14/06/2017

Phát triển nhà ở công nhân KCN: Cần xây dựng cơ chế riêng

Với sự phát triển mạnh mẽ của các khu công nghiệp (KCN), nhu cầu về nhà ở cho công nhân đang là vấn đề hết sức bức thiết tại các địa phương. Song, do lợi nhuận thấp và khả năng thu hồi vốn chậm… đã khiến nhiều chủ đầu tư KCN không mặn mà phát triển dự án nhà ở xã hội cho công nhân. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ mới để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc này.

Báo cáo của Bộ Xây dựng cho biết, hiện cả nước mới hoàn thành việc đầu tư xây dựng 179 dự án nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và KCN (tương đương 71.150 căn hộ), so với chỉ tiêu đến năm 2020 đã đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (khoảng 250.000 căn hộ) thì đến thời điểm hiện tại, mới giải quyết được khoảng 28%.


Nhà ở công nhân KCN Tân Bình, TP.HCM.

Bên cạnh đó, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, cả nước có 2,8 triệu công nhân tại các KCN, khu chế xuất, trong đó có 1,7 triệu người có nhu cầu về nhà ở. Song, bằng nhiều nguồn khác nhau, chỉ có thể giải quyết được 8-10% trong số này, 1,5 triệu người, còn lại hiện đang phải đi thuê nhà dân để ở với điều kiện sống rất thấp, ảnh hưởng đến sức khỏe công nhân và tác động đến năng suất lao động.

Trước thực trạng thiếu hụt nhà ở cho công nhân KCN, Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ và trong những năm qua, nhiều dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân đã được xây dựng nhưng chưa thể đáp ứng được nhu cầu về nhà ở cho một số lượng lớn công nhân đang làm việc tại các KCN, khu chế xuất…

Ngoài ra, Luật Nhà ở đều có quy định rất rõ về việc khi lập, phê duyệt quy hoạch KCN, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phải xác định rõ diện tích đất xây dựng nhà ở trong quy hoạch. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không nhiều chủ đầu tư thực hiện đúng điều này.

Giải thích nguyên nhân của tình trạng trên, một số chuyên gia bất động sản cho biết, ngoài nhiệm vụ xã hội, khi đầu tư vào nhà ở xã hội thì doanh nghiệp (DN) còn phải tính đến lợi nhuận, nên không mấy mặn mà với loại hình nhà ở lợi ích thu lại không đáng kể này.

Mặt khác, khi hoàn thành các công trình nhà ở cho công nhân, nếu cho thuê với mức giá cao hơn giá phòng trọ bình dân ở bên ngoài sẽ khó thu hút người thuê. Trong khi nếu giá thấp hơn thì lại kéo dài thời gian thu hồi vốn, chưa kể đến việc có thể nảy sinh những rủi ro không lường trước. Chính vì vậy, việc các DN thường “ngó lơ” việc đầu tư nhà ở cho công nhân cũng là chuyện dễ hiểu. Thế nên, xây dựng cơ chế riêng cùng những ưu đãi cho nhà đầu tư có thể sẽ là phương án khả thi cho các dự án nhà ở dành cho công nhân.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề thiếu hụt nhà ở cho công nhân tại các KCN là vấn đề cần được quan tâm một cách nghiêm túc. Đây cũng là mục tiêu trong Chiến lược Phát triển nhà ở quốc gia, đặc biệt là các mục tiêu về phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động tại các KCN giai đoạn 2016 – 2020 mà Chính phủ đã đề ra. Vì thế, cần phải có chính sách hỗ trợ mới để khuyến khích, thu hút nguồn vốn xã hội hóa tham gia phát triển phân khúc này.

Đại diện lãnh đạo Cty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera (TCty Viglacera – CTCP), một trong những DN đi đầu trong xây dựng nhà ở cho công nhân KCN cho rằng, khi xác định đầu tư vào những dự án nhà ở công nhân thì bên cạnh một phần trách nhiệm với xã hội, DN cần phải có tâm huyết. Tuy nhiên, nếu chỉ thế thôi thì chưa đủ, các DN vẫn cần được tạo điều kiện hơn nữa từ chính quyền địa phương với những chính sách cụ thể, cơ chế ưu đãi riêng cho nhà đầu tư.

Linh Đan/Báo Xây dựng