06/11/2017

Thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020

Bộ Xây dựng nhận được Công văn 7865/BKHĐT-KTĐN ngày 28/9/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị báo cáo cập nhật Định hướng thu hút vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020; sau khi tổng hợp Bộ Xây dựng có Văn bản số 2550 gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.


Ảnh minh họa.

Theo đó, Bộ Xây dựng đánh giá chung về công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2016-2017: Tình hình ký kết và kế hoạch giải ngân các dự án giai đoạn 2016-2017, số lượng dự án ký kết mới 01; kế hoạch giải ngân các dự án giai đoạn 2016-2017 tại Phụ lục II.1 đính kèm.

Những mặt tích cực và tồn tại, hạn chế trong công tác thu hút, quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi thời kỳ 2016-2017: Những mặt tích cực là đối tác tin cậy của nhà tài trợ, đặc biệt là JICA, GIZ, WB, ADB,…; trong quá trình thực hiện dự án, giữa các bên liên quan đã có sự phối hợp tương đối chặt chẽ và thường xuyên.

Nguồn vốn ODA được Bộ Xây dựng sử dụng hiệu quả, các lĩnh vực hợp tác với nhà tài trợ ngày càng phát triển; năng lực quản lý trong các lĩnh vực quản lý chất thải rắn, thoát nước và xử lý nước thải từ Trung ương đến địa phương ngày càng được nâng cao; đồng thời hỗ trợ triển khai có hiệu quả các dự án đầu tư xây dựng công trình cấp, thoát nước và xử lý nước thải tại các địa phương.

Công tác quản lý và triển khai thực hiện dự án của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án đạt được nhiều tiến bộ; hoạt động theo hướng chuyên nghiệp; năng lực chuyên môn của các cán bộ quản lý dự án được nâng cao.

Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế: Việt Nam đang trong giai đoạn cuối cùng hoàn thành IDA, vốn ODA phục vụ chi tiêu đầu tư phát triển, không ưu tiên xây dựng thể chế, tăng cường năng lực và quản lý dự án. Vì vậy, công tác thu hút dự án ODA giai đoạn 2016-2017 thể hiện qua số lượng dự án là không nhiều (01 dự án mới viện trợ không hoàn lại nêu tại Phụ lục II.1). Ngoài ra, Bộ Xây dựng đã tăng cường vận động, xúc tiến dự án “Mở rộng nâng cấp đô thị Việt Nam” vay vốn WB dự kiến ký kết trong năm 2017, nhưng không thể tham gia công tác điều phối dự án do không vận động được khoản viện trợ không hoàn lại trong giai đoạn chuẩn bị dự án. Quy trình và thủ tục giữa Việt Nam và các nhà tài trợ còn có một số khác biệt; công tác chuẩn bị dự án trong nhiều trường hợp bị kéo dài.

Một số dự án đầu tư chưa đảm bảo tính bền vững. Việc quản lý, vận hành công trình của một số địa phương sau khi được bàn giao còn lúng túng, chưa làm chủ được hoặc không đủ kinh phí để vận hành. Việc phối hợp trong triển khai thực hiện dự án chưa thực sự tốt, đặc biệt là vấn đề giải ngân; công tác giám sát và đánh giá chưa được chú trọng; phần lớn mới tập trung vào tiến độ thực hiện, tình hình giải ngân mà chưa đánh giá được mức độ hiệu quả thực sự, tính bền vững của dự án. Do vậy, công tác tổng hợp, đánh giá chung về ODA, vốn vay ưu đãi gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân của tồn tại, hạn chế này là do các dự án ODA, vốn vay ưu đãi có quy trình vận động tài trợ phức tạp, qua nhiều lần thẩm định, tham vấn của các Bộ, ngành có liên quan và nhà tài trợ nên thời gian vận động thường kéo dài. Việc lập kế hoạch giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi hàng năm chưa phù hợp với thực tế giải ngân, tiến độ thực hiện dự án nên thường không thực hiện đúng theo kế hoạch; Năng lực cán bộ quản lý dự án, quản lý, vận hành công trình sau khi bàn giao ở một số nơi, số chỗ còn hạn chế.

Kiến nghị định hướng ưu tiên sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi trên cơ sở hạn mức kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 đã được phê duyệt và hạn mức vay nợ của địa phương: Ưu tiên thu hút, quản lý, sử dụng ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 2018-2020 về lĩnh vực phát triển đô thị. Cụ thể là: nâng cấp phát triển đô thị, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị (cấp nước, thoát nước, xử lý nước thải…); phát triển đô thị tăng trưởng xanh ứng phó với biến đổi khí hậu. Đề nghị các cơ quan quản lý kế hoạch, tài chính tạo điều kiện để các dự án được giải ngân vốn ODA theo tiến độ hoặc đảm bảo việc giao kế hoạch vốn hàng năm cho các dự án phù hợp với kế hoạch của dự án; ưu tiên kế hoạch vốn cho các dự án sắp kết thúc để không làm ảnh hưởng đến việc thực hiện dự án; xem xét ưu tiên bố trí vốn đối ứng cho các dự án ODA, đặc biệt là các dự án sắp kết thúc, các dự án đang ở giai đoạn thi công.

Tuyết Hạnh/BXD