09/01/2018

Lịch sử hình thành đô thị vệ tinh trong cấu trúc đô thị Hà Nội

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Điểm rõ thấy nhất trong cấu trúc đô thị theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt là các đô thị vệ tinh gắn kết với đô thị trung tâm nhưng có chức năng riêng, đặc thù để cùng thực hiện vai trò của Thủ đô. Trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, các đô thị lớn đang chịu áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường. Phát triển đồng bộ các đô thị vệ tinh với cấu trúc và đặc thù có thể coi là giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng phát triển bền vững. 

Không gian quy hoạch xây dựng khu đô thị mới phát triển tại đô thị vệ tinh Sóc Sơn (Hà Nội)

Không gian quy hoạch xây dựng khu đô thị mới phát triển tại đô thị vệ tinh Sóc Sơn (Hà Nội)

Điểm rõ thấy nhất trong cấu trúc đô thị theo Quy hoạch chung (QHC) xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050 được duyệt là các đô thị vệ tinh gắn kết với đô thị trung tâm nhưng có chức năng riêng, đặc thù để cùng thực hiện vai trò là Thủ đô. Trong quá trình đô thị hoá ở Việt Nam, các đô thị lớn đang chịu áp lực lớn về dân số, quá tải hạ tầng kỹ thuật, ô nhiễm môi trường. Phát triển đồng bộ các đô thị vệ tinh với cấu trúc và đặc thù được xem là giải pháp nâng cao chất lượng phát triển bền vững cho đô thị Hà Nội.
QUÁ TRÌNH ĐÔ THỊ HÓA VÀ MÔ HÌNH CHÙM ĐÔ THỊ, ĐÔ THỊ VỆ TINH
Trên thế giới quá trình đô thị hoá (ĐTH) có thể chia thành 3 thời kỳ: Thời kỳ tiền công nghiệp, thời kỳ công nghiệp, thời kỳ hậu công nghiệp. Từ thế kỷ 19, cách mạng kỹ thuật đã làm thay đổi cơ cấu kinh tế lãnh thổ, đô thị hóa (ĐTH) gắn với tốc độ công nghiệp hoá (CNH) và hiện đại hoá (HĐH). Cấu trúc đô thị từ mô hình tập trung đơn giản đã chuyển sang mô hình đa dạng, phức tạp hơn để giải quyết vấn đề môi trường, hạ tầng kỹ thuật, nhất là giao thông đi lại.
Thông thường, công nghiệp được đưa ra ngoài đô thị như mô hình đề xuất thành phố Zachisi (1933), Thủ đô Alger (1934) của Lecorbusier. Mô hình “Thành phố vườn” ở Anh với giải pháp cách ly khu công nghiệp với các khu ở bằng dải cây xanh. Đối với một số đô thị lớn đã hình thành mô hình phân tán dân cư ra xung quanh đô thị hạt nhân, chủ động lập các vành đai xanh để kiềm chế phát triển các đô thị quá lớn, siêu đô thị như quy hoạch Matxcơva của G.B. Krasin (1930), quy hoạch London của Patrick Abercrombie (1944), quy hoạch Tokyo mở rộng của Kenzo Tange (1950).
Như vậy, trong thời kỳ công nghiệp đã hình thành mô hình chùm đô thị gồm các đô thị liên kết với nhau. Các mô hình chùm đô thị đã thực sự phát huy vai trò và là động lực, lợi thế đẩy nhanh tốc độ ĐTH, CNH. Thực tiễn cho thấy một số nước phát triển sau như: Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, chỉ sau 20 – 30 năm đã là nước công nghiệp phát triển có tỷ lệ đô thị cao, các nước châu Âu như: Anh, Pháp, Mỹ phải cần thời gian 100 – 150 năm.
