Ban hành mới suất vốn đầu tư xử lý chất thải rắn
Tại Quyết định số 1354/QĐ-BXD (ban hành ngày 29/12/2017), có hiệu lực thi hành từ ngày 01/02/2018, Bộ Xây dựng đã công bố suất vốn đầu tư xử lý chất thải rắn (CTR) sinh hoạt.
Suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTR tại thời điểm quý I/2012 đến nay đã không còn phù hợp.
Điều chỉnh tăng suất vốn đầu tư
Theo Quyết định số 1354/QĐ-BXD, loại bỏ công nghệ chế biến thành viên nhiên liệu, bổ sung suất đầu tư và mức chi phí đối với cơ sở xử lý sử dụng công nghệ, thiết bị trong nước, nước ngoài chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt, công nghệ xử lý hỗn hợp, bổ sung công nghệ chôn lấp vệ sinh bao gồm cả xử lý nước rỉ rác.
Điều chỉnh tăng suất vốn đầu tư từ 2 – 13% phù hợp với mức độ trượt chi phí đầu tư xây dựng, điều chỉnh tăng từ 11 – 17% mức chi phí xử lý để phù hợp với mức trượt giá và thực tế đã thực hiện. Riêng đối với mức chi phí xử lý CTR bằng công nghệ đốt, mức điều chỉnh tăng từ 15 – 20% so với mức chi phí đã công bố trước đây.
Ngoài ra, thuyết minh và hướng dẫn sử dụng tại Quyết định số 1354/QĐ-BXD cũng cụ thể hơn, chi tiết hơn theo từng nội dung. Ngoài các nội dung đã hướng dẫn cụ thể, bà Trương Thị Thu Thanh – Phó cục trưởng Cục Kinh tế xây dựng khuyến nghị, việc tham khảo, vận dụng suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTR trong Quyết định số 1354/QĐ-BXD cần lưu ý, đối với các cơ quan Nhà nước ở địa phương, ngoài việc cần nghiên cứu rõ công nghệ xử lý, quy mô công suất, khả năng tiêu thụ sản phẩm đầu ra (nếu có), mặt bằng giá cả, khả năng chi trả của ngân sách địa phương, cần thiết tham khảo kinh nghiệm thực hiện của một số địa phương khác có mô hình xử lý CTR và điều kiện tương tự để có quyết định phù hợp.
Đối với nhà đầu tư và chủ cơ sở xử lý CTR, ngoài việc tham khảo thông tin trong Quyết định, cần nghiên cứu, tìm hiểu chất lượng CTR, khối lượng CTR phát thải trên địa bàn, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm đầu ra (nếu có), để quyết định đầu tư mô hình xử lý CTR với công nghệ và mức chi phí đáp ứng yêu cầu xử lý CTR và phù hợp với khả năng chi trả của ngân sách địa phương.
Việc ban hành Quyết định số 1354/QĐ-BXD là cần thiết
Trước đó, suất vốn đầu tư xây dựng và mức chi phí xử lý CTR sinh hoạt thực hiện theo Quyết định số 322/QĐ-BXD, ngày 06/4/2012. Qua 5 năm triển khai trong thực tế, Quyết định số 322/QĐ-BXD đã được sử dụng có hiệu quả trong công tác quản lý dịch vụ xử lý CTR, trở thành nguồn thông tin hữu hiệu phục vụ các đối tượng có liên quan đến hoạt động xử lý CTR, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý vốn ngân sách chi cho hoạt động xử lý CTR. Tuy nhiên, qua báo cáo tổng kết của khoảng 40 địa phương cho thấy, việc vận dụng, áp dụng suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTR công bố tại Quyết định số 322/QĐ-BXD đã bộc lộ một số bất cập. Thứ nhất, Quyết định số 322/QĐ-BXD chưa bao phủ các công nghệ xử lý CTR đã và đang được ứng dụng phổ biến. Suất đầu tư và mức chi phí xử lý được xác định cho 03 công nghệ xử lý là công nghệ chế biến phân vi sinh, công nghệ đốt và công nghệ chế biến thành viên nhiên liệu, là những công nghệ được đánh giá có tính khả thi tại thời điểm năm 2012. Tuy nhiên, đến nay công nghệ chế biến thành viên nhiên liệu đã không được sử dụng do chất lượng sản phẩm không đồng đều, một số nơi chất lượng không đạt yêu cầu (có nhiệt trị thấp), thị trường tiêu thụ rất hạn chế (sử dụng ở các làng nghề thủ công là chủ yếu), phát sinh rác thải thứ phát… Ví dụ như Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh (công nghệ Ủ sinh học) đang được sử dụng ở nhiều địa phương như Bắc Giang, Hà Giang (huyện Vị Xuyên), Tây Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn…
