quỹ đất lớn, nhưng không dám phát triển dự án, bởi vị trí nằm ở khu ngập nước, ô nhiễm môi trường…

“Cứu cánh” cho thị trường

Tháng 11/2017, UBND TPHCM công bố Đề án xây dựng đô thị thông minh. Đề án được thực hiện trong 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 (2017-2020) sẽ triển khai xây dựng nền tảng công nghệ cho đô thị thông minh và xây dựng trung tâm dữ liệu dự phòng, nền tảng dữ liệu mở, kho dữ liệu dùng chung…

Giai đoạn 2 (2020-2025) sẽ tập trung triển khai các giải pháp thông minh trong các lĩnh vực chuyên ngành và một số giải pháp đã được triển khai ở giai đoạn 1, sẽ được mở rộng và cập nhật dữ liệu. Thành phố sẽ đặt ra các mục tiêu, nhiệm vụ mới… trong giai đoạn 3 của đề án (sau 2025).

Đô thị thông minh sẽ là điểm nhấn của thị trường bất động sản TP.HCM những năm tới. Ảnh: Lê Toàn
Đô thị thông minh sẽ là điểm nhấn của thị trường bất động sản TPHCM những năm tới. Ảnh: Lê Toàn

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Theo Phó chủ tịch UBND TPHCM Trần Vĩnh Tuyến, Trưởng ban Điều hành đề án, thành phố thông minh hướng tới việc đảm bảo môi trường sống thoải mái, tích cực, lành mạnh và an toàn. Người dân có thể thụ hưởng các tiện ích như sử dụng năng lượng với chi phí thấp, hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, dịch vụ y tế tốt; học sinh có thể học tại trường chất lượng, không khí trong lành, nguồn nước sạch, tỷ lệ tội phạm thấp, các hoạt động vui chơi giải trí đa dạng…

Trong công tác chống ngập, các hệ thống cảnh báo và giám sát ứng dụng công nghệ thông tin sẽ giúp theo dõi, cung cấp các thông tin về dòng chảy và thực hiện cảnh báo khi xuất hiện các tổ hợp bất lợi cho Thành phố như mưa, triều cường và mực nước dâng cao, để áp dụng các kịch bản ứng phó phù hợp của hệ thống quản lý tình huống khẩn cấp. Các kênh thông tin tương tác theo thời gian thực giữa chính quyền và người dân cũng giúp cung cấp những dự báo, cảnh báo về khả năng xảy ra ngập, cũng như các kiến thức về phòng, chống ứng phó với ngập lụt.

Trong lĩnh vực giao thông, người dân được trải nghiệm hệ thống vận tải hành khách công cộng chất lượng cao, xuyên suốt với vé điện tử liên thông. Giải pháp thu phí thông minh, đỗ xe thông minh giúp người dân thuận lợi trong việc gửi và đỗ xe. Dữ liệu mở về giao thông và thông tin dự báo giao thông giúp người dân tìm lộ trình di chuyển phù hợp, giảm ùn tắc.

Cùng với đó, người lao động sẽ có các dịch vụ hạ tầng cơ bản, đảm bảo khả năng cạnh tranh trên thương trường thế giới: kết nối internet băng thông rộng, các nguồn năng lượng sạch, ổn định với chi phí thấp, các cơ hội để được học hành, chi phí cho không gian sống và làm việc vừa tầm thu nhập.