Bước sang thời kỳ hậu công nghiệp, quá trình ĐTH trên thế giới đã có thách thức lớn. Hội nghị Quốc tế về dân số và tương lai đô thị (1984) đã nhận định: ĐTH nhanh và xu thế hình thành các thành phố lớn (trên 5 triệu dân) đang chuyển từ phương Tây sang phương Đông.
Hội nghị Thượng đỉnh quốc tế (1990) về “bảo vệ môi trường sinh thái phát triển bền vững” ở Rio de Janero đã đưa ra khuyến nghị phát triển nhanh nhưng cần bền vững. Các nước đang phát triển hoặc có dân số già hoá cần có mô hình đô thị thân thiện. Đây cũng là những thách thức với Việt Nam trong quá trình phát triển đô thị nhanh. Nếu như năm 1985 cả nước có gần 500 đô thị, tỷ lệ ĐTH là 19% thì đến năm 2000 tỷ lệ ĐTH đã là 34,2% và đến năm 2015 đã có tới 787 đô thị tỷ lệ đô thị hóa ~39% với 05 thành phố trực thuộc Trung ương, 67 Thành phố thuộc tỉnh, hơn 50 thị xã, còn chủ yếu là thị trấn.
ĐTH nhanh đã tạo động lực đẩy mạnh CNH – HĐH đất nước song cũng tạo áp lực cho các đô thị lớn, nhất là với Hà Nội, TPHCM đang có dân số tới ngưỡng siêu đô thị, đã đến lúc cần cấu trúc đô thị thích hợp.
Kinh nghiệm từ nước ngoài cho thấy bài học đô thị vệ tinh của London (Vương quốc Anh) là rất đáng quan tâm. Để giải quyết nhu cầu ở tăng nhanh sau chiến tranh thế giới thứ nhất, Chính phủ Anh đã phát triển các khu ở theo mô hình “thành phố vườn” của Ebenezer Howard. Tuy nhiên, mô hình đầu tiên này chỉ là hình thành “khu ở” xây dựng phân tán chưa phải là đô thị. Từ thực tiễn này đã tiến tới xây dựng khu công nghiệp gắn kết với chức năng khu ở đầy đủ tiện nghi và tương đối độc lập với London để tránh tình trạng di chuyển con thoi từ đô thị vệ tinh vào đô thị trung tâm. Nhờ vậy mà đã giảm áp lực vào London.
Trong quy hoạch đô thị vệ tinh này, vai trò vành đai xanh ngày càng được khẳng định là yếu tố quan trọng, được xác định là công cụ để hạn chế mở rộng trung tâm London. Cùng với mô hình quy hoạch với vành đai xanh là thể chế quản lý được thực thi chặt chẽ mà mô hình chùm đô thị ở London đã thành công. Bài học ở đây cho thấy cần có sự đồng bộ giữa mô hình quy hoạch hợp lý với quản lý xây dựng theo quy hoạch và thể chế quản lý.
QUY HOẠCH ĐÔ THỊ VỆ TiNH TẠI VIỆT NAM
Tổng quan quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam cho thấy:
Thời kỳ phong kiến: Xuất phát từ nền kinh tế nông nghiệp tiểu nông tự cung tự cấp, phần nào “bế quan toả cảng” nên tốc độ ĐTH không cao. Các đô thị chủ yếu hình thành từ đồn trú quốc phòng, phân chia lãnh thổ hành chính, “đô thị hành chính” gắn với các điển dân cư nông thôn. Một số đô thị trung tâm bên cạnh “thành” còn hình thành “thị” với chức năng thương mại, sản xuất thủ công. Công nghiệp, sản xuất nhỏ nên chưa gây áp lực cho đô thị.