Trong khi đó, công nghệ hỗn hợp giữa công nghệ chế biến phân vi sinh và đốt đã tỏ ra có hiệu quả, được nhiều địa phương sử dụng nhưng chưa được công bố suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý. Ví dụ như nhà máy xử lý CTR ở Cẩm Quan – Hà Tĩnh (công suất 200 tấn/ngày), Nhà máy xử lý CTR và sản xuất phân bón TP Thái Bình, nhà máy xử lý rác thải tại Quảng Bình…
Ngoài ra, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh còn thiếu hướng dẫn liên quan đến suất vốn đầu tư, mức chi phí cho hệ thống xử lý nước rỉ rác…
Thứ hai, phạm vi điều chỉnh chưa đầy đủ. Suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTR chỉ áp dụng đối với các công nghệ, thiết bị được nghiên cứu, chế tạo trong nước, trong khi công nghệ xử lý của Đức, Bỉ, Nhật và một số nước khác đã được ứng dụng bước đầu được đánh giá là thành công tại một số địa phương, nhất là xử lý CTR ở khu vực nông thôn (lò đốt Sankyo, ATV 150, LOSIHO – Nhật, lò đốt NFI – Thái Lan…). Thứ ba, dải quy mô công suất xử lý công bố chưa phù hợp. Theo số liệu đã công bố, quy mô công suất xử lý tối đa đối với công nghệ chế biến phân vi sinh 500 tấn/ngày, công nghệ đốt 300 tấn/ngày. Nhưng thực tế, đã xuất hiện quy mô công suất lớn hơn như công nghệ đốt 500 tấn/ngày, công nghệ hỗn hợp giữa đốt và chế biến phân vi sinh đến 1.200 tấn/ngày… Mặt khác, dải công suất trên thực tế đa dạng hơn, công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh có khu chôn lấp với công suất 400-700 tấn/ngày, có khu liên hợp xử lý CTR công suất 1.200 tấn/ngày…
Thứ tư, trị số mức không còn phù hợp. Suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý được xác định theo mặt bằng giá cả, chế độ chính sách tại thời điểm quý I/2012, nên đến nay đã không còn phù hợp. Một số yếu tố cấu thành chi phí xử lý như giá nguyên liệu, vật tư, năng lượng, tiền lương nhân công đã có sự biến động so với thời điểm quý I/2012. Thứ năm, quy chuẩn quốc gia về môi trường, lò đốt chất thải không còn phù hợp. Hiện nay, các cơ sở xử lý CTR cần phải cải tiến dây chuyền xử lý để đáp ứng các quy chuẩn môi trường hiện hành (QCVN08-MT:2015/BTNMT, QCVN09-MT:2015/BTNMT, QCVN61:MT:2016/BTNMT và một số tiêu chuẩn môi trường khác có liên quan). Thứ sáu, nội dung hướng dẫn áp dụng suất vốn đầu tư và mức chi phí xử lý CTR còn một số bất cập, còn thiếu như hướng dẫn sử dụng chỉ số giá xây dựng công trình để điều chỉnh suất vốn đầu tư, chưa làm rõ nội dung các chi phí đã xác định trong suất vốn đầu tư, chưa hướng dẫn điều chỉnh mức chi phí xử lý… Thứ bảy, các căn cứ pháp lý để ban hành Quyết định đã được thay thế bởi những quy định khác…
Do vậy, việc ban hành Quyết định số 1354/QĐ-BXD là cần thiết, sửa đổi, bổ sung các nội dung để bắt nhịp kịp thời với yêu cầu của thực tiễn. Tập định mức mới cập nhật giá, mức chi phí tương ứng với công nghệ, dải công suất, tạo khung chi phí cùng một loại công việc của địa phương này với địa phương khác có quy mô và đặc điểm xử lý CTR giống nhau, nhằm khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư tham gia cung cấp dịch vụ xử lý CTR…
Thanh Nga/BXD