Đặc biệt, đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế bền vững, hướng đến kinh tế tri thức, kinh tế số là mục tiêu đầu tiên được nhắc đến trong Đề án…

Để thực hiện đề án trên, ông Tuyến cho biết, TPHCM đã chuẩn bị khá kỹ, như xây dựng hệ thống giao thông mở rộng, xây dựng hệ thống thủ tục hành chính điện tử… Đơn cử, tại quận 9 và quận 2, khi đặt mục tiêu xây dựng đô thị thông minh tại đây, TPHCM đã cải tạo lại toàn bộ hệ thống giao thông của 2 quận này, như mở rộng tuyến Xa lộ Hà Nội, xây dựng tuyến Metro số 1, lắp đặt hệ thống camera an ninh, xây dựng khu vui chơi giải trí, hệ thống thủ tục hành chính điện tử, cũng như cung cấp dịch vụ điện tử cho người dân khi làm thủ tục hành chính…

Bên cạnh đó, ông Tuyến cho rằng, việc vận hành một đô thị lớn như TPHCM đòi hỏi việc phải có đầy đủ các thông tin đa chiều để điều phối xử lý, dự báo, hoạch định chiến lược. Do đó, ưu tiên hàng đầu là phải xây dựng kho dữ liệu dùng chung và phát triển hệ sinh thái dữ liệu mở cho Thành phố.

Đây được cho là điều kiện tiên quyết để triển khai thành công trung tâm điều hành thành phố thông minh – là nơi khai thác tất cả nguồn thông tin, dữ liệu hằng ngày của Thành phố trên tất cả lĩnh vực, giúp xử lý tình huống và giúp lãnh đạo các cấp điều hành một cách tổng thể.

Ngoài ra, TPHCM cũng vừa phát đi thông báo xây dựng Khu liên hợp Thể dục thể thao Rạch Chiếc. Dự án có chủ trương đầu tư từ năm 1994, được xây dựng trên diện tích tổng thể 222 ha, trong đó 180 ha sẽ dùng đầu tư vào cơ sở hạ tầng, trang thiết bị kỹ thuật. Dự án nhằm chuẩn bị đăng cai Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) 31.

Theo kiến trúc sư Trịnh Hoài Linh, Giảng viên Khoa Kiến trúc xây dựng, Đại học Bách Khoa TPHCM, khi TPHCM áp dụng đô thị thông minh, thì chính các dự án bất động sản cũng phải phát triển thông minh theo như quản lý tòa nhà bằng hệ thống tự động, dùng các thiếp bị xanh, tiết kiệm năng lượng…

“Hiện tại, TPHCM đang áp dụng thử nghiệm đô thị thông minh tại 3 quận là quận 1, quận 2 và quận 12. Ở 3 quận này đã bắt đầu được Thành phố tiến hành quy hoạch, phát triển từng giai đoạn như cơ sở hành chính, hệ thống giáo dục, vui chơi giải trí.

Tuy nhiên, những vấn đề quan trọng hơn phải xử lý là giao thông, ngập nước, ô nhiễm, an ninh trật tư…, lại chưa được quyết liệt triển khai. Dù vậy, hiện Thành phố đã có hướng mở cho những khó khăn này, đó là việc Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, đại diện nhiều hiệp hội doanh nghiệp các nước như Mỹ, Italia, châu Âu ủng hộ và cho biết sẽ giúp đỡ Thành phố xây dựng dự án đô thị thông minh trong các năm tới. Với những cam kết hỗ trợ của các đối tác ngoại, tôi tin TPHCM sẽ sớm thành đô thị thông minh, đáng sống”, bà Linh nói.

Được biết, hiện TPHCM đang huy động lực lượng tư vấn trong và ngoài nước để thiết kế xây dựng khu đô thị sáng tạo tích hợp 3 quận phía Đông Thành phố là quận 2, 9 và Thủ Đức. Bên cạnh đó, TPHCM đang tiến hành đẩy mạnh đầu tư các dự án để xây dựng thành phố thông minh như khu đô thị sáng tạo phía Đông, 7 chương trình đột phá và 127 dự án trọng điểm của Thành phố.

Đại diện nhiều doanh nghiệp địa ốc kỳ vọng, khi các chương trình này được triển khai có kết quả, thị trường sẽ được khơi thông để phát triển mạnh và bền vững hơn.

Gia Phú/Báo Đầu tư Bất động sản