Thời kỳ Pháp thuộc: Với chính sách khai thác thuộc địa, mạng lưới đô thị được hình thành rải đều, song chủ yếu là đô thị nhỏ và có một số đô thị có chức năng thương mại, công nghiệp quy mô nhỏ. Đô thị đã có sự tách biệt khỏi nông thôn, hình thành sớm cấu trúc đô thị mới hơn so với các nước trong khu vực, mô hình “chuỗi đô thị” với đô thị có không gian kiến trúc đặc thù là đặc điểm cần chú ý của giai đoạn này.
Thời kỳ từ sau cách mạng tháng Tám: Miền Bắc chủ yếu áp dụng nguyên lý ĐTH của các nước XHCN. Đô thị dù xây dựng mới hay cải tạo đều gắn với chức năng sản xuất, công nghiệp. ĐTH gắn với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng. Hệ thống đô thị phát triển theo tầng bậc, chủ yếu là các đô thị nhỏ và vừa với các chức năng như: đô thị công nghiệp, đô thị cảng, đô thị tổng hợp, đô thị hành chính, đô thị nghỉ dưỡng… Điều cần quan tâm là từ sau thống nhất đất nước (1975) nhất là từ sau “đổi mới”, ĐTH ở Việt Nam đã phát triển mạnh, chuyển hoá từ mô hình đô thị chức năng “đóng” sang mô hình đô thị mở. Một số đô thị lớn do áp lực từ phát triển kinh tế hoặc yêu cầu an ninh quốc phòng (ANQP) đã chịu áp lực để chuyển hoá sang mô hình “chùm đô thị”, rõ thấy nhất là với Hà Nội.
Trong bối cảnh như vậy, năm 1998 Chính phủ đã có “Định hướng phát triển đô thị Việt Nam đến 2030” (Quyết định 10/1998/QĐ-TTg) với tổ chức hệ thống đô thị theo 10 vùng đô thị hóa. Mỗi vùng ít nhất có một đô thị hạt nhân đóng vai trò cực tăng trưởng. Quá trình tổ chức thực hiện đã tạo được hệ thống đô thị phát triển mạnh và phân bố đều trên cả lãnh thổ. Điều đáng chú ý là có tới gần 50% dân số đô thị tập trung tại TP Hà Nội và TPHCM, hệ thống đô thị phát triển nhanh song đã bộc lộ những tồn tại là phát triển thiếu bền vững, thiếu nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng, bất cập trong phân bố dân số và sử dụng đất đô thị, năng lực quản lý đô thị chưa tương ứng phát triển và nhất là chưa tính đến tác động của biến đổi khí hậu.
Từ các tồn tại trên, Chính phủ đã có điều chỉnh định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam (Quyết định 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009). Theo đó:
– Mạng lưới đô thị được phân cấp và bố trí hợp lý theo 6 vùng kinh tế – xã hội quốc gia.
– Hình thành các đô thị lớn, cực lớn phát triển theo mô hình chùm đô thị có đô thị đối trọng hoặc đô thị vệ tinh với vành đai bảo vệ để hạn chế tập trung dân số, mất cân bằng sinh thái.
– Hình thành các chuỗi đô thị dọc hành lang biên giới, ven biển, hải đảo để gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh quốc phòng.
Từ định hướng nêu trên và từ quá trình phát triển đã tác động mạnh đến cấu trúc các thành phố lớn. Hà Nội sau mở rộng địa giới (2008) với diện tích đất tự nhiên lên tới 3.344km2, dân số 6,4 triệu người. Do vậy, mô hình cấu trúc đô thị Thủ đô phải được nghiên cứu để có định hướng thích hợp.

