23/05/2016

Đi tìm khái niệm về “Làng đô thị Xanh”?

(Tạp chí Kiến trúc Việt Nam) – Ngày nay, các khái niệm về “Đô thị sinh thái”, ” Đô thị xanh”, ” Thành phố xanh” vốn được hình thành từ các nước phát triển trong vài thập niên qua cũng đang được đưa vào Việt Nam. Một điều đặc biệt, với QĐ số 1528/QĐ – TTg của thủ tướng Chính phủ Ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Lạt cho phép tỉnh Lâm Đồng nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình”Làng đô thị xanh” đã mang tính đột phá trong công tác quy hoạch phát triển đô thị đặc thù. ” Làng đô thị xanh” đang dần ra đời trong điều kiện mọi thứ còn mới mẻ, cần một sự định dạng chuẩn xác và lộ trình cụ thể. Đây là hướng đi mới, mang ý nghĩa tích cực giải quyết hiệu quả bài toán đô thị hóa giữa thành thị và nông thôn hướng đến phát triển bền vững. Các ý kiến của các chuyên gia sau đây sẽ góp phần làm sáng tỏ về khái niệm “Làng đô thị xanh” tại Việt Nam trong thời điểm này.

Làng trồng rau nhà kính tại khu vực ven đô TP Đà Lạt

Làng trồng rau nhà kính tại khu vực ven đô TP Đà Lạt

LÊ QUANG TRUNG
Giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng

Để xây dựng và phát triển thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận theo đồ án quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 704/QĐ-TTg. Ngày 03/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1528/QĐ-TTg ban hành cơ chế chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt. Trong đó cho phép tỉnh Lâm Đồng thực hiện thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh”, phát huy lợi thế của các đô thị có mức độ đô thị hóa chưa cao. Tuy nhiên, hiện trạng hiện nay về Quy định pháp luật, Hệ thống quy chuẩn – tiêu chuẩn hiện hành chưa nêu bật, rõ nét về hệ thống các khái niệm và quy định cụ thể về tiêu chí cho mô hình “Làng đô thị xanh”. Vì vậy, trong giai đoạn cơ sở hiện nay, địa phương đã có nghiên cứu, đề xuất một số định hướng, đề xuất Quy mô Làng đô thị xanh và bộ Tiêu chí tạm thời “Làng đô thị xanh”..

TS.KTS Trương Văn Quảng
Nguyên Phó Viện trưởng, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia – Bộ Xây dựng

Việc Thủ tướng Chính phủ cho phép tỉnh Lâm Đồng (QĐ số 1528/ QĐ-TTg) nghiên cứu xây dựng thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh” (green village) tại thành phố Đà Lạt có tính đột phá trong công tác qui hoạch phát triển đô thị đặc thù, giải quyết những bất lợi trong quá trình đô thị hóa tại Lâm Đồng nói chung, khu vực TP. Đà Lạt và vùng phụ cận nói riêng. Đây cũng là dịp để Lâm Đồng có cơ hội tái hiện lại giá trị gốc của Đà Lạt xưa – một mô hình định cư đầy triết lí sống và tính nhân văn cho mọi thời đại… thông qua mô hình định cư mới – “Làng đô thị xanh”. Để mô hình “Làng đô thị xanh”/mô hình định cư mới ở Đà Lạt có thể triển khai và phát triển bền vững, trong nghiên cứu mô hình cần phải đạt được sự cân bằng của cả 4 yếu tố: Bền vững về xã hội; Kinh tế; Môi trường và Tài nguyên nhân văn.

KTS Trần Văn Dũng
Giám đốc CTY Tư vấn BĐS Việt Tín

“Làng đô thị Xanh” Giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng đến xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai. “Làng đô thị xanh” là khái niệm mới trong phát triển hình thái không gian ở Việt Nam. Có thể đưa ra một tiền đề cho việc đề xuất khái niệm “Làng đô thị Xanh” tích hợp từ các yếu tố tích cực từ “Làng đô thị” và “Đô thị xanh”. Phát triển “Làng đô thị xanh” được đặt ra trước sức ép về đô thị hóa làm biến dạng dần hình ảnh đô thị văn minh tại các khu đất nông nghiệp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đô thị. Phát triển nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp tối ưu có tính khả thi cao để giải quyết các bất cập liên quan trong tiến trình đô thị hóa, hướng tới xây dựng các đô thị sinh thái bền vững cho tương lai.

