04/12/2014

Đo dòng tiền vào bất động sản

“Cơ cấu tín dụng bất động sản có xu hướng chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng tín dụng đối với cầu bất động sản, giảm tỷ trọng đồi với nguồn cung.

 

Đây được coi là một xu hướng chuyển dịch tích cực trong bối cảnh dư thừa nguồn cung tại nhiều dự án có cơ cấu sản phẩm chưa phù hợp nhu cầu thị trường”. Đó là nhận định của chuyên gia Hoàng Kim Huyền, đến từ Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia.

dongtien

Hiện nay, các ngân hàng đã mạnh dạn bơm vốn vào thị trường bất động sảnhơn so với 2 năm gần đây. Ảnh: Hoài Nam

5 dòng vốn đầu tư vào bất động sản

Theo bà Huyền, dòng vốn thứ nhất cho thị trường bất động sản là vốn vay ngân hàng. Tính đến tháng 9/2014, dư nợ tín dụng bất động sản tăng 10,8% so với đầu năm. Mức tăng này cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng tín dụng trung bình của cả hệ thống (xấp xỉ 7%). Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng tính đến 20/9/2014 đã giải ngân được hơn 3.200 tỷ đồng, tăng khoảng 3,5 lần so với thời điểm đầu năm.

Dòng vốn thứ hai đến từ nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), cũng đang tăng trở lại. Tính đến cuối tháng 9/2014, nguồn vốn đầu tư FDI vào bất động sản đạt 1,224 tỷ USD, tăng gấp 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2013 và chiếm khoảng 11% tổng vốn FDI đăng ký trong 9 tháng đầu năm 2014.

Dòng vốn thứ ba là kiều hối cũng đang tăng mạnh, với mức bình quân 20%/năm, riêng năm 2014 ước đạt 12 tỷ USD. Việt Nam thuộc nhóm nước có kiều hối lớn và ổn định của thế giới, vì thế, kiều hối là một dòng vốn tốt đối với thị trường bất động sản.

Dòng vốn thứ tư đến từ hộ gia đình đầu tư vào bất động sản. Bà Huyền cho biết, theo khảo sát vào tháng 8/2014 của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 24% người được hỏi cho biết, có đầu tư vào bất động sản. Điều này cho thấy, niềm tin thị trường bất động sản đã hồi phục và thị trường bất động sản đã trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn hơn đối với hộ gia đình.

Dòng vốn cuối cùng đến từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bất động sản. Nguồn vốn này hình thành từ 3 nguồn chính là vay ngân hàng, vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn huy động từ khách hàng.

Hoàn thiện hệ thống pháp luật

Theo đánh giá của các chuyên gia, trong một thời gian dài, do các bất cập trong khung khổ pháp lý về quản lý thị trường bất động sản, xác định quyền đối với tài sản, nên thị trường bất động sản phát triển tự phát, thiếu cân đối, không minh bạch, yếu tố đầu cơ lớn, không ổn định và thiếu bền vững.

Mặc dù vậy, thị trường bất động sản nước ta luôn được đánh giá là tiềm năng, bởi cầu thực tế còn lớn, các nguồn lực cho phát triển thị trưởng còn nhiều tiềm năng và chưa được giải phóng.

Ông Trần Kim Chung, Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, giải pháp lớn nhất là tạo dòng vốn vận hành vào thị trường, như khuyến khích huy động nguồn kiều hối, ban hành chính sách về hệ thống thế chấp thứ cấp, ngân hàng tiết kiệm nhà ở và quỹ đầu tư tín thác bất động sản.

Đồng tình với ý kiến trên, ông Phạm Quang Trung, Đại học Kinh tế Quốc dân kiến nghị, cần tăng cường năng lực nguồn vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản và huy động vốn trong dân cư cho thị trường bất động sản; hoàn thiện cơ chế quản lý và kiểm soát rủi ro đối với nguồn vốn tín dụng ngân hàng thương mại cho bất động sản; thúc đẩy sự phát triển cho thị trường trái phiếu bất động sản; tạo lập và hoàn thiện hành lang pháp lý cho việc đa dạng hóa sản phẩm tài chính bất động sản; xây dựng khung pháp lý cho thị trường tái thế chấp trên cơ sở chuẩn hóa thị trường thế chấp sơ cấp bất động sản.

Để các giải pháp trên sớm trở thành hiện thực, các chuyên gia cho rằng, cần tập trung vào việc tiếp tục rà soát các quy định còn chồng chéo, hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhằm thúc đẩy và quản lý thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững và lành mạnh. Đây là việc làm cần thực hiện ngay, nhằm tạo lập môi trường cho thị trường bất động sản phát triển.

 

Theo ĐTCK