Định hướng phát triển không gian Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

Định hướng phát triển không gian Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050

XÁC LẬP CẤU TRÚC VÀ ĐẶC THÙ MÔ HÌNH ĐÔ THỊ VỆ TINH HÀ NỘI
Không phải chỉ sau mở rộng địa giới 2008 mà trong quá trình phát triển từ sau hoà bình lập lại 1954, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới, 7 lần có quy hoạch chung được duyệt, đã có lần được định hướng phát triển theo mô hình “chùm đô thị” với đô thị trung tâm và đô thị đối trọng.
QHC Thủ đô Hà Nội năm 1974 đã định hướng phát triển Hà Nội theo mô hình gắn với phát triển thị trấn Xuân Hoà (thuộc Vĩnh Phúc) để đảm bảo an ninh quốc phòng và giảm áp lực vào đô thị trung tâm Hà Nội, với định hướng dân số đô thị Hà Nội cũ khống chế 40 vạn dân và phát triển thủ đô lên Xuân Hoà (Vĩnh Yên) với 60 vạn dân. Mô hình này có kết quả không như mong muốn vì thiếu nguồn lực thực hiện, thiếu cơ chế quản lý.
Sau thống nhất đất nước, Hà Nội điều chỉnh địa giới được mở rộng năm 1978 (2136km2) đến 1991 đã điều chỉnh lại còn 924km2 và đã có điều chỉnh QHC được phê duyệt tại Quyết định 132/CT năm 1992 với định hướng phát triển đến 2010. Quá trình thực hiện đã nảy sinh nhiều tồn tại, bất cập nên đến 1998 đã có QHC đến 2020 được phê duyệt tại Quyết định 108/1998/QĐ-TTg. Để thực hiện có kết quả đã gắn kết QHC Hà Nội với phát triển các đô thị theo chuỗi trong quy hoạch vùng Thủ đô. Phát triển khu vực Hoà Lạc, Xuân Mai, Sơn Tây… có thể xem là những nghiên cứu bước đầu về quy hoạch đô thị vệ tinh của Hà Nội sau này. Quá trình thực hiện QHC 1998 đã thấy rõ hơn những tồn tại về:
– Mối quan hệ với vùng Thủ đô.
– Áp lực dân số, hạ tầng kỹ thuật vào trung tâm Hà Nội.
– Yêu cầu bảo vệ môi trường và hài hoà giữa phát triển với bảo tồn.
Do vậy đến năm 2008, Hà Nội đã mở rộng địa giới lên 3344km2 và QHC cho Thủ đô đến 2030 đã được nghiên cứu và Thủ tướng phê duyệt tại quyết định 1259/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 đã xác định cấu trúc chùm đô thị sau khi được Quốc hội, Bộ Chính trị thông qua, nhiều tổ chức xã hội, nghề nghiệp và nhân dân góp ý, tư vấn, phản biện.
Quy hoạch được phê duyệt lần này đã định hướng và khẳng định Hà Nội phát triển theo mô hình chùm đô thị gồm: đô thị trung tâm, 05 đô thị vệ tinh, các thị trấn được kết nối bằng hệ thống giao thông đường vành đai, trục hướng tâm. Đô thị trung tâm phân cách với đô thị vệ tinh, các thị trần bằng hành lang xanh (vành đai xanh, nêm xanh, công viên). Điểm thấy rõ nhất trong cấu trúc đô thị lần này là các đô thị vệ tinh gắn kết với đô thị trung tâm nhưng có chức năng riêng, đặc thù để cùng thực hiện vai trò là Thủ đô, bao gồm:
– Đô thị vệ tinh Hoà Lạc: Có chức năng chính về khoa học công nghệ và đào tạo với dân số 0,6 triệu, diện tích đất xây dựng đô thị 18.000ha.
– Đô thị vệ tinh Sơn Tây: Văn hoá lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ đào tạo, y tế với dân số 0,18 triệu, đất xây dựng đô thị 4000ha.
– Đô thị vệ tinh Xuân Mai: Dịch vụ – Công nghiệp hỗ trợ, tiểu thủ công dịch vụ thương mại, đào tạo, dân số 0,22 triệu, đất xây dựng đô thị 4.500ha.
– Đô thị vệ tinh Phú Xuyên: Công nghiệp, đầu mối giao thông. Các khu cụm công nghiệp dân số 0,12 – 0,13 triệu, đất xây dựng đô thị 2.500 – 3.000ha.
– Đô thị vệ tinh Sóc Sơn: Công nghiệp, dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng, trung tâm y tế, giáo dục, dân số 0,25 triệu, đất xây dựng đô thị 5.500ha.
Như vậy là các đô thị vệ tinh đều có chức năng hỗn hợp, song vẫn có chức năng đặc thù, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ đô thị trung tâm. Qua 5 năm thực hiện định hướng trên, đến nay đã phê duyệt QHC 04 Đô thị vệ tinh (riêng Hoà Lạc đang hoàn chỉnh trình Thủ tướng duyệt). Tổng quan cho thấy đây là cơ hội để phát triển Hà Nội bền vững, có sức cạnh tranh, xứng tầm với vai trò, vị thế là Thủ đô. Mô hình phát triển Hà Nội theo chùm đô thị với 05 đô thị vệ tinh là giải pháp kết tinh từ quá trình đã phát triển, từ kinh nghiệm của thế giới và dự báo bối cảnh phát triển trong tương lai.
Hà Nội đã có quy hoạch hợp lý song cần và quyết định là tổ chức thực hiện, xác định nguồn lực, xây dựng thể chế quản lý đồng bộ. Hà Nội đang triển khai đẩy mạnh xây dựng các đô thị vệ tinh, song cũng thấy rõ còn nhiều thách thức, nhất là nguồn lực thực hiện, cơ chế chính sách đặc thù. Hy vọng mô hình đô thị vệ tinh này sẽ trở thành hiện thực với quyết tâm từ quản lý, sự quan tâm của giới chuyên môn, đồng thuận của nhân dân và tranh thủ hội nhập./.

TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hiệp hội Phát triển đô thị Việt Nam