Antoine MOUGENOT
Tổng giám đốc công ty AREP South ASIA

Hiện nay, Pháp vẫn là một trong những điểm đến du lịch hàng đầu thế giới, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến để chiêm ngưỡng di sản vật thể và phi vật thể có giá trị cao. Điều này có được là nhờ được hỗ trợ và đầu tư mạnh mẽ thông qua các chính sách của chính phủ trong việc khám phá, phát huy và nâng cao giá trị làng quê. Nói một cách tổng quát là “sự kết hợp giữa yếu tố địa phương và kỹ năng biến bản sắc sẵn có trở thành yếu tố sinh lời”. Đặc biệt, khi đứng trước nguy cơ giảm dân số và tính bấp bênh trong cơ cấu kinh tế nông thôn, thì du lịch đã trở thành yếu tố đóng vai trò trung tâm trong quá trình phục hồi và phát triển các làng quê Pháp, nơi mà khách du lịch yêu thích và bị thu hút bởi sự tiếp đón nồng nhiệt của người dân bản địa cũng như nhờ duy trì một môi trường kinh tế – xã hội phong phú, sống động (thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp, hàng thủ công địa phương, lễ hội…) và bảo tồn chất lượng môi trường tự nhiên và tài nguyên. Những kinh nghiệm xây dựng chiến lược phát triển các mô hình làng quê thịnh vượng tại Pháp có thể xem là những bài học kinh nghiệm tốt cho việc triển khai mô hình đô thị làng quê xanh tại thành phố Đà Lạt trong thời gian tới.

Ts Nguyễn Hữu Dũng
Chủ tịch Hội Môi trường xây dựng Việt Nam
PCT Hội đồng Xây dựng Xanh Việt Nam

“Khái niệm “Làng đô thị xanh” là một khái niệm mới trong phát triển hình thái không gian ở Việt Nam nói chung, cũng như đối với Đà Lạt nói riêng. Chính vì vậy, cần xem xét từ các khía cạnh thành công cũng như khó khăn của các dự án đã phát triển tại các quốc gia trên thế giới nhằm học hỏi, xây dựng mô hình phát triển phù hợp với điều kiện Đà Lạt và phù hợp với xu hướng phát triển tại Việt Nam là thực sự cần thiết.
Như vậy, có thể đưa ra một tiền đề cho việc đề xuất khái niệm “Làng đô thị xanh” tích hợp được các yếu tố tích cực từ “Làng đô thị” và “Đô thị xanh”. “Làng đô thị xanh” cần đáp ứng những đặc điểm sau: Vị trí, địa điểm phù hợp tại khu vực giáp ngoại vi đô thị; Quy mô dự án vừa đủ đối với yêu cầu phát triển tại khu vực giao thoa đó; Sự gắn kết không gian đô thị là yếu tố quan trọng; Tính tích hợp của hệ thống giao thông, đảm bảo bán kính phục vụ của công trình dịch vụ là yêu tố quan trọng, đem lại thuận lợi cho sinh hoạt của người dân; Phát huy yếu tố đặc trưng của khu vực giáp ranh đô thị; Cấu trúc không gian đa dạng, phù hợp với địa phương; Các loại hình khu ở, nhà ở phong phú, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của người dân; Phát triển bền vững (giảm thiểu sử dụng năng lượng truyền thống, tăng sử dụng năng lượng tái tạo, tăng xử lý vi khí hậu, tăng trưởng kinh tế xanh…).

TS.KTS Lê Văn Thương
Hiệu trưởng trường ĐH Kiến trúc TP.HCM

Khái niệm “Làng đô thị” chính thức ra đời ở Anh những năm 80 của thế kỷ 20. Có thể hiểu “Làng đô thị” là một phân khu đô thị nên có kết cấu của một đô thị và cũng có các đặc điểm của làng. “Làng đô thị” không phải là một khái niệm mới, chỉ đơn giản là một sự cấu trúc lại ý tưởng trong việc quy hoạch đô thị nhằm mục đích giữ gìn môi trường thiên nhiên trong sự bành trướng đô thị đang diễn ra quá mạnh như nhiều thập kỷ qua.
Khái niệm “Đô thị xanh” được hiểu là đô thị đạt 7 tiêu chí: Không gian xanh; Công trình xanh; Giao thông xanh; Công nghiệp xanh; Chất lượng môi trường xanh; Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Mô hình “Làng đô thị xanh” là sự kết hợp giữa 2 mô hình Làng đô thị và Đô thị xanh. Khái niệm “Làng đô thị xanh” là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý, có kết cấu phức hợp của một đô thị đồng thời có tất cả các đặc điểm của làng; Không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu.

TS.Phạm S
Phó Chủ tịch UBND Tỉnh Lâm Đồng

Trên thế giới, một số quốc gia đã xây dựng thành công các đô thị xanh, đô thị sinh thái. Loại hình này chính thức ra đời từ những năm 80 của thế kỷ 20 như: Curitiba (Brazil), Thanh Đảo, Bắc Hải (Trung Quốc), Singapore, Stockholm (Thụy Điển), Freiburg (Đức), Alexandria, Virginia (Mỹ), Bali ( Indonesia)… Đô thị xanh được xem là một sự lựa chọn cho các mô hình phát triển đô thị hiện nay tại nhiều thành phố, đặc biệt trong bối cảnh hiện đại hoá và sự phát triển đô thị đang diễn ra mạnh mẽ và biến đổi khí hậu.
Khái niệm đô thị xanh ở Việt Nam trong những năm qua luôn được các Bộ, ngành và các địa phương luôn quan tâm, song còn có nhiều quan niệm khác nhau. Bước đầu, thông qua các hội thảo khoa học cũng có nhiều nhà khoa học đưa ra tiêu chí đô thị xanh. Hội Môi trường Xây dựng Việt Nam đề xuất đô thị xanh ở Việt Nam cần có 7 tiêu chí, bao gồm: (1) Không gian xanh; (2) Công trình xanh; (3) Giao thông xanh; (4) Công nghiệp xanh; (5) Chất lượng môi trường đô thị xanh; (6) Bảo tồn cảnh quan thiên nhiên, danh lam thắng cảnh, công trình lịch sử, văn hóa; (7) Cộng đồng dân cư sống thân thiện với môi trường và thiên nhiên.
Tuy vậy thực tế ở Việt Nam hiện nay chưa có đô thị nào được công nhận đô thị xanh. Như vậy việc Đà Lạt thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” là hoàn toàn mới trong điều kiện ở Việt Nam trên cả cơ sở pháp lý và thực tiễn; Vì vậy, hiện tại nếu tìm kiếm các nguồn thông tin tham khảo về “Làng đô thị xanh” thì hoàn toàn chưa có khái niệm, tiêu chí cụ thể hoặc thông tin bình luận phân tích trên cơ sở khoa học về “Làng đô thị xanh ”.
Từ phân tích nêu trên có thể đưa ra khái niệm: “Làng đô thị xanh” là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý; Có kết cấu phức hợp của một đô thị song có tất cả các đặc điểm của làng; Không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; Thích ứng với biến đổi khí hậu.

GS.TS. Nguyễn Hữu Dũng
Chủ tịch hội Môi trường Việt Nam – Chủ tịch hội đồng Công trình Xanh Việt Nam

Năm 2005, Chương trình môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) đã công bố Tuyên ngôn về Thành phố xanh dành cho các Thị trưởng của tất cả các thành phố trên thế giới để cùng cam kết sẽ cùng nhau xây dựng một tương lai bền vững về sinh thái, hoà hợp về mặt xã hội và vững chắc về kinh tế cho các thành phố. Kèm với Bản tuyên bố là Quy ước về môi trường với các quy định trong sử dụng: Tăng cường việc sử dụng năng lượng tái sinh và giảm 10% lượng điện tiêu thụ trong giờ cao điểm, đồng thời giảm hiệu ứng nhà kính trên phạm vi toàn thành phố; Có các chương trình tái chế rác và sản xuất phân bón vi sinh để giảm 20% lượng rác thải cần chôn lấp và tiêu huỷ trên một đầu người; Mở rộng mạng lưới vận tải công cộng để phục vụ tất cả các khu dân cư trong đô thị ở bán kính 0,5km, giảm phương tiện giao thông cá nhân…; Tăng cường sự tiếp cận sử dụng nước sạch cho nhân dân, thực thi các biện pháp để đẩy mạnh sử dụng nước tái chế; Có các quy chế quản lý nước thải, không để ủng ngập trong đô thị và tăng cường sự tham gia của cộng đồng trong bảo vệ nguồn nước; Xây dựng một hệ thống tiêu chuẩn đánh giá mức độ xanh cho tất cả các công trình xây dựng mới, tăng cường những đơn vị ở đa năng; Bảo vệ những hành lang sinh thái quan trọng hoặc những đặc điểm sinh thái chủ chốt như nguồn nước ngầm, cây lương thực, nơi cư trú của động vật hoang dã…
Các hệ thống đánh giá cấp chứng chỉ Công trình Xanh trên thế giới hiện hành đều tập trung vào một số tiêu chí quan trọng như: Địa điểm bền vững; Sử dụng năng lượng, nước tiết kiệm và hiệu quả; Đảm bảo chất lượng môi trường trong nhà và bên ngoài công trình…Từ các quy ước, quy định trên đây chúng ta có thể tham chiếu và áp dụng đối với “Làng đô thị Xanh” tại Việt Nam.

TS.KTS. Lê Quốc Hùng
Phó Viện Trưởng – Viện QHXD miền Nam

Việc phát kiến ra một tên gọi như nhãn hiệu “Làng đô thị xanh” là cần thiết, cho phép khuyến khích hỗ trợ và nhân rộng các dự án quy hoạch, dự án phát triển không gian ở, sản xuất nông nghiệp ven đô với các quy mô khác nhau hướng tới mục tiêu phát triển xanh, sinh thái. Tuy nhiên, nhãn hiệu “Làng đô thị xanh” không nên được hiểu và được thiết lập như là một hệ thống các chỉ tiêu cần phải noi theo, cũng không phải là một mô hình có thể áp dụng được mọi nơi, nhằm tránh nguy cơ các bản sắc văn hóa, các đặc trưng riêng cùa từng địa điểm, cộng đồng dân cư sẽ bị xóa nhòa và mất dần đi.

Lương Thủy (thực hiện)